Hưởng ứng chương trình trồng “Một tỉ cây xanh” đã và đang triển khai trên địa bàn cả nước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã phát động Phong trào “Đường tàu - Đường hoa” với phương châm “Mỗi cung đường, một loài hoa - Mỗi khu ga, một điểm đến”.
Phát triển bền vững, tận dụng lợi thế
Phong trào "Đường tàu - Đường hoa" do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) khởi xướng không chỉ là một cố gắng làm đẹp môi trường xanh mà còn là một dự án lớn, mở ra những trang mới trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường sống.
Những chiếc tàu lăn bánh qua những đoạn đường sắt không chỉ chở theo những chuyến hành trình mà còn là những đoạn đường của sự sáng tạo, tình yêu thiên nhiên và ý chí bền bỉ để biến những đường tàu thành những "đường hoa”.
Từ hiện trạng của hệ thống đường sắt như: Hành lang hai bên đường sắt (ĐS) dọc các tỉnh bị lấn chiếm, nhếch nhác, nhiều nơi trở thành địa điểm tập kết rác thải, gây ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới môi trường sống của nhân dân sống gần ĐS, hành khách; đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, thương hiệu của ngành ĐS.
Do cơ chế chưa được giao quyền khai thác, sử dụng hạ tầng các nhà ga nên đa số các khu ga chưa được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh tại các khu ga.
Nhu cầu được tìm hiểu hoạt động chạy tàu, trải nghiệm dịch vụ của ngành ĐS, được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc cổ (nhà ga, cây cầu…); các giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền với sự hình thành, phát triển ngành ĐS, với đất nước, con người Việt Nam… của du khách trong nước và quốc tế là rất lớn nhưng trên thực tế, ngành ĐS chưa đáp ứng được nhu cầu này; vì vậy, việc xây dựng, phát triển mỗi khu ga thành một điểm đến văn hóa, lịch sử là rất cần thiết, góp phần phát triển du lịch địa phương và du lịch Việt Nam nói chung.
Đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam nhiều năm được Plannet (nhà xuất bản cẩm nang du lịch nổi tiếng thế giới) bình chọn là một trong những tuyến đường đẹp nhất thế giới nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế này.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó TGĐ Tổng Công ty ĐSVN cho biết: “Hưởng ứng chương trình trồng “Một tỉ cây xanh” đã và đang triển khai trên địa bàn cả nước; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân nói chung và cán bộ công nhân viên, người lao động ngành ĐS nói riêng trong việc phát triển bền vững môi trường sinh thái; đặc biệt là giải quyết thực trạng hành lang hai bên ĐS dọc các tỉnh bị lấn chiếm, nhếch nhác, ngày 20/3/2023, Tổng công ty ĐSVN đã phát động Phong trào “Đường tàu - Đường hoa” với phương châm “Mỗi cung đường, một loài hoa - Mỗi khu ga một điểm đến”.
Phong trào gồm hai mục tiêu song song là: Trồng hoa tại các khu ga, trụ sở làm việc, dọc hai bên ĐS (Mỗi cung đường một loài hoa) và đầu tư, nâng cấp các khu ga trở thành điểm đến văn hóa ở mỗi tỉnh, thành có ĐS đi qua (Mỗi khu ga là một điểm đến).
Sau gần 10 tháng triển khai phát động, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của UBND các tỉnh, các cấp chính quyền; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đặc biệt là nhân dân, học sinh, sinh viên các trường học đóng trên địa bàn các tỉnh. Tại nhiều tỉnh, thành, người dân không chỉ trực tiếp đóng góp giống, tham gia trồng mà còn tình nguyện chăm sóc và bảo vệ cây trồng.
Theo thống kê, tính đến tháng 12/2023, các đơn vị ĐS đã trồng được gần 70km cây hoa các loại; thu dọn hàng nghìn tấn rác thải; môi trường khu ga và của người dân dọc hai bên ĐS đã được cải thiện rõ rệt.
Đối với mục tiêu “Mỗi khu ga, một điểm đến”, từ tháng 6/2023, Tổng công ty đã khai trương cà phê Hỏa Xa tại ga Long Biên, Hà Nội.
Đây là một không gian phòng chờ hiện đại có dịch vụ hỗ trợ phục vụ hành khách; đảm bảo an toàn cho du khách có nhu cầu tham quan cầu Long Biên, kiến trúc nhà ga Long Biên và các hoạt động chạy tàu của ngành ĐS một cách hợp pháp, an toàn; góp phần thu hút du khách đến với thủ đô Hà Nội”.
Gieo mầm xanh trên mọi hành trình
Ý tưởng là hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với các địa phương, đến với Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, song song triển khai phối hợp với UBND 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua và phát huy vai trò của các đơn vị ĐS đóng trên địa bàn.
UBND các tỉnh sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn tích cực tham gia phong trào trồng và bảo vệ hoa do ĐSVN phát động thông qua các hình thức: Đóng góp cây, ngày công, đăng ký tham gia trồng, tổ chức chăm sóc, bảo vệ cây... Chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan hỗ trợ các đơn vị ĐS trong việc chọn lựa và cung cấp giống cây hoa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; phù hợp với điều kiện đảm bảo an toàn các mặt của ngành ĐS.
Mặc dù còn có ý kiến băn khoăn về đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, tuy nhiên theo Tổng Công ty ĐSVN, việc lựa chọn giống cây trồng được các đơn vị ĐS phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện đảm bảo các yếu tố.
Trước khi tiến hành trồng cây, các đơn vị sẽ có trách nhiệm xác định vị trí, phạm vi, diện tích trồng hoa tại các khu ga, dọc hai bên ĐS và các vị trí làm việc trên tuyến để lựa chọn loại cây và thời gian trồng thích hợp. Mặt khác, Tổng công ty cũng chủ động quảng bá rộng rãi và thu hút được rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành tham gia.
Phong trào này không chỉ mang lại sự đổi mới cho cảnh quan đô thị mà còn tạo ra một làn sóng tích cực, kêu gọi mọi tầng lớp xã hội tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Đến nay, những thành công đáng kể của "Đường Tàu - Đường Hoa" không chỉ là niềm tự hào của ngành ĐSVN mà còn của toàn bộ cộng đồng.
Ngoài ra, việc mở rộng mô hình này và chuyển giao cho các địa phương khác sẽ là bước ngoặt quan trọng, tạo nên một chuỗi tích cực lan tỏa khắp cả nước. Chúng ta đã thấy được rằng không chỉ làm đẹp cho không gian xung quanh, "Đường Tàu - Đường Hoa" còn mở ra cơ hội kinh tế, du lịch và tinh thần cho mỗi tỉnh, thành.