Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sỹ. Những ca khúc về Người vẫn luôn sống mãi trong lòng công chúng.
Hôm nay (19/5), cả nước kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2016).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình yêu bao la dành cho tất cả mọi người
Người là chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Cuộc sống giản dị, trái tim tràn đầy yêu thương và nhân cách vĩ đại của Bác Hồ chính là nguồn cảm hứng bất tận của các nhạc sĩ Việt Nam. Có thể kể ra đây những ca khúc nổi tiếng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với một thời oanh liệt của dân tộc như: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Bác Hồ một tình yêu bao la, Tiếng hát giữa rừng Pac Bó, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Miền Trung nhớ Bác, Trồng cây lại nhớ tới Người, Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, Đêm Trường Sơn nhớ Bác hay Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người...
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ca khúc: “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên mãi là tiếng reo vui của dân tộc trong ngày đại thắng. Tác phẩm này được nhác sỹ viết vào đêm 28/4/1975, 2 ngày trước khi giải phóng Sài Gòn và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát cùng với tin giải phóng Sài Gòn chiều 30/4/1975.
Nhạc sỹ Phạm Tuyên, tác giả của ca khúc Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh: Báo Lao Động
Hiếm bài hát nào có sức sống mãnh liệt như bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được tất cả mọi người, không kể già trẻ, lớn bé,..yêu mến và thuộc nằm lòng.
“Trong không khí “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” thì tất cả mọi người dân của chúng ta ai cũng hát, ai cũng vỗ tay và ai cũng có thể cầm tay nhau nhảy múa trước chiến thắng đó. Và không lúc nào chúng ta nghĩ rằng Bác Hồ của chúng ta đã đi xa, lúc nào hình tượng Bác Hồ cũng đứng bên cạnh chúng ta và trước chúng ta để cùng chúng ta mừng chiến thắng đã đành và cố gắng lên”, NSND Chu Thuý Quỳnh từng chia sẻ.
Trong khi đó, bài hát "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" lại là một ca khúc đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với "thế giới người hiền", để lại bao nỗi tiếc thương cho toàn dân tộc. Chính thời điểm đau thương này, nhạc sĩ Xuân Giao đặc biệt xúc động bởi khi còn nhỏ, ông từng có cơ hội được gặp Người. Lời hát Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ cứ thể nảy ra trong đầu người nghệ sĩ.
"Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ" đã nói hộ cho tấm lòng của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam: được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài đời, “hôn đôi má Bác” và múa hát cho Người xem. Chân dung vị cha già dân tộc hiện lên trong ánh mắt trẻ thơ gần gũi, thân quen như một vị Tiên ông trong chuyện cổ tích: “Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ”. Bài hát với ca từ giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc nên được trẻ em yêu thích và thuộc nằm lòng.
"Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người" của nhạc sỹ Trần Kết Tường ra đời vào năm 1962, bài hát đã được công chúng đặc biệt yêu thích và bay xa khắp hai miền Nam - Bắc lúc đó còn chưa thống nhất. Khi đó, Trần Kiết Tường là chàng nhạc sĩ Nam Bộ mới 25 tuổi, chiến đấu ở miền Nam và chưa hề được gặp lãnh tụ.
Nhạc sỹ đã sử dụng hàng loạt phép so sánh hơn trong bài: “Bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển Đông, êm đềm hơn những dòng sông” hoặc “Nồng nàn hơn ánh ban mai, đẹp tình hơn cánh hoa mai, hùng thiêng hơn núi sông dài” để nói thay những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam.
Nhạc sỹ Trần Kiết Tường, tác giả của ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người
Chiến trường Nam Bộ lúc ấy vô cùng gian khổ, Mỹ liên tục tấn công vào Đồng Tháp, càn quét khắp nơi. Bị giặc bắt nhiều lần, vượt ngục cũng vô số lần nhưng người chiến sĩ - nhạc sĩ Trần Kiết Tường vẫn đặt niềm tin vào Bác. Trong cuốn Nhạc và Đời, ông kể lại: “Mặc dù tôi chưa được gặp Bác Hồ nhưng tôi luôn tin tưởng Bác là vị cứu tinh của dân tộc. Lúc nào tôi cũng hướng về Bác, hình dung về Bác như trong bài Nhớ Bác Hồ”.
