Nhìn từ xa, những mái nhà xã biên giới Sơn Thủy (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) tỏa ra làn khói mỏng giữa ánh chiều tà thật nên thơ nhưng man mát buồn. Khi ở cùng với người dân, mới thấy họ có những phát minh khá độc đáo cho dù cuộc sống ở nơi này đang còn rất khó khăn do chưa có điện, đường, trạm…
Trời về chiều ở Quan Sơn rất lạ, dễ mưa như bông đùa. Chính vì thế mà con đường đất dẫn vào bản Xía Nọi, Mùa Xuân, Khà (xã Sơn Thủy) trở nên trơn trượt hơn. Chỉ có những người bản địa là dân tộc Mông mới đủ tài để đèo thêm 1 người hoặc hàng hóa phía sau. Còn như chúng tôi thì “một mình một ngựa” vẫn phải đánh vật, nhiều khi chiếc xe máy quay tròn rồi hạ cánh xuống vũng đất bùn.
Từ TP Thanh Hóa lên Sơn Thủy khoảng 190km hết hơn 4 giờ 30 phút di chuyển bằng ô tô. Hành trình gian nan nhất là gần 20 km từ trung tâm xã vào tới bản. Con đường lên bản như sợi dây thừng vắt lưng chừng núi, cứ gập ghềnh, khúc khuỷu, trơn tuột… khiến chiếc xe gắn máy mới chạy được mươi cây số đã lăn ra “ăn vạ”. Đất núi quánh lại, bám chặt vào hai hốc bánh xe, anh em phải thay nhau bẻ cây rừng khều ra mới có thể lên đường. Bản Mùa Xuân gần như nằm lọt thỏm trong thung lũng, xung quanh là những đỉnh núi cao ngút.
Dù chưa có điện lưới nhưng Trưởng bản Thao Văn Dia vẫn tự hào là mình biết dùng điện thoại và sáng chế ra cột phát sóng hai tầng. Một chiếc điện thoại cục gạch được treo lên cao, phía dưới là một cái ô che mưa, phía trên lại là một lớp ô nữa để thu sóng. Mỗi khi có người gọi tới thì bấm mở loa ngoài nói chuyện như cãi nhau, vui đáo để.
Bản Mùa Xuân, Xia Nọi, Khà, toàn bộ là dân tộc Mông, trong đó Mùa Xuân có 114 hộ với 546 khẩu; Bản Xia Nọi có 35 hộ với 168 khẩu; Bản Khà 25 hộ với 102 khẩu đa phần là hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng lúa nương, làm rẫy, thu nhập khoảng 6 triệu/người/năm.
Theo lời anh Dia, do giao thông cách trở nên giao thương với bên ngoài bị hạn chế. Các thầy, cô giáo lên cắm bản rất vất vả, ban đầu còn nhiệt huyết, sau đó do các cháu học sinh không thể đến trường do đi lại khó khăn nên họ cũng nản dần. Việc không đường, không điện lưới… khiến cho cuộc sống của người dân gần như biệt lập với thế giới hiện đại bên ngoài. Nhiều năm qua, người dân mong chờ cấp trên đầu tư cho tuyến đường là trung tâm bản, kết nối các bản khó khăn với nhau để giao thương, buôn bán.
Bóng đêm ập xuống, những ánh đèn dầu leo lét chập chờn từ xa đưa lại. Bữa tối đãi khách cũng chỉ có canh chuối trồng ngoài vườn, thịt lợn gác bếp và một đĩa muối hạt to. Trước đây, người Mông thường du canh du cư nhưng từ khi có sự quan tâm của Đảng, nhà nước, bà con dần bỏ đi những tập tục trên. Tuy nhiên, sự lựa chọn định cư ở những vùng đồi núi cao đang khiến cho việc phát triển kinh tế, xã hội trở nên khó khăn hơn.
Ngoài giao thông chưa được thông suốt thì những nhu cầu thiết yếu như trạm y tế, điện lưới, truyền thanh… ở bản cũng là những mong mỏi của bà con chưa hẹn về đích. Chính vì vậy mà, người dân bản vẫn trồng trọt, canh tác, chăn nuôi theo thói quen và chỉ để tự cung tự cấp. Đất đai ngày một bạc màu, giống cây khó thích ứng và dịch bệnh thường xuyên diễn ra khiến khó khăn thêm phần bộn bề.
Mỗi khi bản có người ốm đau, bệnh tật thì phải khiêng đi một chặng đường rất dài xuống trung tâm xã để khám, chữa bệnh ban đầu rồi mới đi lên bệnh viện. Nhiều người đã không qua khỏi trên hành trình dài đằng đẵng này. Đấy là chưa kể bao nhiêu hủ tục lạc hậu như tảo hôn, tang ma kéo dài, tốn kém kìm chân người dân nơi đây trong đói nghèo.
Ngoài các bản này, Quan Sơn còn có bản Sa Mang (xã Sơn Điện) cũng chưa có điện lưới. Ông Vi Văn Tuyên người dân địa phương nói: “Dân chúng tôi mong sao nhà nước sớm đầu tư điện, làm đường cho bà con. Hiện nay để thích ứng thì phải dùng điện mặt trời hoặc chế tua bin nước nhưng chập chờn. Nhìn các cháu học bằng nến hay đèn dầu mà thương lắm”.
Trao đổi với PV, Bí thư huyện ủy Quan Sơn Vũ Văn Đạt cho biết: Với một địa phương còn nhiều khó khăn thì việc đầu tư cho các bản vùng sâu, vùng xa đã khó lại càng thêm khó. Nhưng không vì thế mà huyện bó tay, chúng tôi đã có kế hoạch huy động các nguồn lực xây dựng tuyến đường lên bản Mùa Xuân. Theo đó, Quan Sơn trình và xin chủ trương xây tuyến đường từ bản Ché Lầu (xã Na Mèo) đi bản Xia Nọi, Mùa Xuân (xã Sơn Thủy).
Ngoài ra, từ bản Xia Nọi xuống bản Khà, trung tâm xã Sơn Thủy cũng đang được UBND huyện trình xin chấp thuận chủ trương từ nguồn vốn trung hạn 2021-2025. Đối với vấn đề điện lưới, hai bản Mùa Xuân và Xia Nọi đã được đưa vào danh sách đầu tư của cấp trên. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng đang chậm, huyện đang tiếp tục đề nghị quan tâm, giải quyết sớm.
Để người dân an cư lạc nghiệp, vấn đề sinh kế phải được quan tâm. Chính quyền địa phương đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ như: Hỗ trợ nông cụ, giống má, đầu tư hệ thống mương tiêu, tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, con cho có hiệu quả… Hành trình thoát nghèo, bên cạnh sự nỗ lực của người dân địa phương rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp để khoảng cách giữa vùng biên với trung tâm không còn quá xa.