Giám định thương tích sai, xử sao cho đúng…

Thái Vũ| 10/12/2015 08:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các bị cáo Đỗ Phương Nhỡ, Đỗ Phương Hạnh, Đỗ Phương Hòa, bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định của khoản 2 Điều 104 BLHS.

Căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can là Kết luận giám định pháp y xác định tỷ lệ thương tích của bị hại là 25%. Tuy nhiên, kết luận giám định pháp y trên đây có những dấu hiệu sai phạm, nên Tòa án đã phải trả hồ sơ để làm rõ tỷ lệ thương tật của bị hại…

Giám định không tuân thủ quy định

Ngày 6/5/2014, tại thôn 2 xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chị Bùi Thị Thu Thương cùng chồng, mẹ chồng, em chồng xảy ra xô xát với ông Đỗ Phương Nhỡ và hai con là Đỗ Phương Hạnh, Đỗ Phương Hòa. Ba bố con ông Nhỡ bị khởi tố. Ông Nhỡ bị tạm giam. Căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can là Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 288/TTPY, ngày 18/6/2014 của Trung tâm pháp y - Sở Y tế Hà Nội về thương tích của chị Thương là 25%.

Tuy nhiên, xem xét quá trình giám định thì thấy bộc lộ quá nhiều bất thường, không tuân thủ các quy định của pháp luật, dẫn đến kết luận sai sự thật.

Các tài liệu gửi kèm theo Quyết định, gồm bản sao: Giấy chứng thương của Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Giấy ra viện của Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, Giấy chứng thương của Bệnh viện 354 Quận đội; Giấy ra viện của Bệnh viện 354 Quân đội.

Trong khi đó, theo quy định của khoản 1, Điều 33 của Luật Giám định tư pháp và quy định giám định thương tích vùng sọ não, Phần I Quy trình Giám định pháp y được ban hành kèm theo Thông tư  số 47/2013/TT – BYT về quy trình giám định pháp y, thì hồ sơ giám định thương tích vùng sọ não gồm có: Quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định; Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định; Các hồ sơ về y tế có liên quan đến giám định pháp y; Biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng.

Như vậy tài liệu gửi kèm quyết định trưng cầu giám định không đủ theo quy định hồ sơ giám định thương tích theo quy định của quy định pháp luật. Trong trường hợp này lẽ ra Trung tâm giám định pháp y phải từ chối giám định.

Giám định thương tích sai, xử sao cho đúng…

Bệnh viện 354 xác định Giấy chứng thương sai sự thật

Quy trình Giám định pháp y được ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT quy định giám định thương tích vùng sọ não, phải chụp ảnh và làm bản ảnh các phim chụp sọ, khuyết sọ, nứt sợ, máu tụ… Nhưng quá trình giám định đối với chị Thương, cơ quan này đã không thực hiện việc chụp CT scanner sọ não để xác định có tụ máu hay không.

Theo quy định thì Bản kết luận giám định pháp y phải dán ảnh của người được giám định  và đóng dấu giáp lai, nhưng Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 288/TTPY không có ảnh của chị Bùi Thị Thu Thương. Theo quy định bản kết luận giám định phải có chữ ký của hai giám định viên và thủ trưởng tổ chức giám định, nhưng bản kết luận trên đây chỉ có chữ ký của một giám định viên.

Như vậy hồ sơ, qui trình, thể thức kết luận giám định pháp y thương tích số 288/TTPY, không tuân thủ quy định của pháp luật.

Giấy chứng thương sai sự thật

Đối chiếu nội dung của Bản trích sao bệnh án với Giấy chứng thương ngày 19/5/2014 của Bệnh viện 354 có sự khác nhau. Trích sao bản án cho biết kết quả chụp CT scanner sọ não (ngày 6/5/2014) của chị Thương tại Bệnh viện Bắc Thăng Long ghi rõ: “Hiện tại không thấy hình ảnh bất thường nội sọ trên CT Scanner”. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não: “Hình ảnh sọ não bình thường trên phim MRI. Không thấy vỡ xương, không thấy đụng giập chảy tụ máu trong nhu mô và trong hộp sọ”. Tuy nhiên Giấy chứng thương lại ghi: “Tụ máu trong não bán cầu (T). 

Ngày 2/11/2015, đại diện của Bệnh viện Quân y 354 đã xác định “Sai sót giữa hai loại giấy tờ trên là do đồng chí Nguyễn Tiến Dũng là cán bộ trích sao hồ sơ đã trích sao sai nội dung trong hồ sơ bệnh án. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng đã nhận khuyết điểm và phía bệnh viện đang tiến hành xử lý theo quy định”.

Trước đó, ngày 19/10/2015, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng có Văn bản số 684/BVĐHYHN cho biết: Ngày 9/6/2014 có bệnh nhân nữ tên Bùi Thị Thu Thương, sinh năm 1988, có đến khám với lý do đau đầu, bệnh nhân đã được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não. Kết quả: Hình ảnh cộng hưởng từ sọ não trong giới hạn bình thường trên các xung khám.

Như vậy, các chứng cứ liên quan đến thương tích của bị hại Bùi Thị Thu Thương không có tài liệu khám chữa bệnh nào thể hiện bị hại: chấn thương vùng đầu gây tụ máu trong bán cầu não trái… để dẫn đến xác định tỷ lệ thương tật lên đến 25% như Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 288/TTPY, ngày 18/6/2014 của Trung tâm pháp y – Sở Y tế Hà Nội.

Biên bản xác định thương tật

Ngày 5/11/2015, TAND huyện Sóc Sơn đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ tỷ lệ thương tật của chị Bùi Thị Thu Thương. Đây là một quyết định đúng đắn.

Ngày 19/11/2015, Cơ quan điều tra Công an huyện Sóc Sơn đã ban hành Bản kết luận điều tra bổ sung số 01/KLĐTBS-CSĐT phản ánh: Tại Công văn số 253 ngày 17/11/2015 của Trung tâm pháp y Hà Nội và biên bản xác minh ngày 18/11/2015 giữa hai cơ quan này xác định, “tổn thương tụ máu trong não của bị hại Thương là không có. Tuy nhiên tại thời điểm giám định bị hại Thương còn biểu hiện hội chứng chấn động não, điện não đồ có sóng kích thích vùng trán đỉnh trái. Căn cứ theo Thông tư 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH … thì tổn hại sức khỏe của bị hại Bùi Thị Thu Thương tại thời điểm giám định là 15%”.

Trên cơ sở bản kết luận điều tra bổ sung này Viện kiểm sát đã có cáo trạng tiếp tục truy tố lại các bị can, với thương tích của bị hại là 15%. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là tỷ lệ này không dựa trên một “Bản kết luận giám định pháp y về thương tích” với qui định chặt chẽ về hồ sơ, trình tự mà chỉ dựa trên biên bản làm việc giữa cơ quan điều tra và cơ quan giám định.

Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Phương Nhỡ, 66 tuổi, là một cựu chiến binh, cũng bị đánh vỡ đầu trong vụ xô xát, nhưng cơ quan điều tra lại tách rút việc ông Nhỡ bị đánh để xử lý sau. Ông Nhỡ hiện đang bị tạm giam từ ngày 27/1/2015 đến nay. Nhưng người quan tâm đến vụ án đang  chờ đợi sự phán quyết khách quan, đúng pháp luật từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám định thương tích sai, xử sao cho đúng…