Chúng ta có thể kỳ vọng gì vào các nhóm cổ phiếu “nóng” Ngân hàng, Bất động sản, Xây dựng, Khai khoáng trong năm 2014?
Năm 2013, mặc dù nền kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã có năm khá thành công khi chỉ số VN-Index tăng mạnh tới 22%. Các nhóm cổ phiếu “nóng” như Ngân hàng, Bất động sản, Xây dựng hay Khai khoáng luôn thu hút sự chú ý của dòng tiền, và nhiều nhóm cổ phiếu đã có năm tăng trưởng “đáng mơ ước”.
Liệu chúng ta có thể kỳ vọng gì vào các nhóm cổ phiếu “nóng” này trong năm 2014?
Cổ phiếu Ngân hàng: Chưa khả quan khi chưa giải quyết được nợ xấu
Năm 2013, chỉ số cổ phiếu Ngân hàng (VS-Banking) tăng từ 74.98 lên 81.2 điểm điểm, tương ứng với mức tăng trưởng 12.8%, tức thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 22% của chỉ số VN-Index.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng chủ yếu đến từ 3 mã cổ phiếu MBB, VCB, SHB, với sự trợ lực không nhỏ của của khối ngoại. Tổng cộng trong năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tới 228.4 tỷ đồng cổ phiếu MBB, 215.4 tỷ đồng VCB và 458.3 tỷ đồng SHB.
Giao dịch ở các mã cổ phiếu còn lại như ACB, CTG, EIB,… khá trầm lắng khi đều đi ngang hoặc giảm điểm trong phần lớn thời gian của năm 2013.
Như vậy, có thể thấy giao dịch ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm vừa qua tương đối ảm đạm và động lực tăng trưởng chính chủ yếu đến từ hoạt động mua ròng của khối ngoại.
Biểu đồ 1: Chỉ số nhóm cổ phiếu Ngân hàng (VS-Banking) và VN-Index năm 2013 (Nguồn: VietstockUpdater)
Kỳ vọng năm 2014: Triển vọng kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết các khoản nợ xấu trong hệ thống.
Việc VAMC hoạt động ngày càng tích cực về cuối năm mang lại nhiều kỳ vọng cho việc giải quyết các khoản nợ xấu, cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, xung quanh việc thu mua các khoản nợ xấu này vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục và pháp lý. Đó là chưa kể đến việc có đến hơn 70% các khoản nợ xấu có liên quan đến bất động sản. Do đó, sẽ cần một thời gian khá lâu và mang tính chất dài hạn để giải quyết triệt để các khoản nợ xấu này.
Ngoài ra, Thông tư 02 sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 06 tới. Dù Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh một số chi tiết, nhưng việc thi hành thông tư này sẽ buộc phân loại lại các khoản nợ theo yêu cầu cao hơn. Do đó, nhiều khả năng sẽ khiến cho khoản nợ xấu tăng lên và các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Ngành ngân hàng đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, trong đó có cả giải pháp cho phép khối ngoại sở hữu nhiều hơn, qua động thái nới rộng room cho nhà đầu tư chiến lược lên 20% ngay từ đầu năm 2014.
Cổ phiếu Bất động sản – Xây dựng: Thích hợp để lướt sóng
Chỉ số cổ phiếu ngành Xây dựng (VS-Construct) đã tăng trưởng đến 40% từ mức 37.57 lên 52.6 điểm, cao gấp 2 lần so với mức tăng của VN-Index. Trong khi đó, chỉ số ngành Bất động sản (VS-Real Estate) cũng tăng mạnh xấp xỉ so với mức tăng của chỉ số VN-Index (19.9%) từ 42.84 lên 51.35 điểm.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu Bất động sản và Xây dựng trong năm 2013 chủ yếu xuất phát từ dòng tiền đầu cơ đổ vào mạnh và hưởng lợi từ xu hướng tích cực của thị trường. Trong khi đó, tình hình hoạt động kinh doanh của nhóm ngành Bất động sản và Xây dựng vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Biểu đồ 2: Chỉ số nhóm cổ phiếu Xây dựng (VS-Construct) và Bất động sản (VS-Real Estate) năm 2013 (Nguồn: VietstockUpdater)
Triển vọng năm 2014: Vấn đề lớn nhất của các công ty bất động sản và xây dựng trong giai đoạn hiện nay là giải quyết lượng hàng tồn kho đang tồn đọng khá lớn.
Các giải pháp của Chính phủ hiện nay như gói tín dụng 30,000 tỷ đồng vẫn đang gặp khá nhiều bế tắc khi mới chỉ giải ngân chưa đến 2%. Ngoài ra, thu nhập người dân vẫn ở mức thấp khiến cho việc hâm nóng thị trường bất động sản càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, nhiều khả năng tình hình hoạt động kinh doah của các nhóm ngành này sẽ chưa khởi sắc trong năm 2014.
Trong năm 2013, mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp khá nhiều khó khăn nhưng cổ phiếu lại tăng trưởng khá tốt. Có thể thấy cổ phiếu các nhóm ngành này chỉ chủ yếu là chạy theo những tín hiệu tích cực thị trường với lực đẩy từ dòng tiền đầu cơ.
Trong năm 2014, nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục thích hợp cho mục tiêu lướt sóng, đặc biệt trong những dịp nền kinh tế có tín hiệu chuyển biến khả quan hơn hay công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Cổ phiếu Khai khoáng: Chưa có tín hiệu khả quan
Trong năm 2013, chỉ số cổ phiếu ngành Khai khoáng (VS-Mining) tăng khá mạnh từ 34.61 lên 46.45 điểm, tương ứng với mức tăng đến 34.2%.
Tương tự như nhóm cổ phiếu Bất động sản và Xây dựng, đà tăng của nhóm cổ phiếu Khai khoáng chủ yếu xuất phát từ dòng tiền đầu cơ đổ vào. Trong khi đó, tình hình hoạt động kinh doanh vẫn chưa thật sự sáng sủa.
Biểu đồ 3: Chỉ số nhóm cổ phiếu Khai khoáng (VS-Ming) năm 2013 (Nguồn: VietstockUpdater)
Triển vọng kinh doanh năm 2014: Nhu cầu khoáng sản cả ở thị trường trong và ngoài nước hiện nay vẫn đang khá lớn. Do dó, triển vọng dài hạn của nhóm ngành Khai khoáng vẫn được kỳ vọng khá nhiều.
Tuy nhiên, những chính sách hiện nay của Chính phủ đã hạn chế việc khai thác thô các loại khoáng sản và qua đó khiến cho hoạt động khai thác của các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sẽ tiếp tục khiến cho giá các loại khoáng sản duy trì ở mức thấp và qua đó khó có thể cải thiện được kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hữu Trọng