Việc một số người nhảy xuống sông, hồ để cứu người gặp tai nạn đuối nước nhưng lại tử vong thương tâm, điều này cho thấy sự thiếu kỹ năng về cách tiếp cận và cứu người bị đuối nước.
Mới đây nhất ngày 7/4, người thân và hàng xóm đã tổ chức lễ tang cho anh Trương Văn An (24 tuổi, ngụ khu phố 7, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Anh An tử vong do nhảy xuống sông cứu cô gái tự tử và trong lúc đưa nạn nhân là chị Phương vào bờ, anh An đã kiệt sức chìm xuống sông, sau đó được lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể vào khuya 6/4.
Cũng đầu tháng 4/2018, tại cầu Thiệu Hóa, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa một cô gái đã nhảy xuống sông Chu ở độ cao khoảng gần 30 m để tự tử, thấy vậy anh Huân lập tức nhảy theo xuống sông để cứu, do bị va đập mạnh lồng ngực vào nước, cơ thể anh Huân lúc này có biểu hiện co cứng. Rất may là anh Huân và nạn nhân được một thuyền chài gần đó tiến đến vớt họ lên và đưa đi cấp cứu.
Không lâu trước đó là vụ việc ngày 08/02/2018, 2 nam sinh tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa cứu 3 mẹ con đi thả cá bị trượt ngã xuống sông đuối nước. Do vì kiệt sức nên em Hoàng Đức Hải khi đưa được nạn nhân vào bờ đã bị lạnh cóng rồi chìm dần và mất tích ngay sau khi cứu người.
Anh Huân người cứu cô gái nhảy cầu Thiệu Hóa hôm 2/4 vừa qua
Theo các chuyên gia cho biết, khi bị đuối nước nạn nhân thường có biểu hiện hoảng loạn mất kiểm soát, sẽ nắm, bám chặt bất cứ thứ gì có thể, chính vì thế người cứu phải có khoảng cách an toàn với nạn nhân, tìm cách lật ngửa nạn nhân sau đó túm vào tóc của người đuối nước và kéo vào bờ hoặc người cứu có thể lặn xuống bên dưới túm vào chân nạn nhân để lôi vào bờ.
Khi tham gia cứu người bị đuối nước, không ôm sát để người đuối nước tóm tay vào người mình vì như thế sẽ rất nguy hiểm. Hiện nay theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm nước ta có khoảng bảy nghìn người chết đuối, trong đó hơn 50% là trẻ em. Tính trung bình mỗi ngày có từ chín đến mười trẻ em và vị thành niên chết đuối. Tỷ lệ đuối nước ở nước ta cao nhất so các nước trong khu vực và cao gần mười lần so các nước đang phát triển.
Ý kiến của các chuyên gia cho hay, nhiều trường hợp nhiều người bị đuối nước cùng một lúc hầu hết do người tham gia cứu nạn chưa được học hoặc chưa biết những kỹ năng cứu người mà cứ thấy người bị đuối nước là nhảy xuống để cứu, thấy có người bị đuối nước, cũng chỉ biết cố gắng hết sức để cứu người.
Ðể hạn chế các vụ đuối nước thương tâm xảy ra, theo ông Nguyễn Ðức Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, tại các lớp dạy bơi, bên cạnh việc dạy bơi cần phải tăng cường hướng dẫn phương pháp, những vấn đề cần lưu ý để không dẫn đến đuối nước, thoát hiểm khi bị nạn nhân ôm, bám, cách sơ, cấp cứu ban đầu, khi đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Dạy bơi là một nhu cầu cấp thiết
Đuối nước là tai nạn cần cấp cứu tại chỗ hơn là trong bệnh viện, nếu làm đúng, nhanh và kịp thời ngay tại chỗ xảy ra tai nạn, khả năng sống sót là 100%. Nhưng nếu sơ cứu không kịp thời mà chuyển ngay nạn nhân tới bệnh viện chuyên khoa, sẽ gây hệ quả đáng tiếc.
Thực tế hiện nay không chỉ các trung tâm thể thao dưới nước, các cấp chính quyền luôn quan tâm đào tạo, thực hành các kỹ năng bơi, cứu, sơ cứu các trường hợp bị đuối nước. Được biết hiện nay quận Cầu Giấy, Hà Nội đã triển khai tổ chức các lớp phổ cập bơi miễn phí bằng ngân sách của quận. Những trường học khi xây mới đều xây dựng bể bơi đạt chuẩn. Để thực hiện kế hoạch, quận Cầu Giấy đã tích cực huy động mọi nguồn lực về con người, cơ sở vật chất để thực hiện chiến lược nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em, giúp các em có tuổi thơ an toàn.
Cứu người theo bản năng là tốt, rất hoan nghênh và khâm phục hành động dũng cảm của những người trực tiếp trong cuộc, họ là những anh hùng luôn quên thân mình xả thân vì việc nghĩa nhưng cứu người cần phải có kiến thức và kinh nghiệm sẽ an toàn hơn rất nhiều. Vì vậy, khi gặp trường hợp bị đuối nước, người cứu nên bình tĩnh quan sát dòng nước nhanh chóng tìm sự cứu trợ của người xung quanh hơn là việc cứ lao theo người tự vẫn.