Những “bông hoa” tiêu biểu của TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai

Lê Hoàng| 13/09/2015 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quán triệt và thực hiện lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước,yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, những năm qua hệ thống TAND 2 cấp tỉnh Đồng Nai đã phát động phong trào thi đua yêu nước rất sôi nổi.

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, trong đó có nữ “Thẩm phán tiêu biểu” Phạm Thị Thanh Thủy (Chánh án TAND huyện Định Quán) và hai “Thẩm phán giỏi” Đỗ Thị Nhung, Trương Thị Thảo (TAND TP. Biên Hòa). Họ thực sự là những “bông hoa” nổi bật tài sắc vẹn toàn của ngành TAND tỉnh Đồng Nai…

“Thi đua là nét đẹp và động lực để phấn đấu”

Tại Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015, ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai cho biết: Phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua đạt được những kết quả rất tốt. Từng đơn vị, cá nhân đều xác định rõ mục tiêu phấn đấu, thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, làm tốt công tác chuyên môn, chủ động vượt khó vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích tốt. Một cá nhân nổi bật trong phong trào thi đua là Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy, Chánh án TAND huyện Định Quán.

Trong những năm qua, với vai trò Bí thư, Chánh án Phạm Thị Thanh Thủy vừa thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, vừa thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết các loại án. Trong thời gian từ năm 2010 đến 2014, TAND huyện Định Quán là đơn vị luôn trong tình trạng thiếu biên chế, đặc biệt là thiếu Thẩm phán, lượng án lại ngày một tăng, năm sau cao hon năm trước. Bình quân mỗi Thẩm phán phải giải quyết gần 14 vụ án và xử lý hơn 30 đơn các loại trong một tháng, dẫn đến tình trạng quá tải.

Những “bông hoa” tiêu biểu của TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai

Hai nữ “Thẩm phán giỏi” của hệ thống TAND tỉnh Đồng Nai được tôn vinh tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua

Chánh án Phạm Thị Thanh Thủy tâm sự: “Bản thân tôi cùng với lãnh đạo đơn vị và Chi bộ tìm nhiều biện pháp để giải quyết khó khăn. Tập trung mọi nguồn lực cho việc giải quyết án đạt tỷ lệ cao, động viên cán bộ công chức tăng năng suất lao động. Vì vậy, tỷ lệ án giải quyết xong hàng năm vẫn đạt trên 97% (năm 2013, 2014 đạt 99,1%), không có án quá hạn do lỗi chủ quan của Thẩm phán, chất lượng giải quyết án ngày một nâng lên. Tỷ lệ án bị sửa, hủy rất thấp (án bị hủy dưới 1%, bị sửa dưới 2%). Các mặt công tác đều hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thi đua”. Liên tục từ năm 2010-2014, đơn vị luôn đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. Năm 2011 và 2013, đơn vị được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen. Năm 2014, đơn vị được TANDTC tặng “Cờ thi đua xuất sắc”.

Bản thân Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy trong 5 năm qua đã giải quyết, xét xử quyết 571/609 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 93,7% số án được giao. Không có án bị hủy và không có án quá hạn luật định do lỗi chủ quan, số án bị sửa do lỗi chủ quan là 2 vụ, chiếm 0,35% số án giải quyết.

Có thể nói, thành tích của cá nhân Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy là rất ấn tượng, từ 2008 đến nay, chị liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”. Năm 2009 và 2011, 2014, chị được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen. Năm 2013, chị được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”. Năm 2014, chị  được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Ngoài danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” của chị Phạm Thị Thanh Thủy, hệ thống TAND tỉnh Đồng Nai còn có hai “Thẩm phán giỏi” là chị Trương Thị Thảo và Đỗ Thị Nhung (TAND TP. Biên Hòa). Chị Nhung tâm sự: “Thi đua là nét đẹp, là động lực để mỗi chúng ta phấn đấu. Nhận thức được điều đó, bản thân tôi đã đăng ký thi đua theo quy định, chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết án, luôn có ý thức học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần cầu tiến, kịp thời cập nhật văn bản mới để phục vụ công tác”. Chị Nhung cho biết, chị đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong việc quán lý án, theo dõi thời hạn tố tụng để kịp thời gia hạn và có kế hoạch giải quyết hợp lý, phù hợp quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết vụ việc, chị luôn tạo điều kiện để các đương sự cung cấp chứng cứ, hòa giải, đối thoại, cũng như nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo cho người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ. Do đó, việc giải quyết án luôn đạt kết quả cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6/2015, Thẩm phán Đỗ Thị Nhung đã trực tiếp giải quyết, xét xử là 1.245 vụ, tỷ lệ vượt chỉ tiêu do TANDTC đề ra, đạt chất lượng xét xử cao. Chị không để án quá hạn luật định, không bỏ lọt tội phạm và xét xử oan người vô tội. Liên tục nhiều năm liền, chị được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, năm 2014, chị vinh dự được tặng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”. Chị Đỗ Thị Nhung và chị Trương Thị Thảo là hai cá nhân tiêu biểu, cùng với các Thẩm phán và công chức khác, các chị đã góp phần tạo thành tích “Tập thể lao động xuất sắc” nhiều năm liền cho TAND TP. Biên Hòa.

“Người thẩm phán phải giỏi một nghề và biết nhiều nghề”

Chánh án Phạm Thị Thanh Thủy chia sẻ những kinh nghiệm quý của bản thân: “Để lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện thiếu nhân lực, tôi luôn cố gắng nghiên cứu tìm giải pháp, thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, phân công phân nhiệm phù hợp điều kiện của từng cá nhân để phát huy hết năng lực của mỗi người tạo thành sức mạnh tập thể. Trong công tác thi đua, chúng tôi luôn tâm niệm câu nói của Bác Hồ kính yêu: “Thi đua là công việc hàng ngày mà chúng ta cố gắng làm tốt hơn”, vì vậy, chúng tôi xác định phương châm: Mỗi người, mỗi ngày hãy cố gắng làm tốt công việc của mình thì tập thế sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bản thân chị cùng tập thể đơn vị đã phải nỗ lực vượt bậc, giờ hành chính phải xét xử, giải quyết án nên việc nghiên cứu hồ sơ, soạn thảo bản án, quyết định, văn bản tố tụng, làm báo cáo thống kê, chị Thủy và các Thẩm phán đều phải làm ngoài giờ, thậm chí cả những ngày nghỉ. “Việc làm trên là hoàn toàn tự giác và tôi luôn sát cánh cùng với họ. Có thể nói là "đồng cam cộng khổ" với nhau, vừa làm, vừa động viên khích lệ mọi người cùng cố gắng. Cứ như vậy, tôi cùng tập thể TAND huyện Định Quán đã vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ”.

Vừa là Thẩm phán xét xử, vừa là lãnh đạo đơn vị, chị Thủy cho biết chị luôn chú trọng tính gương mẫu, nêu gương từ trong suy nghĩ đến việc làm. Toàn tâm toàn ý với công việc; sống chân tình gân gũi, luôn theo dõi, kiểm tra, tìm ra thế mạnh, sở trường của mỗi người để phân công hợp lý. Chị mạnh dạn giao công việc nhưng có sự hướng dẫn, kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện và khắc phục sai sót, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ công chức phát huy tính chủ động, trực tiếp tham mưu đề xuất, trao đổi ý kiến. “Để nâng cao chất lượng xét xử của đơn vị, bản thân tôi phải gương mẫu trong việc nghiên cứu hồ sơ, văn bản pháp luật; rèn kỹ năng viết bản án và không bao giờ dấu dốt. Khi có vấn đề mới còn phân vân, tôi luôn trao đối với các đồng nghiệp, từ đó tạo được không khí thoải mái, cởi mở cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ. Duy trì việc trao đổi nghiệp vụ giúp các Thẩm phán giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác”.

Tình trạng án quá hạn là vấn đề “đau đầu” của không ít đơn vị, chị Thủy đã chia sẻ những “bí quyết” khắc phục của TAND huyện Định Quán. Theo đó, để khắc phục tình trạng án quá hạn, chị tạo ra các biểu mẫu báo cáo nội bộ để các Thẩm phán, Thư ký, cán bộ phụ trách sổ nghiệp vụ, nhập số liệu hàng ngày và tổng hợp báo cáo hàng tháng từng loại án, từng Thẩm phán, từ khâu nhận đơn, thụ lý, giải quyết án, để tiện cho việc theo dõi, kiểm tra đôn đốc, xử lý đơn đúng hạn và không để án quá hạn. Qua việc tổng hợp báo cáo hàng tháng nêu trên là một biện pháp hữu hiệu để kích thích thi đua giữa các Thẩm phán với nhau, tăng số lượng án giải quyết trong mỗi tháng.

Với hơn 30 năm gắn bó với nghề xét xử, trải qua biết bao buồn vui, nhọc nhằn, gian khó, chị Thủy rút ra bài học: Một Thẩm phán giỏi trước tiên phải có sức khỏe tốt (bao gồm cả thể lực, trí lực và tâm lực), bản lĩnh vững vàng và một trái tim nhân hậu. “Người Thẩm phán phải giỏi một nghề và biết nhiều nghề”. Bởi theo chị, pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, mà thực chất là quan hệ giữa con người với con người. Do vậy, Thẩm phán phải không ngừng học hỏi, luôn phải nghiên cứu, cập nhật kiến thức trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; phải có hiểu biết về tâm lý con người theo từng lứa tuổi, vùng miền, dân tộc, tôn giáo...

Thẩm phán Đỗ Thị Nhung tâm sự: Mặc dù số lượng án tại TAND TP. Biên Hòa ngày một tăng và phức tạp, bình quân một tháng thụ lý giải quyết gần 20 vụ án nhưng chị luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, áp dụng đúng đắn các quy định của pháp luật để giải quyết, luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với đạo đức người cán bộ Tòa án “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”.

Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, chị Nhung khẳng định, trong thời gian tới, chị sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong công tác giải quyết án, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu thi đua đã đăng ký; chú trọng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Hạn chế đến mức thấp nhất án bị cấp trên hủy, sửa do lỗi chủ quan. Chị sẽ nêu cao ý thức bản lĩnh chính trị, đảm bảo công minh trong quá trình giải quyết án. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Các Thẩm phán Phạm Thị Thanh Thủy, Đỗ Thị Nhung và Trương Thị Thảo sẽ tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, trau dồi kiến thức, để tinh thông nghiệp vụ, có tâm trong sáng và giàu lòng nhân ái, khoan dung, đồng cảm, tôn trọng và yêu thương con người. Các chị xứng đáng là những “bông hoa” xuất sắc của hệ thống TAND tỉnh Đồng Nai, những người đang ngày đêm thầm lặng công hiến, đem lại bình yên cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “bông hoa” tiêu biểu của TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai