Những cái chết bí hiểm tại ngọn núi tử thần

Gia Đức| 27/04/2014 16:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau nhiều thập kỷ, hơn 100 cuộc nghiên cứu của hàng ngàn đơn vị, tổ chức lớn nhỏ khác nhau, nguyên nhân cái chết của 9 nhà khoa học Nga tại dãy núi Ural vẫn vùi sâu trong bí ẩn.

Dưới cái nhìn của khoa học hiện đại, bí ẩn đó vẫn chưa có lời giải nào thuyết phục hơn các giả thuyết: bị người tuyết xé xác, người ngoài hành tinh tấn công, bị những dã nhân tàn sát… Màn bí ẩn vẫn bao phủ đèo Dyatlov và biến nơi đây trở thành địa điểm bí hiểm nhất, đáng sợ nhất đúng như tên gọi của nó: Ngọn núi Tử thần.

Chuyến khám phá định mệnh

“Sự cố đèo Dyatlov” trở thành một bí ẩn khó lý giải nhất và cũng từng được quan tâm nhất trong nhiều thập kỷ qua. Sự kiện từng một thời tràn ngập khắp các mặt báo này bắt đầu từ chuyến khám phá của chín nhà khoa học, nhà trượt tuyết vĩ đại của Nga. Igor Dyatlov, tên vị kỹ sư đứng đầu nhóm khám phá mãi mãi gắn liền với sự kiện thảm khốc bị vùi lấp bởi màn bí ẩn, trở thành nỗi ám ảnh của nền khoa học hiện đại.

Ngày 25/1/1959, dưới sự dẫn dắt của vị kỹ sư trẻ Dyatlov, bảy sinh viên cùng hai kỹ sư trẻ khác thực hiện chuyến thám hiểm, chinh phục ngọn núi Kholat Syakhl nơi được dân địa phương gọi là “Ngọn núi tử thần”. Sau vài tiếng đồng hồ chuẩn bị, Dyatlov cùng những cộng sự của mình lên xe lửa hướng về dãy Ural. Để đến địa điểm của cuộc tập dượt chuẩn bị cho chặng đường thám hiểm Bắc Cực, họ rời xe lửa, đến “Ngọn núi tử thần” bằng ô tô. Khi đến dãy Alpine, Yury Yudin, một trong 10 thành viên của nhóm bất ngờ ngã bệnh. Dyatlov kiên quyết loại anh khỏi nhóm, mặc dù Yury Yudin tỏ vẻ không vui. Yury Yudin không bao giờ biết được đó là ngày định mệnh, ngày cứu rỗi phần đời còn lại của mình.

Những cái chết bí hiểm tại ngọn núi tử thần

Xác chết của một trong những thành viên của đoàn

Bỏ Yury Yudin lại tiền đồn Otorten, cả nhóm tiến về “Ngọn núi tử thần”. Nhóm thám hiểm vẫn giữ liên lạc thường xuyên với Viện Bách khoa Ural. Tuy nhiên, ngày 28/1/1959, trung tâm cũng như gia đình nhóm thám hiểm không nhận được bất kỳ thông tin nào từ họ. Mọi cố gắng liên lạc với những nhà khoa học trẻ đều đi đến ngõ cụt. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực bất thành, thân nhân các nhà khám phá đã yêu cầu trung tâm tiến hành tìm kiếm con em mình vì tin rằng đã có chuyện chẳng lành. Linh tính của họ đã đúng, đã không có bất cứ ai trong chín người sống sót.