Năm 1979, nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác ca khúc "Bác Hồ một tình yêu bao la" theo đặt hàng của nhà xuất bản Văn Hóa để chuẩn bị cho 90 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch. Bài hát được phát sóng lần đầu tiên trên Đài tiếng nói Việt Nam qua phần thể hiện của nghệ sĩ Thanh Hoa, lập tức nhận được sự yêu mến của công chúng.
Không dùng những từ ngữ cao siêu, lý tưởng hóa, ca khúc khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch của đời thường, gần gũi với “cụ già”, “cháu nhỏ”, “đoàn dân công” và “người chiến sĩ”… Giai điệu trang trọng, tha thiết đi cùng ca từ dung dị, giàu tình cảm đã khiến ca khúc đi vào lòng người.
Mỗi bài hát đều thể hiện cảm xúc riêng của người sáng tác, song tất cả đều toát lên hình ảnh một con người tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam. Trong mạch nguồn ca khúc về Người, các nhạc sĩ đặc biệt khai thác vai trò của lãnh tụ đối với lịch sử và vận mệnh dân tộc.
Bao giờ cũng vậy, trước hình ảnh thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ca khúc viết về Người làm cho mọi người xích lại gần nhau để yêu quý, trân trọng những giá trị cốt lõi của dân tộc. Ca khúc “Bác Hồ, một tình yêu bao la” là một trong số những bài hát hay nhất của nhạc sĩ Thuận Yến. Ca khúc dẫn dắt người nghe đến bên Bác qua từng lời hát: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại…”.
Năm 1989, khi đang chữa bệnh tại bệnh viện Việt-Xô, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - khi đó cũng đang chữa bệnh tại đây, kể cho nghe một câu chuyện xúc động. Đó là câu chuyện về một nữ y tá hát dâng Hồ Chủ tịch khúc quan họ Người ơi người ở đừng về trong những ngày cuối cùng của Người. Tâm hồn người nghệ sĩ dâng trào cảm hứng sáng tác.
Ít lâu sau, ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa ra đời. Ca từ tha thiết của bài hát chạm đến trái tim của người nghe. Người Cha già trước lúc đi xa “sang bên kia bầu trời” vẫn lưu luyến, nặng tình với quê hương đất nước. Qua đó, bài hát như một lời dặn dò những thế hệ sau này phải biết trân trọng và gìn giữ bản sắc dân tộc. Chất liệu dân ca được nhạc sĩ Trần Hoàn khéo léo khai thác khiến bài hát càng trở nên gần gũi, có sức sống lâu bền với đông đảo quần chúng.
Khi nhắc đến những ca khúc nổi tiếng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến một ca khúc đặc biệt của một nhạc sỹ người Anh sáng tác dành cho Người mang tên "The Ballad of Ho Chi Minh". Tình yêu bao la, nhân cách vĩ đại của Người "vượt biên" ra ngoài, đến với bạn bè quốc tế và để lại nhiều tình thương mến trong lòng tất cả mọi người. Ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi Người đã từng đặt chân qua, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của thế giới trong thế kỷ 20.
Bác Hồ bế con gái nuôi Elizabeth. Bên cạnh là bà Lucie Aubrac. Ảnh tư liệu.
Năm 1954, Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Edward MacColl, một nhạc sĩ người Anh, nhân cảm hứng ấy cùng lòng kính phục sẵn có dành cho Hồ Chủ tịch đã sáng tạo nên The Ballad of Ho Chi Minh. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên trong bài như một vị anh hùng giải phóng dân tộc, người đã bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, dẫn dắt Việt Nam trên con đường giành lại hòa bình và tự do.
Nhịp điệu bài hát là làn điệu dân ca cổ saxon, được dùng để nói lên tình cảm của người dân nước Anh dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài hát sau đó được ca sĩ Quang Hưng mang về Việt Nam và nhạc sĩ Phú Ân Việt hóa rất thành công.
Hầu hết những tác phẩm âm nhạc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khắc họa hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng hết sức bình dị, thân thương. Đây cũng chính là lý do khiến cho mảng ca khúc viết về Người luôn để lại những ấn tượng bền lâu trong lòng người yêu nhạc.
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người
Lời Bác dặn trước lúc đi xa