Trong sự cùng cực, quẫn bách, đôi vợ chồng nghèo đã treo 2 đứa con thơ lên cái thòng lọng giữa gian nhà để cùng chết. Một "tế bào của xã hội" bị xóa sổ trong nỗi ám ảnh tột cùng.
Sáng ngày 20/10, người dân xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bàng hoàng khi phát hiện vợ chồng anh Nguyễn Tiến Thành (30 tuổi) và chị Nguyễn Thị Huyền Thanh (24 tuổi) cùng hai đứa con là cháu Nguyễn Đăng Khoa (6 tuổi) và Nguyễn Thị Huyền Trang (4 tuổi) đều chết trong tư thế treo cổ ở gian giữa ngôi nhà.
Nguồn cơn của sự việc sớm được làm rõ khi Công an phát hiện 2 lá thư tuyệt mệnh tại hiện trường.
Một đoạn trong lá thư được tiết lộ: "Khi mọi người đọc được bức thư này thì gia đình chúng tôi đã đi xa rồi. Trong vài năm trở lại đây cuộc sống đối với gia đình tôi đã thực sự vô nghĩa. Cảm thấy buồn chán và mọi thứ như đã không còn quan trọng với vợ chồng tôi nữa. Mong mọi người hiểu và cảm thông cho chúng tôi. Cuộc sống này chán lắm, bao nhiêu áp lực buồn phiền bế tắc, dường như không có lối thoát với chúng tôi…”.
Người ở lại bàng hoàng sau cái chết của gia đình 4 người
Ấu trĩ hay tàn nhẫn? Có nói gì đi chăng nữa thì chuyện cũng đã quá muộn mằn. Đôi vợ chồng trẻ, những đứa bé vô tội chẳng còn có mặt trên cõi đời này nữa. Chúng ta cứ ngồi đây và lên án nhưng rồi những câu chuyện đắng đót như thế vẫn cứ xảy ra. Nguyên nhân do đâu?
Vì sao đôi vợ chồng ấy có thể nhẫn tâm được như thế với 2 đứa con của mình? Tôi không dám tưởng tượng đến hình ảnh đôi vợ chồng ấy buộc dây thòng lọng vào xà cồ căn nhà xây dang dở và treo 2 đứa con mình lên rồi nhìn chúng tắt thở. Những đứa trẻ ngơ ngác đón nhận cái chết. Ám ảnh đến cùng cực.
Năm 2011, tại một nông trại nuôi gấu lấy mật ở Tây Bắc Trung Quốc xảy ra một câu chuyện trong giới động vật khiến cộng đồng "sốc". Câu chuyện về gấu mẹ hằng ngày nhìn gấu con bị đè ra hút mật trong sự đau đớn. Bản thân gấu mẹ cũng trong tình trạng tương tự và không tìm ra được lối thoát. Một ngày kia, gấu mẹ không chịu đựng được nữa đã vùng lên phá cũi lao đến bóp chết gấu con rồi lao đầu vào bức tường gần đó tự sát.
Vậy đấy, một con vật trước khi chết cũng nhẫn tâm sát hại con mình. Bởi đơn giản nó nghĩ rằng, những ngày tháng trên cõi đời này với gấu con chỉ là sự đau đớn, tra tấn thể xác và mịt mù lối thoát.
Đôi vợ chồng ở Hà Tĩnh đã nghĩ về cuộc sống của 2 đứa con tương tự như thế. Tình yêu là không đủ để họ dành cho 2 đứa con quyền được sống. Họ không có niềm tin về tương lai của con mình một khi không còn cha mẹ: "Mồ côi cha, ăn cơm với cá/Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm". Họ sợ 2 đứa con cô độc, khổ sở nhưng chính bố mẹ chúng đang phải trải qua trong sự buồn chán, bế tắc.
Trong lá thư tuyệt mệnh, người cha viết: “Trong 8 năm gia đình mình đã trải qua bao nhiêu vất vả sóng gió và cũng thời gian này là niềm hạnh phúc nhất của bố mẹ. Vì bằng tình yêu mà bố mẹ đã sinh ra hai con. Hai con là niềm tin vui của bố mẹ. Không gì so sánh được. Bố mẹ ngàn lần xin lỗi các con vì sinh ra các con trong tình yêu thương”.
Nhiều người bảo họ thiếu kỹ năng sống, nhận thức hạn chế và hơn hết là họ quá ích kỷ. Nhưng có mấy ai thừa nhận rằng xã hội đang có vấn đề trong các mối quan hệ? Họ hàng dòng tộc, cộng đồng dân cư, tổ chức quần chúng đóng vai trò gì khi không sẻ chia, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, trở ngại.
Rõ ràng gia đình họ đã bế tắc trong một thời gian rất dài, quá giới hạn của sự chịu đựng mới dẫn đến tiêu cực. Tôi không xác tín rằng họ bị chì chiết về điều gì đó cụ thể nhưng chắc chắn họ đã đơn độc gánh chịu áp lực, không được chia sẻ và tìm sự giải thoát bằng cái chết đau đớn.
Ý thức cộng đồng đang dần đi xuống, cái tâm lý "đèn nhà ai, nhà ấy rạng" đang khiến mối quan hệ xã hội rạn nứt và đi đến đổ vỡ. Trong khi đó, các tổ chức quần chúng tỏ rõ sự bàng quan, chăm chăm vào những việc cao siêu, kỳ vĩ mà vô tình bỏ lại những thân phận cùng cực ở phía sau. Họ đang quẫy đạp và càng quẫy đạp thì càng bị tổn thương. Khi đó, chẳng ai dám chắc rằng những cái thòng lọng đầy ám ảnh và sự giải thoát tàn nhẫn kia sẽ không tái diễn.