Việc UBND TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) vừa có công văn xin phép dâng bánh dày nặng 3 tấn lên đền Hùng trong dịp giỗ tổ Hùng Vương 2018 gây ra tranh cãi giữa một bên đồng thuận và một bên bác bỏ.
Ngày 2/2/2018, UBND TP.Sầm Sơn có công văn số 364/UBND-VHTT, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép “dâng bánh dày kỷ lục Sầm Sơn” lên đền Hùng nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương 2018. Theo dự kiến, chiếc bánh có trọng lượng hơn 3 tấn được làm tại TP. Sầm Sơn. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp, sản phẩm của địa phương, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Chiếc bánh dày nặng 2 tấn được làm năm 2017
Năm 2017, trong lễ hội làng chài Trung Lương (Trung Sơn), chiếc bánh dày nặng hơn 2 tấn được ngư dân nơi dây góp sức theo phương pháp thủ công dâng lên thần Độc Cước, mong ước một năm mưa thuận gió hòa. Vào ngày 12/3/2017, hàng trăm du khách thập phương tìm đến đền Độc Cước để tham dự và tận mắt chứng kiến nghi lễ rước bánh dầy.
Chiếc bánh được làm từ 1,8 tấn gạo nếp, đúc trong khung sắc có đường kính 2,17m, cao gần 1m, được làm hoàn toàn thủ công nên phải mất 2 ngày để hoàn thành. Đây là chiếc bánh dày lớn nhất từ trước đến nay ở Thanh Hóa, Ban tổ chức đã phải huy động xe cẩu mới có thể vận chuyển bánh khổng lồ đến chân đền Độc Cước.
Sự kiện chiếc bánh khủng thu hút rất nhiều người dân và du khách đổ về Sầm Sơn
Được biết, nghi lễ rước bánh dày – nghi thức nằm trong lễ hội đền Độc Cước diễn ra vào ngày Rằm tháng 2 âm lịch hàng năm là lễ hội truyền thống của người dân làng chài Trung Lương, với mong ước cho một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, đi về may mắn, tôm cá đầy khoang.
Tương truyền rằng, có một chàng trai khổng lồ tự xẻ đôi thân mình để vừa đánh quỷ biển ngoài khơi, vừa đánh giặc trong đất liền cứu dân làng trong cơn lâm nguy. Sau đó, dân làng kính ngưỡng dựng tượng gỗ một chân, một tay thờ là thần Độc Cước. Đền Độc Cước nằm trên đỉnh núi Hòn Cổ Giải thuộc dãy Trường Lệ ở thị xã Sầm Sơn, được xây dựng vào thời nhà Trần và đã qua nhiều lần trùng tu, năm 1962 đền được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Sự kiện chiếc bánh dày kỷ lục này đã gây ra hiệu ứng lớn đối với du khách thập phương thu hút về Sầm Sơn vào thời điểm khí hậu đang còn giá rét. Không những thế tạo ra không khí sinh hoạt cộng đồng, đoàn kết trong nhân dân những ngày tham gia làm, nấu bánh và phát lộc cho mọi người.
Hoạt động cộng đồng được khơi dậy từ lễ hội bánh chưng, bánh dày
Trao đổi với PV, ông Phạm Duy Phương - Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho hay: "UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của UBND TP. Sầm Sơn về việc địa phương này muốn “dâng bánh dày nặng kỷ lục lên đền Hùng trong dịp giỗ tổ Hùng Vương năm 2018”. Hiện chúng tôi đang căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc để có hướng tham mưu, đề xuất ý kiến, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 8/3/2018".
Trên các trang mạng xã hội và dư luận không ít ý kiến cho rằng, việc dâng bánh dày khủng lên Vua Hùng không có trong truyền thống văn hóa – lễ hội của nước ta. Ngày xưa cha ông dâng cúng tổ tiên bằng những loại bánh trái có hình dạng, kích thước bình thường. Việc làm bánh quá lớn thể hiện tư duy đua đòi, thích lập kỷ lục, phô trương, nặng về hình thức, trong khi triết lý của cha ông là “lễ bạc lòng thành”, không quan trọng ở lễ vật, mà chú trọng về thành tâm.
Phó Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn Hoàng Khắc Nhu bày tỏ quan điểm: “Sầm Sơn là một thành phố trẻ, năng động. Những cách làm mới có ý kiến trái chiều là đương nhiên, chúng tôi đều ghi nhận để thực hiện nhiệm vụ của mình cho tốt hơn. Việc làm bánh dày lớn, năm trước Sầm Sơn đã làm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân cũng như du khách. Làm một chiếc bánh dày 3 tấn hết khoảng 1,7 tấn gạo nếp, giá 20.000 đồng/kg thì hết hơn 30 triệu đồng. Người dân tự nguyện hồ hởi, phấn khởi thậm chí là trắng đêm nấu, giã, đúc, bàn cách cắt bánh… Trong thời buổi các hoạt động cộng đồng mai một, công cuộc làm bánh thu hút hàng trăm người tham gia, bàn luận, lên phương án tổ chức tạo ra sự đoàn kết, khí thế trong nhân dân. Sau khi làm lễ, dâng Vua Hùng chiếc bánh được cắt ra, chia cho mọi người cùng ăn ngay tại chỗ. “Một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần”. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo cho người thưởng lộc thì nói lãng phí là không chính xác. Sầm Sơn là thành phố du lịch có hơn 100 nghìn dân, việc đổi mới, sáng tạo mùa lễ hội cũng là một trong những hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh với du khách trong và ngoài nước. Khách tới lưu trú, nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn năm sau cao hơn năm trước rất nhiều, theo đó là ngoại tệ, thu nhập của người dân nâng cao, thuế nộp cho nhà nước lớn”.
Được biết, lễ hội bánh chưng, bánh dày là lễ hội được tổ chức hàng năm tại Sầm Sơn. Xuất phát từ lối sống và quan niệm của ngư dân vùng biển, lễ hội Bánh chưng bánh dày đã được con người gửi gắm trong đó lòng thành kính, ngưỡng vọng đối với bậc tiền nhân, thánh thần đã có công khai phá, xây dựng và che chở cho vùng đất, vùng biển này; đồng thời, gửi gắm khát vọng bình an với mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền…
Lễ hội được khai mạc khi mọi người diễu kiệu quanh các đường phố chính rồi về tập hợp lại khu vực sân Đền Độc Cước để chuẩn bị cho phần nghi lễ chính thức. Sau đó tới một loạt những phần lễ phong tục quan trọng khác như phần lễ tế, đọc chúc văn tưởng nhớ công ơn của các tiền bối đi trước, những người đã có công khai phá và xây dựng vùng đất Sầm Sơn và nhờ họ mà dân làng mới được như ngày hôm này.