Từ việc đình chỉ tàu du lịch, hé lộ vụ du khách tử nạn trên Vịnh Hạ Long

Song Anh| 07/12/2016 10:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ việc đình chỉ một loạt tàu du lịch vi phạm, nhiều vấn đề được hé lộ, trong đó vụ du khách tử nạn nhưng được giấu kín và câu hỏi về ý thức trách nhiệm của đội ngũ quản lý du lịch trên Vịnh Hạ Long đã được đặt ra.

Đình chỉ 5 tàu du lịch, đúng hay sai?

Tháng 11/2016 vừa qua, Báo Công lý nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh từ chối cấp phép rời bến cho 5 tàu du lịch hoạt động trên địa phận vịnh Hạ Long. Tuy nhiên trên thực tế, thời điểm 25/11/2016 có tất cả 8 tàu du lịch đang bị đình chỉ hoạt động. 

Theo thông tin phản ánh, thời điểm 25/11/2016, có 5 tàu du lịch của doanh nghiệp bị tạm thu giữ và không được phép hoạt động trên địa phận vịnh Hạ Long vì lý do vi phạm “để các phương tiện neo bám vào phương tiện của mình”. Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh là đơn vị trực tiếp ra văn bản từ chối cấp phép cho tàu du lịch vi phạm hoạt động trên vịnh Hạ Long 10 ngày đối với các tàu du lịch: Công Nghĩa 19 (BKS QN 6495); Minh Hải 15 (BKS QN 4168); Sơn Cường 02 (BKS QN 2646); Đôn Hiền 06 (BKS QN 5762); Hạ Long 10 (BKS QN 1446). Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 25/11/2016.

Từ việc đình chỉ tàu du lịch, hé lộ vụ du khách tử nạn trên Vịnh Hạ Long

Văn bản từ chối cấp phép rời bến cho các tàu du lịch

Hai tàu du lịch bị đình chỉ 20 ngày là tàu du lịch Bài Thơ 35 BKS 3886 và tàu Huy Hoàng 68, BKS 6580, do trong lúc chở khách tham quan trên Vịnh Hạ Long, thuyền trưởng của các tàu đã để hành khách ngồi lên lan can hai bên mạn tàu gây mất an toàn giao thông.

Tuy nhiên, một số chủ phương tiện vi phạm này đã có ý kiến rằng tàu của họ vi phạm một phần nguyên nhân do các phương tiện neo bám ép, nếu không cho neo bám thì sẽ bị ném đá vỡ cửa kính tàu. Việc đình chỉ 10 ngày của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh vận tải hành khách của công ty. Các doanh nghiệp có phương tiện vi phạm xin được giảm nhẹ hình phạt.

Theo anh Lê Trọng Việt, Đội trưởng đội Kiểm tra xử lý vi phạm vịnh Hạ Long, các tàu này không chỉ một lần mà đã nhiều lần để cho phương tiện tàu bè của ngư dân neo bám và bán hải sản cho du khách. Nhưng hôm xảy ra vụ việc du khách mua hải sản của bè khác nên do mâu thuẫn, tranh giành khách mà các bè neo bám này đã ném đá lên tàu. Theo đó, đội tuần tra đã lập biên bản chuyển hồ sơ báo cáo về UBND TP Hạ Long. Sau khi xem xét, TP Hạ Long có Công văn số 7387/UBND ngày 21/11/2016 đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh từ chối cấp phép rời cảng, bến, đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long đối với các tàu vi phạm. Như vậy, việc đình chỉ các tàu du lịch trên của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh là đúng quy định của pháp luật.

Hé lộ vụ du khách tử nạn được giấu kín, trách nhiệm thuộc về ai?

Tìm hiểu hồ sơ được cung cấp từ phía Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quang Ninh và đại diện BQL vịnh Hạ Long, PV phát hiện những vấn đề trong việc quản lý các phương tiện, dịch vụ vận tải hành khách trên địa phận vịnh Hạ Long.

Cụ thể, cùng thời điểm đình chỉ 5 tàu du lịch vi phạm đã nêu trên, có thêm 3 tàu du lịch nữa bị tạm thu giữ, thời gian đình chỉ là 20 ngày. Trong đó, có tàu du lịch Huy Hoàng 68-QN 6580 do ông Lê Dương Minh là chủ tàu.

Ngày 23/10/2016, tàu du lịch Huy Hoàng bị lực lượng chức năng của UBND TP Hạ Long phát hiện vi phạm trong quá trình vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long (để khách ngồi lên hai bên mạn phương tiện) vi phạm Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, UBND TP Hạ Long đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng tàu du lịch Huy Hoàng 68 QN 6580 theo quy định.

Do đây là lần thứ hai trong năm 2016 tàu du lịch Huy Hoàng 68 QN 6580 vi phạm (lần 1 vào ngày 9/7/2016). Theo tìm hiểu của PV, thuyền trưởng và hướng dẫn viên đã để du khách bơi vào điểm tắm nằm ngoài hành trình tham quan và tử nạn.

Với việc tàu Huy Hoàng 68 QN 6580 để du khách tự ý bơi và không cấp trang thiết bị an toàn để xảy ra tai nạn nghiêm trọng này nhưng đến lần 2 vi phạm TP Hạ Long lại chỉ xử phạt đình chỉ 20 ngày. Như vậy trách nhiệm của đội ngũ quản lý du lịch trên vịnh Hạ Long đến đâu?

Từ việc đình chỉ tàu du lịch, hé lộ vụ du khách tử nạn trên Vịnh Hạ Long

Các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cho phương tiện neo bám gây mất an toàn đường thủy

Bên cạnh đó, việc để xảy ra tình trạng lộn xộn, tranh giành khách, việc để các tàu ngư dân tạo sức ép với các tàu du lịch đã xảy ra nhiều lần trước đây, nhưng đến nay vẫn tồn tại? Để xảy ra những vi phạm của các tàu du lịch trên, trách nhiệm không chỉ quy về các thuyền trưởng, cần xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng, ý thức của nhà tàu, trách nhiệm và chuyên môn của hướng dẫn viên du lịch và trên hết là đội ngũ quản lý trực tiếp tại vịnh Hạ Long. Nếu có một hệ thống quản lý chặt chẽ, giám sát thường xuyên, xử phạt nghiêm khắc, chắc rằng du lịch Quảng Ninh nói chung và du lịch trên vịnh Hạ Long sẽ bớt nhiều những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Không chỉ là trung tâm của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long cũng hội đủ các yếu tố đã, đang là trung tâm du lịch lớn với nhiều tiềm năng của tỉnh và cả nước. Vịnh Hạ Long, di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam, một điểm đến lý tưởng có một không hai của du khách, đặc biệt hấp dẫn với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, để phát huy hết giá trị, tiềm năng của ngành du lịch địa phương, tạo lòng tin cho du khách và phát triển thương hiệu du lịch thì công tác quản lý phải được chấn chỉnh kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ việc đình chỉ tàu du lịch, hé lộ vụ du khách tử nạn trên Vịnh Hạ Long