Nhóm côn đồ dùng hung khí cưỡng đoạt công trình?

Đỗ Việt| 04/05/2017 19:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giữa ban ngày, nhóm côn đồ mang theo hung khí xông vào công trường đe dọa công nhân rồi tự chỉ huy công trường. Mặc dù sự việc đã được tố giác lên Công an huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), thế nhưng mọi việc dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Nạn nhân trong vụ việc này là ông Hoàng Văn Nghinh, người đứng đầu công trường Công trình đường giao thông từ thôn Tân Thành đến thôn Tân Hợp (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa).

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Nghinh cho biết, tháng 12/2016, Công ty TNHH Sông Gâm trúng thầu và ông là người được Công ty giao phụ trách thi công gói thầu Công trình đường giao thông từ thôn Tân Thành đến thôn Tân Hợp xã Tân An. Giữa lúc công trình đang thi công đúng tiến độ, chất lượng luôn đảm bảo thì vào khoảng 3 giờ chiều ngày 22/2/2017 bất ngờ có một nhóm người, đứng đầu là Nguyễn Văn Quân, cùng bố là ông Thắng, chú ruột là Vinh, cùng em trai tên Việt cầm dao, gậy ra công trường đe dọa, bắt anh em đang thi công phải ngừng thi công nếu không chúng chém chết.

Sau đó, nhóm người này ép ông Nghinh và chỉ huy công trường về nhà ông Thắng. Anh Nguyễn Văn Hùng, nhân chứng có mặt lúc đó cho biết: “Tại nhà ông Thắng, các đối tượng đã ép ông Nghinh giao số tiền là 350 triệu đồng cho Quân, đồng thời phải ký cái gọi là “biên bản thống nhất nguyên tắc” do Quân soạn sẵn trước đó với nội dung “công trình hoàn thành được chủ đầu tư nghiệm thu đưa vào sử dụng, sau khi trừ các chi phí hợp lý thì lợi nhuận công trình sẽ được chia đôi cho ông Nguyễn Văn Quân và ông Hoàng Văn Nghinh”.

Nhóm côn đồ dùng hung khí cưỡng đoạt công trình?

Giấy tờ thể hiện rõ việc Quân đòi lợi nhuận sau khi công trình được nghiệm thu

Ông Nghinh cho rằng, bản thân ông và nhóm người này không có quan hệ làm ăn kinh tế, cũng không nợ nần, vay mượn gì nên không đồng ý. Sau đó nhóm người này lại giở thói côn đồ dọa đánh công nhân của tại công trường.

“Thực chất của việc này là do Quân có biết một số chuyện đời tư liên quan đến tình cảm của tôi. Quân biết tôi sợ lộ chuyện này ra ngoài nên đã lấy đó làm cớ ép buộc tôi. Vì không muốn mọi người biết chuyện riêng tư và sợ thói hung hăng côn đồ của nhóm người này sẽ gây tổn hại sức khỏe công nhân nên tôi đã miễn cưỡng ký vào tờ giấy thỏa thuận do Quân soạn sẵn”, ông Nghinh cho biết thêm.

Cũng theo ông Nghinh, sau khi nhận đủ số tiền 350 triệu đồng, Quân cùng người nhà trở lại công trường, tự ý chỉ đạo việc thi công công trình. Thậm chí Quân còn tự ý lái máy ủi, máy lu và làm hỏng máy khiến ông Nghinh phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để sửa chữa.

Nhận thấy quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, sau khi bình tĩnh, ngày 27/2 ông Nghinh đã làm đơn tố cáo gửi lên Công an huyện Chiêm Hóa. “Hành vi côn đồ, cưỡng đoạt tài sản đã rất rõ ràng, thế nhưng không hiểu có phải Công an huyện bao che cho nhóm đối tượng hay không nhưng đến nay đã gần 2 tháng trôi qua, sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bản thân Quân vẫn vào công trường chỉ huy mọi việc và không cho tôi bước vào, tức là tài sản của mình đã bị tước đoạt một cách trái pháp luật”, ông Nghinh  trình bày.

Liên quan đến nội dung tố cáo trên, trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Xuân Tuyên, Trưởng Công an huyện Chiêm Hóa cho biết, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của ông Hoàng Văn Nghinh. Tuy nhiên, do mới nhận được đơn nên đơn vị đang xác minh, hiện chưa có kết luận nên không có bình luận gì.

Nhóm côn đồ dùng hung khí cưỡng đoạt công trình?

Luật sư Đặng Văn Cường

Nhận định về hành vi của nhóm côn đồ do đối tượng Nguyễn Văn Quân cầm đầu, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng: "Nhóm người dùng hung khí cưỡng đoạt công trình có dấu hiệu phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 135 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009. Bởi, dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội".

Trước phản ánh của ông Nghinh cho rằng, Công an huyện Chiêm Hóa không làm hết trách nhiệm, dung túng, bao che cho nhóm côn đồ, Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự và hướng dẫn tại Thông tư 06/2013/TTLT thì thời gian kiểm tra xác minh tin báo tố giác tội phạm không quá 2 tháng. “Nếu cơ quan công an không giải quyết tin báo tố giác theo quy định trên thì người tố cáo có quyền khiếu nại về thủ tục này đến thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng Việm kiểm sát cùng cấp để được xem xét giải quyết”, Luật sư Cường nêu.

Đồng quan điểm với Luật sư Đặng Văn Cường, Luật sư Đinh Quốc Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Đinh Quốc Dũng) cũng cho rằng, hành vi của nhóm người do Quân đứng đầu nêu trên “đã đủ dấu hiệu phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009”. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất của hành vi, khung hình phạt có thể từ một năm đến năm năm, phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc phạm tội thuộc một trong các hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

“Nếu cơ quan có thẩm quyền chậm xử lý thì người bị hại có thể làm đơn yêu cầu giải quyết nhanh hoặc gửi đơn lên cơ quan cấp tỉnh và Viện kiểm sát có thẩm quyền”, Luật sư Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhóm côn đồ dùng hung khí cưỡng đoạt công trình?