9 cái chết bí hiểm kinh hoàng

Một ngày sau áp lực quá lớn từ thân nhân các thành viên đoàn thám hiểm, Viện Bách khoa Ural tiến hành cuộc điều tra với quy mô lớn. Tuy nhiên, Viện cho biết, nơi đây có nhiệt độ vô cùng thấp. Chỉ trong vài ngày, mọi thứ có thể bị chôn vùi dưới lớp băng, tuyết dày hàng trăm mét. Sau những nỗ lực không mấy khả thi, Viện quyết định kết hợp với quân đội mở một cuộc tìm kiếm mới. Trong đợt tìm kiếm quy mô này, nhiều bay trực thăng, máy bay quân sự đã được điều động. Cuối cùng, ngày 25/2, những manh mối đầu tiên cũng xuất hiện nơi sườn núi Kholat Syakhl. 

Các nhân viên cứu hộ phát hiện một chiếc lều bị hư hỏng nặng và rất nhiều dấu chân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những dấu chân trên là vết tích của hơn 9 mạng người chạy tán loạn, tỏa ra từ chiếc lều bị phá nát từ bên trong. Những vết cắt, xé từ vải lều cho thấy những người bên trong đã vô cùng hoảng loạn. Nhân viên cứu hộ Mikhail Sharavin cho biết: “Chúng tôi phát hiện căn lều rách nát, một nửa của nó đã bị vùi sâu trong tuyết. Bên trong không có bất kỳ ai, quần áo, giày dép của các nhà thám hiểm trẻ vẫn còn vương vãi, không theo bất cứ trật tự nào”.

Xa hơn, đơn vị cứu hộ phát hiện hai bàn chân bị cắt lìa, một còn đi vớ, xỏ trong giày, bàn chân còn lại không mang bất cứ thứ gì và bị vùi trong tuyết trong khu rừng nằm ở phía đông căn lều rách. Đoàn cứu hộ cũng phát hiện thi thể của một thành viên trong nhóm khác bên cạnh đống tro tàn vương vãi củi khô dưới cây thông khổng lồ. Xa hơn một chút là xác chết bị đông cứng của Doroshenko và Krivonischenko.

Điều khó hiểu là những xác chết được phát hiện đều trần truồng. Thậm chí, cả quần áo lót cũng bị xé toang. Điều này khiến các nhà khoa học không thể tìm ra lời giải thích. Các nhà thám hiểm vốn là những chuyên gia trượt tuyết đại tài, họ đều biết rất rõ không thể tồn tại ở nhiệt độ xuống dưới năm độ F mà không có đồ bảo vệ.

Tại đây, các nhà cứu hộ tìm thấy những mảnh da của nạn nhân trên thân cây. Nhiều cành thông ở độ cao quá đầu người cũng được vít xuống. Thậm chí máu còn đông lại tại các nhánh thông. Các dấu vết trên khiến các nhà nghiên cứu tin rằng: các nạn nhân đã điên cuồng leo lên cây cao, cố vít lên những cành cây trong nỗi hoảng loạn, sợ hãi tột độ. Cách xác chết của Doroshenko và Krivonischenko hơn 50m, đoàn cứu hộ tiếp tục phát hiện xác chết của trưởng nhóm Dyatlov. Không như hai đồng nghiệp, cái chết của Dyatlov kinh khiếp hơn. Anh chết trong tư thế nằm sấp, nhoài người như cố lết thêm về phía trước. Một tay anh còn cố nắm cành thông, tay kia được để sau đầu như cố đỡ những nhát đánh chí mạng.

Rustem Slobodin chết cách lều không quá trăm mét, nửa thi thể vùi trong tuyết. Đầu Slobodin xuất hiện vết nứt sâu và dài đến 7cm. Người cuối cùng được phát hiện là Zinaida Kolmogorov. Cái xác dường như bị lôi đi, các vết máu vương vãi quanh xác. Thế nhưng, hiện trường lại không hề có dấu vết của xung đột. Những nạn nhân còn lại vẫn là một ẩn số. Nhiều cuộc điều tra, tìm kiếm sau đó vẫn không có một kết quả nào.

