Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều thăng trầm, biến động song truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ thay đổi. Giỗ tổ Hùng Vương chính là một minh chứng hùng hồn cho điều đó.
“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”, câu ca dao ấy luôn in sâu trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Để rồi đến ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, hàng triệu trái tim trên cả nước lại cùng hướng về vùng đất Tổ linh thiêng để tưởng nhớ công lao của các vua Hùng dựng nước, khơi gợi lòng tự hào dân tộc và hun đúc thêm tình yêu đất nước, quê hương…
Tín niệm sâu sắc về giống nòi, tổ tiên
Có lẽ trên thế giới, hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cho dù bất kỳ ở đâu, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng hằng năm cứ đến ngày mồng mười tháng ba âm lịch, lại hướng về đất Tổ, nô nức cùng nhau hành hương về Đất Tổ, tham dự lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Chính tại lễ hội Giỗ Tổ này mà người dân trong cả nước, cũng như những người Việt Nam ở nước ngoài lại có dịp đoàn tụ, bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ về tổ tiên, đến các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Từ lâu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu sa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
Hàng vạn con tim hướng về vùng đất Tổ
Cứ mỗi độ tháng Ba âm lịch, lòng người lại hướng về đất Tổ, song không phải ai cũng may mắn đến được Đền Hùng vào đúng dịp này. Vì vậy lễ Giỗ Tổ Hùng Vương dần dần được con cháu thành kính tổ chức ở khắp mọi miền đất nước. Từ trung tâm thờ tự các vua Hùng ở chân núi Nghĩa Lĩnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay đã lan tỏa đi các nơi; trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người dân Việt. Dù có phải đến một vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp, điều trước tiên là người ta lập bàn thờ ông bà và trang trọng hơn là lập đền thờ Tổ. Từ đó, đền thờ các Vua Hùng đã hiện diện ở nhiều vùng của phương Nam như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh có tới 20 đền thờ các Vua Hùng.
Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, từ nhiều năm nay, tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực tập trung chỉ đạo, để đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương.
Tìm về nguồn cội
Ngay từ ngày 10-11/4 (tức mồng 6, mồng 7 tháng ba âm lịch), dòng người từ các con đường hướng về Đền Hùng ngày càng đông, lối lên đỉnh Nghĩa Lĩnh ngày càng chật. Trong dòng người hành hương đó có những người đến từ vùng đất nằm cuối cùng của Tổ quốc như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; cũng có những bà những mẹ người Mông đến từ cực Bắc Hà Giang. Bà Sùng Thị Mưa, 77 tuổi, một cựu Thanh niên xung phong ở Mèo Vạc, Hà Giang kể: “Do có con gái lấy chồng ở Phú Thọ nên mấy năm nay tôi thường về đây dâng hương lên các vua Hùng. Lần nào tôi cũng thấy tự hào. Tôi sẽ đi cho đến khi chân không bước được nữa”.
Dù cách xa đất Tổ gần nghìn km, nhưng đây là lần thứ 3 ông Nguyễn Văn Sinh, 66 tuổi, ở Hải Châu, Đà Nẵng về với Đền Hùng. Ông Sinh tâm sự: “Hàng năm, cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tại một số điểm thờ Vua Hùng trong miền Trung và miền Nam cũng tổ chức lễ dâng hương, tôi và gia đình thường xuyên tham gia hoạt động này. Nhưng khi đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thắp hương tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng và mộ Tổ tôi mới thực sự cảm nhận được sợi dây liên kết của tình đồng bào, chung một cội nguồn. Vì thế, nếu có điều kiện tôi vẫn muốn đến Đền Hùng dâng hương vào đúng dịp 10/3 như câu ca xưa vẫn truyền “Dù ai đi ngược, về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.
Trong câu chuyện của những du khách hành hương, bên cạnh cảm xúc sâu lắng của những người con trong hành trình tìm về với nguồn cội, còn cảm nhận được niềm tự hào khi nhắc đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Có thể nhận thấy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng rãi, trải dài từ Bắc vào Nam; gần như ở khắp các tỉnh thành, nơi nào có người Việt sinh sống nơi đó việc thờ cúng Hùng Vương - ông tổ của dân tộc Việt luôn luôn gắn với thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, làng xã. Nhưng nổi bật nhất vẫn là Đền Hùng - Di tích quốc gia đặc biệt, nơi đất thiêng nghĩa tình, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lâu đời nhất, quy mô nhất trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trong dòng người hành hương về với đất Tổ những ngày này, không khó để bắt gặp những gương mặt còn rất trẻ. Anh Ngô Bá Linh, 27 tuổi, Công ty Thiết kế - Xây dựng Bình Minh (Hà Nội), chia sẻ: “Từ thời sinh viên, tôi đã được về tham dự Lễ hội Đền Hùng. Đây là lần thứ 4 rồi. Trong đoàn có mấy anh chị cũng đã đi vài lần, nhưng ai cũng đều cảm thấy tự hào khi đặt chân lên mảnh đất cội nguồn của dân tộc. Đặc biệt là khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thì cuộc hành hương của chúng tôi càng trở nên ý nghĩa hơn. Nó thể hiện tấm lòng của những người con cùng một nguồn cội dù ở phương trời nào cũng nhớ về quê hương”.
Nỗ lực xây dựng lễ hội “5 không”
Qua đánh giá của nhiều người thì năm nay, Lễ hội Đền Hùng có nhiều thay đổi. Các khu di tích, nhiều thiết chế văn hoá phục vụ các hoạt động trong lễ hội được xây, sửa khang trang; tình hình an ninh trật tự đi vào nền nếp, công tác đảm bảo vệ sinh môi truờng cũng được quan tâm.
Theo Ban Tổ chức, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có ba địa phương tham gia góp giỗ là Cần Thơ, Nghệ An, Sơn La; diễn ra từ ngày 13 đến 15/4 (ngày mồng 8 đến ngày mồng 10/3 âm lịch). Cũng như mọi năm, các hoạt động phần lễ, gồm: Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức…, trong đó, điểm nhấn là Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng sẽ được tổ chức vào sáng 10/3.
Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương và bắn pháo hoa; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật khảo cổ về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng…
Đặc biệt, các tiết mục được lựa chọn biểu diễn trong lễ hội năm nay phải là những nét văn hóa đặc sắc nhất của địa phương, dân tộc, gắn liền với mảnh đất cội nguồn và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong đó, nổi bật nhất là các tiết mục như đờn ca tài tử (Cần Thơ), hát múa Ví Dặm (Nghệ An) và múa Xòe Thái (Sơn La). Các đoàn nghệ thuật của tỉnh Phú Thọ sẽ trình diễn nhiều tiết mục dân gian của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Điểm nhấn là tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hai di sản đã được UNESCO công nhận là hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Các tiết mục đặc sắc như hát Xoan sẽ được biểu diễn tại Lễ hội Đền Hùng
Đáng chú ý, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng lễ hội mẫu mực theo phương châm “5 không” là: không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Để bảo đảm yêu cầu tốt nhất đón đồng bào và du khách, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp; nhiều khu vực được chỉnh trang, sửa chữa bảo đảm mỹ quan, như tại trục hành lễ và khu vực ngã năm Đền Giếng.
Ngoài ra, khu vực bãi xe trung tâm cũng đã được sửa sang để tăng lượng xe trông giữ gấp ba lần, từ 700 xe lên hơn 2.000 xe. Hệ thống ki ốt bán hàng cũng được tổ chức lại theo thiết kế mới, đồng bộ, gọn gàng và phù hợp cảnh quan không gian lễ hội. Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng bố trí đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ thường trực tại các đền... sẵn sàng hướng dẫn du khách thực hành nghi lễ tín ngưỡng và tham gia vui hội...
Với sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh Phú Thọ, Lễ hội Đền Hùng năm 2019 hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, Phú Thọ quyết tâm xây dựng một lễ hội mẫu mực của cả nước, hướng đến sự an toàn, văn minh, tạo sự thỏa mái và ấn tượng tốt nhất đối với du khách khi về thăm viếng Đền Hùng và thắp hương tri ân công đức tổ tiên.