Vụ án liên quan tới việc chi trả bảo hiểm ở Hưng Yên: Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự

Quốc Pháp| 02/06/2015 15:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ việc hai cán bộ Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) bị khởi tố liên quan tới hai vụ việc chi trả bảo hiểm đã kéo dài hơn 3 năm qua. Các cơ quan tố tụng đã hai lần trả lại hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung.

Phía Công ty Bảo hiểm Viễn Đông cũng có điều tra độc lập và cho rằng hai cán bộ bảo hiểm không vi phạm pháp luật, cần tránh hình sự hóa vụ việc, gây oan sai.

Bảo hiểm Viễn Đông kiến nghị xem lại vụ án

Vụ việc có thể tóm tắt như sau: Ngày 14/5/2014, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã có kết luận buộc tội bà Đinh Thúy Hằng, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần bảo hiểm Viễn Đông Hưng Yên và Đỗ Thị Kim Yến, nhân viên chi nhánh liên quan tới hai vụ việc chi trả bảo hiểm và bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điều 140, Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, cả bà Hằng, bà Yến đều cho rằng mình bị oan sai, không hề chiếm đoạt số tiền trên. Cơ quan tố tụng đã hai lần trả lại hồ sơ vụ án và VKSND tỉnh Hưng Yên đã rút quyết định truy tố tại Tòa án trong phiên xét xử sơ thẩm gần đây. Hai lần trả lại hồ sơ, họ đều có khiếu nại kêu oan gửi Viện kiểm sát, Công an tỉnh Hưng Yên nhưng đều không có kết quả trả lời. Ngày 24/4/2015, bà Hằng, bà Yến lại nhận được Cáo trạng số 29, ngày 22/4/2015 quyết định truy tố ra trước TAND tỉnh Hưng Yên để xét xử về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", áp dụng điểm b khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Vụ án liên quan tới việc chi trả bảo hiểm ở Hưng Yên: Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự

Công văn của Công ty Bảo hiểm Viễn Đông gửi Chánh án TAND tỉnh Hưng Yên về vụ việc

Ngày 7/5 vừa qua, Công ty Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) cũng có công văn số 146/2015/CV-VASS-TGĐ gửi Chánh án TAND tỉnh Hưng Yên bày tỏ quan điểm về vụ việc. Theo đó, Phó tổng giám đốc VASS Trương Ngô Sen cho rằng, việc khởi tố là không đúng các quy định của pháp luật. “Từ những cơ sở nhận thấy bà Hằng và bà Yến không có tội, các cơ quan tố tụng tỉnh Hưng Yên đã hình sự hóa quan hệ dân sự, điều tra xem xét đánh giá không đúng bản chất vụ án, điều tra truy tố theo hướng oan sai cho bà Hằng và bà Yến kéo dài từ 24/1/2014, làm ảnh hưởng uy tín của VASS nói chung và VASS Hưng Yên nói riêng” – công văn của VASS khẳng định.

Vẫn theo VASS, trong quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra nhận được đơn tố cáo của ông Đào Ngọc Toàn ở Thanh Xá, nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên được hưởng tiền bồi thường là 22.000.000 đồng. Ông Toàn trình bầy mới nhận được 12.000.000 đồng, còn lại 10.000.000 đồng ông đề nghị làm rõ, thu hồi cho ông 10.000.000 đồng và xử lý theo pháp luật.

VASS Hưng Yên báo cáo tình hình vụ việc lên VASS thành phố Hồ Chí Minh. VASS thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc. Bằng nghiệp vụ kiểm tra, VASS thành phố Hồ Chí Minh xác định ông Đào Ngọc Toàn đã nhận đủ 22.000.000 đồng so với chứng từ gốc và tố cáo sai; bà Vũ Thị Mai Hoa thì có hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt 19.110.000 đồng của ông Bùi Quốc Huy. VASS còn lưu giữ giấy biên nhận trả tiền bồi thường cho ông Bùi Quốc Huy, ký hiệu BM/20/30/BT, ngày 23/02/2011 có nội dung: Người nhận tiền: Đào Ngọc Toàn, Địa chỉ: Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên, Với tư cách: Người được ủy quyền, Nội dung: Nhận tiền chi bồi thường, Số tiền: 22 triệu đồng chẵn..”. Như vậy, đã có đủ căn cứ hợp pháp khẳng định, ông Toàn đã nhận đủ 22 triệu đồng của VASS Hưng Yên, đúng với chứng từ gốc và tố cáo sai.