Bức màn bí ẩn sâu dưới lớp băng dày

Trong cuộc tìm kiếm ngày 25/2/1959, giữa ngổn ngang của lều bạt, gỗ thông, nhà điều tra phát hiện ra cuộn phim của các nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn. Đây được xem như một mắt xích quan trọng trong việc đi tìm lời giải cho những cái chết bị vùi sâu trong bí hiểm. Tuy nhiên, những hình ảnh, tư liệu trong cuộn phim không hề được tiết lộ và công cuộc tìm kiếm vẫn phải tiến hành. Sau 2 tháng kiếm tìm vô vọng, ngày 4/5, sự ấm áp của mùa xuân đã phá tan băng, tuyết. Công cuộc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn. Trong cuộc ra quân này, đoàn cứu hộ đã phát hiện thêm những nạn nhân tiếp theo bị vứt dưới những khe núi cách xa lều hàng ký lô mét.

Đầu tiên, đoàn phát hiện Doroshenko và Krivonischenko bị treo trên những nhánh thông cổ thụ dưới một khe núi. Tiếp theo là giảng viên Alexander Zolotaryov, kỹ sư Nicolas Thibeaux- Brignollel và sinh viên Alexander Kolevatov và Ludmila Dubinina bị vùi sâu dưới hàng chục mét băng tuyết. Những nghiên cứu thi thể cho thấy: các nạn nhân chết vì bị chấn thương rất nặng. Hộp sọ của Slobodin và Thibeaux Brignollel có dấu hiệu bị đập vỡ bằng một vật nặng.

Trong khi đó, lồng ngực của Zolotarev và Dubunina bẹp dúm, toàn bộ xương sườn bị bẻ gãy, lục phủ ngũ tạng vỡ nát. Riêng Dubunina, ngoài bộ ngực bẹp dúm, cái xác của cô cũng chiếc lưỡi. những nỗ lực tìm kiếm phần thi thể khiếm khuyết không bao giờ có kết quả. Tuy nhiên, cơ thể các nạn nhân không hề xuất hiện dấu vết của sự xung đột. Ngoài những vết thương dẫn đến cái chết tức thì, cơ thể họ không có các vết xước, bầm…

Một điều khác lạ so với những nạn nhân trước là những thi thể này đều có đầy đủ quần áo. Tuy nhiên, có những xáo trộn đặc biệt trang phục giữa các thành viên. Thậm chí, họ còn chưa kịp cài khuy, lên dây kéo… Điều này chứng tỏ, những người này đã mặc y phục trong tình trạng hoảng loạn.

Những nạn nhân sau khi chết, dù được phát hiện trước hay sau, dù khi sống có màu da, tóc khác nhau nhưng sau khi chết da họ cùng có màu cam bất thường, tóc chuyển sang màu xám tro. Đặc biệt, những cái xác được khẳng định bị nhiễm xạ ở mức độ nặng. Những cái chết thương tâm gieo rắc vào lòng người sống những nỗi sợ vô hình, những bí hiểm không lời giải đã trở thành lời thách thức không khoan nhượng đối với nền khoa học.

Trở thành nguồn cảm hứng cho phim ảnh, văn học

Sau cái chết bí ẩn của 9 nhà khoa học, ngọn đèo nơi họ cắm trại được đặt tên là đèo Dyatlov để tưởng nhớ các nạn nhân. Một thời gian dài, những tài liệu về vụ việc bị ém nhẹm và bị tình nghi có dính líu đến những cuộc tập trận, phát triển vũ khí của Liên bang Xô Viết. Vụ việc chỉ được công khai từng phần khi Liên Xô sụp đổ. Sự kiện trên có sức lan tỏa rất mạnh trong thế giới. Cái chết thương tâm, bí hiểm của 9 nhà khoa học, thám hiểm trên đã được chuyển thể thành tiểu thuyết, phim truyện. Một thời gian dài, sự kiện trên cũng được trình chiếu trên kênh truyền hình của Nga với tựa đề: “The Mystery of Dyatlov Pass”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cái chết bí hiểm tại ngọn núi tử thần