Họ là những người trực tiếp chăm sóc và tiếp xúc với bệnh nhân hằng ngày. Họ phải xa gia đình, con cái để "trực chiến" trong mùa dịch này.
Dịch viêm phổi cấp do Covid-19 đã xảy ra hơn 2 tháng qua, đã có 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bị lây nhiễm và chưa có dấu hiệu chững lại. Trong khi tại một số nước, số ca mắc và tử vong ngày càng gia tăng thì tại Việt Nam, chưa có ca tử vong do Covid-19.
16 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đều đã được chữa khỏi và xuất viện. Điều này là một minh chứng cho thấy, công tác phòng chống dịch bệnh đã và đang được triển khai mạnh mẽ, cán bộ y tế tại các cơ sở y tế đã và đang rất chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và nỗ lực giành giật sự sống cho các trường hợp nhiễm bệnh.
Tận tụy nơi tuyến đầu chống dịch
Một đất nước khỏe mạnh không thể thiếu vai trò của ngành y, của các y bác sĩ đang ngày qua ngày chiến đấu với các chủng loại bệnh tật mà mức độ phức tạp, biến thể theo từng giây. Họ cũng là con người, và cũng không thể nào miễn dịch 100% với bệnh tật, nhưng trong những lúc khó khăn nhất, ngặt nghèo nhất của bệnh dịch, họ luôn ở đó, nơi tuyến đầu, trở thành tấm khiên vững chắc cho nhân dân, vì một đất nước khỏe mạnh.
Từ mùng 2 Tết Nguyên đán, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến đầu của phân tuyến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã nhiều ngày không về nhà gặp mặt gia đình nhỏ của mình. Không chỉ riêng anh, nhiều bác sĩ, nhân viên ở nơi tuyến đầu chống dịch cũng đang nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến với Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp từ mùng 2 Tết đến nay chưa về nhà
Khởi đầu từ việc tiếp nhận thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới và đồng nghiệp ở nước ngoài, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, anh và các đồng nghiệp đã xây dựng các phương án, chiến lược về chăm sóc, điều trị và cách ly, sắp xếp về tổ chức, nhân lực và tập huấn cho cán bộ nhân viên sẵn sàng ứng phó với dịch.
"Làm tất cả để khi có dịch, chúng tôi đã sẵn sàng", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
Cũng kể từ đó, “thế giới” của các chiến sĩ blouse trắng gói gọn trong những bệnh phòng của khoa cấp cứu, bị “phong tỏa” bởi những tấm biển “Khu vực cách ly”, bởi những dây barie dọc hành lang hun hút. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng chia sẻ, trân trọng những giọt mồ hôi mà họ đã rơi, những nguy cơ mà họ đã phải đối mặt.
Những nhóm bệnh nhân đầu tiên được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi Covid-19 là những người, đoàn người từ Trung Quốc về Việt Nam đón Tết, hoặc người Việt, người nước ngoài đi du lịch ở Trung Quốc hay quá cảnh tại Trung Quốc trước khi đến Việt Nam. Việc đáp ứng các nhu cầu của các trường hợp này khá phức tạp.
“Văn hóa của người phương Tây khác người châu Á, văn hóa sinh hoạt của người Trung Quốc cũng khác người Việt, trong khi đúng dịp Tết nên việc huy động các dịch vụ như thức ăn, chỗ ở, vệ sinh… đều khó khăn. Có những người bị cách ly rất bức xúc, họ trút hết bức xúc nên nhân viên y tế. Thậm chí có những người đi từ vùng dịch về vào xét nghiệm, khi được yêu cầu phải ở lại viện cách ly 14 ngày thì họ nổi giận, cãi vã, kiên quyết đòi về, y bác sĩ ngoài việc phổ biến quy định còn phải vận động, thuyết phục”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng là người trực ở bệnh viện liên tục từ tối 30/1. Chồng chị hiện đang công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cũng phải quay cuồng chống dịch. 2 con nhỏ của anh chị phải gửi ông bà chăm sóc. Ban ngày, chị Ninh bận tới nỗi các con gọi tới là dập máy, chỉ dám nghe điện thoại của ông bà… vì sợ có chuyện gì xảy ra. 9h tối, chị Ninh mới tranh thủ gọi chúc các con ngủ ngon, rồi dặn chúng ngoan ngoãn, hạn chế ra ngoài.
Hằng ngày, trực tiếp làm việc, chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại phòng cách ly đặc biệt, điều dưỡng Khoa Cấp cứu Nguyễn Thị Dung phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ khiến cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng bí bách, khó chịu. Trong suốt ca làm việc, mồ hôi chị ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống... Những cố gắng đó đã được đền đáp bằng những nụ cười trên gương mặt 5 bệnh nhân trong ngày xuất viện.
Ngoài bác sĩ Cấp, bác sĩ Ninh, điều dưỡng Dung, từ khi Trung Quốc có ca bệnh đầu tiên, tất cả cán bộ y tế bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được huy động tham gia công tác chống dịch Covid-19, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi y bác sĩ luôn chủ động khắc phục, thu xếp việc gia đình, nỗ lực chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (trái) cùng lãnh đạo Bộ Y tế trao tặng hoa cho bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện
Hạnh phúc khi tiễn bệnh nhân ra về
Niềm tin được nhân lên, mọi nỗ lực của các y bác sĩ trực tiếp điều trị và cả hệ thống y tế đã được đền đáp khi Việt Nam đến nay đã chữa khỏi cho toàn bộ 16/16 ca nhiễm Covid-19. Gửi lời chúc mừng đến người bệnh và các y bác sĩ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, bệnh nhân chiến thắng Covid-19 là món quà cho các y bác sĩ.
“Qua những bệnh nhân ra viện, chúng ta thấy trách nhiệm các thầy thuốc. Ở tuyến trung ương, tuyến địa phương hay cơ sở chúng tôi đều đánh giá cao các thầy thuốc, các nhân viên y tế vì sự cố gắng và nỗ lực của họ”, ông Lương Ngọc Khuê nói.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, Bộ Y tế không tổ chức tôn vinh các thầy thuốc vì còn phải dồn sức chống dịch. Những thầy thuốc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói riêng và trên cả nước nói chung vẫn âm thầm cống hiến cho nghề nghiệp để mang lại chân lý, niềm vui và những điều quan trọng hơn liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Đó là điều trị khỏi cho những người mắc bệnh Covid-19, góp phần chứng minh năng lực của ngành y tế; đồng thời khẳng định tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt.
Cũng trong câu chuyện của mình, các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều bày tỏ, mong báo chí, dư luận đừng gọi họ là những “người hùng”, hay dùng từ “hy sinh”, bởi với họ đơn giản đây là công việc mà họ đã lựa chọn, là trách nhiệm với nghề nghiệp của mình và là bổn phận của người bác sĩ với người bệnh, với cộng đồng.
Với sự lo âu của người dân trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, cách tốt nhất để đối phó với nỗi lo sợ chính là phải hiểu biết về nó. Các thông tin về dịch bệnh đã có rất nhiều trên báo, đài, tivi hay các tờ rơi, băng rôn, pano được Bộ Y tế và y tế địa phương ban hành rất nhiều. Chúng ta cần tiếp nhận những thông tin ấy và bình tĩnh đối phó, thay vì thái độ sợ hãi, xa lánh và làm tình trạng dịch trầm trọng hơn.