Không nên hình sự hóa

Theo VASS, bà Vũ Thị Mai Hoa là Thủ quỹ, biết ông Huy được hưởng tiền bồi thường là 21.110.000 đồng. Bằng thủ đoạn gian dối, bà Hoa trả tiền cho ông Huy không có chứng từ do kế toán lập, không trả theo quy định của công ty. Sử dụng giấy viết tay và tự viết để chi trả tiền cho ông Huy được 2 triệu đồng, còn thiếu 19.110.000 đồng, bà Hoa chiếm đoạt. Phiếu chi 00210TM 02 ngày 10/02/2011, mang tên ông Bùi Quốc Huy đã có chữ ký người giao tiền là thủ quỹ Vũ Thị Mai Hoa, có chữ ký người nhận tiền (khách hàng) là ông Bùi Quốc Huy thì bị làm giả. Sổ quỹ tiền mặt của VASS Hưng Yên thể hiện bà Hoa đã chi hết 21.110.000 đồng ra khỏi quỹ của VASS Hưng Yên. Thực tế ông Bùi Quốc Huy mới nhận được 2 triệu đồng, chứng tỏ 19.110.000 đồng còn lại của ông Huy, bà Hoa đã chiếm đoạt.

Tại phiên tòa xét xử lần thứ nhất, ngày 18/9/2014, TAND tỉnh Hưng Yên triệu tập bà Hoa, khi đó là người làm chứng trực tiếp tại phiên tòa. Kết thúc phiên xét xử, TAND tỉnh Hưng Yên trả lại hồ sơ do bỏ lọt tội phạm đối với bà Vũ Thị Mai Hoa. Vì vậy đến ngày 14/5/2015, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên có kết luận điều tra số 02. Ngày  22/4/2015, VKSND tỉnh Hưng Yên có Cáo trạng số 29, truy tố Vũ Thị Mai Hoa tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Công ty bảo hiểm Viễn Đông cho rằng, hành vi của bà Hoa phù hợp với cấu thành tội phạm của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điểm d, đ khoản 2, Điều 139 Bộ luật Hình sự và đề nghị tòa buộc Vũ Thị Mai Hoa phải trả lại cho VASS Hưng Yên 19.110.000 đồng.

Vẫn theo Công ty bảo hiểm Viễn Đông, Cơ quan an ninh điều tra và VKSND tỉnh Hưng Yên đã hình sự hóa quan hệ dân sự; điều tra xem xét đánh giá không đúng bản chất vụ án; cố ý điều tra truy tố theo hướng buộc tội oan sai cho bà Hằng, bà Yến. Bởi lẽ, khi cơ quan an ninh điều tra nhận được đơn của ông Bùi Quốc Huy, đơn tố cáo của ông Đào Ngọc Toàn lẽ ra nên trả lại đơn kèm theo hướng dẫn ông Huy, ông Toàn làm đơn đề nghị đến VASS Tp Hồ Chí Minh yêu cầu giải quyết, vì hai vụ việc này đều là tranh chấp dân sự. Việc Cơ quan an ninh điều tra cố ý hình sự hóa quan hệ dân sự, biến vụ việc dân sự đơn giản thành vụ án hình sự phức tạp kéo dài thời gian là không cần thiết.

Theo Luật sư Đinh Thị An (Hà Nội), việc cơ quan tố tụng truy tố bà Hằng, bà Yến theo Điều 140 Bộ luật hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cũng không có cơ sở. Bởi theo điểm 1 của điều này, bà Hằng, bà Yến chỉ vi phạm Điều 140 khi có các hành vi: Vay, mượn, thuê tài sản hoặc được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, thì mới phạm tội. Nhưng bà Hằng, bà Yến không có các hành vi như quy định tại điều luật, nên  không có tội.

“Mặt khác, để giữ thương hiệu cho VASS nói chung, VASS Hưng Yên nói riêng, VASS Tp Hồ Chí Minh giao cho VASS Hưng Yên là tôi đại diện đứng ra tự nguyện bồi thường cho chủ xe Bùi Quốc Huy. Như vậy, vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng” – bà Hằng trình bày.

Mới đây, bà Đinh Thúy Hằng, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần bảo hiểm Viễn Đông Hưng Yên đã cung cấp cho báo chí và cơ quan chức năng cuốn băng ghi âm được bà cho rằng ghi lại cuộc trao đổi giữa bà Hằng và một cán bộ cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên. Theo nội dung cuốn băng, người đàn ông trong băng đã có nhiều hành vi “gợi ý” bà Hằng “chạy án” và nhắc tới nhiều cán bộ các cơ quan pháp luật ở Hưng Yên 

Thiết nghĩ, vụ việc cho thấy có nhiều vấn đề phức tạp cần được làm sáng tỏ, khách quan, tránh hình sự hóa, gây oan sai cho công dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án liên quan tới việc chi trả bảo hiểm ở Hưng Yên: Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự