Bạc Liêu: Hành trình 25 năm đi tìm công lý của cụ ông 85 tuổi

An Dương| 13/05/2015 06:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị Công an huyện Giá Rai (tỉnh Minh Hải cũ, nay là tỉnh Bạc Liêu) khởi tố, bắt giam 105 ngày về tội “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”, cụ Trần Văn Bảy (SN 1930) liên tục kêu cứu từ năm 1989.

Sau khi được Tòa án minh oan bằng bản án tuyên không phạm tội, cụ Bảy lại tiếp tục gánh thêm một vụ án sai khiến gia đình cụ phải liên tục đi  tìm công lý suốt 25 năm qua…

Tòa án tỉnh giải oan…

Năm 1981, UBND xã Phong Phú làm tờ trình quy hoạch xây dựng trụ sở với diện tích 0,846ha, được UBND huyện Giá Rai chấp nhận. Theo đó, gia đình cụ Trần Văn Bảy bị thu hồi hơn 6.000m2 đất, chính quyền phải bồi thường hoa lợi theo giá hiện hành. Sau khi có quyết định, UBND xã triển khai nhưng tiến hành không triệt để, bồi thường thiếu công bằng. Đến năm 1986, xã trả lại đất cho chủ cũ, lúc này cụ Bảy làm đơn xin lại đất để làm nhà ở, nhiều lần chính quyền địa phương thương lượng với cụ nhưng không thành.

Khi sự việc giải quyết chưa thành, ngày 23/11/1989, cụ Bảy tự dựng nhà ở, bị chính quyền địa phương lập biên bản ngăn cản. Cụ Bảy tiếp tục xây dựng và bị UBND huyện ra quyết định cảnh cáo, “buộc tháo dỡ trong phạm vi 3 giờ”. Thấy quyết định quá vô lý, buộc tháo dỡ “siêu tốc” nên cụ Bảy không thể thực hiện. Đến ngày 25/11/1989, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế, giao UBND xã dỡ nhà cụ Bảy trong một ngày. Song song với giải quyết hành chính, đến chiều 25/11/1989, Công an huyện bất ngờ hình sự hóa, tiến hành bắt tạm giam cụ Bảy. Ngay sau đó, UBND xã tổ chức dỡ nhà cụ Bảy, còn VKSND huyện Giá Rai truy tố cụ về tội “Vi phạm các quy định quản lý nhà ở” theo Điều 214 BLHS (cũ).

Vừa bị bắt giam oan, lại bị mất nhà đất nên cụ Bảy liên tục kêu oan. Ngày 21/9/1990, TAND tỉnh Minh Hải xét xử, tuyên cụ Bảy không phạm tội, trả tự do cho bị cáo. Tòa nhận định: Các quyết định hành chính như buộc cụ Bảy dỡ nhà trong 3 giờ là vi phạm pháp luật. Trong quá trình dỡ nhà, cụ Bảy không có biểu hiện chống đối, lại bị bắt tạm giam ngay trong ngày ra quyết định cưỡng chế dỡ nhà thì làm sao có thể kết luận cụ Bảy đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm.

Bạc Liêu: Hành trình 25 năm đi tìm công lý của cụ ông 85 tuổi

Cụ Bảy bên chồng đơn kêu cứu 

Ngoài ra, Tòa làm rõ những sai phạm về quản lý đất đai như số đất giao cho UBND xã Phong Phú từ năm 1981 nhưng chưa sử dụng là trái với Luật Đất đai. Các chứng cứ có trong hồ sơ không đủ cơ sở để kết tội bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, Tòa kiến nghị UBND huyện Giá Rai và UBND xã Phong Phú giải quyết hoa lợi phần đất của cụ Bảy mà UBND xã đã sử dụng theo quy định nhà nước. Cụ Bảy được trả tự do sau 105 ngày bị Công an huyện Giá Rai bắt giam oan. Gia đình cụ Bảy đã yêu cầu VKSND huyện Giá Rai bồi thường oan sai. Sau 20 năm bị đẩy vào vòng lao lý, tuổi cao sức yếu, cụ phải ủy quyền cho vợ là cụ Long Kim Sang, cũng đã 83 tuổi, phải lặn lội đi khiếu kiện. Đến năm 2010, VKSND huyện mới bồi thường cho cụ Bảy 13,35 triệu đồng. 

Tòa án tối cao sửa sai…

 Năm 1993, trước khi trở lại TP. Hồ Chí Minh sinh sống, cụ Trần Kim Bảy chuyển nhượng giấy tay cho ông Cái Trung Liệt (SN 1953, ngụ xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) 720m2 đất, sau đó bán tiếp cái ao 180m2. Phần đất còn lại rộng 600m2, trong đó phần đất mộ gia tộc, cụ Bảy nhờ ông Liệt trông coi giúp. Đến năm 2004, cụ Bảy mới tá hỏa khi phát hiện ông Liệt tự ý kê khai, làm giấy chứng nhận quyền sử đất (viết tắt là sổ đỏ) để chiếm toàn bộ diện tích đất cụ Bảy nhờ giữ hộ. Lạ kỳ hơn, phần đất mộ của gia đình cụ Bảy được cán bộ địa phương ký cấp quyền sử dụng cho… ông Liệt. 

Cụ Bảy khởi kiện ông Liệt yêu cầu trả 357m2 đất, ngày 26/12/2006, TAND huyện Giá Rai ra Bản án số 62/2006/DSST bác đơn cụ Bảy. Cụ Bảy kháng cáo nhưng bị TAND tỉnh xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện. Cụ Bảy tiếp tục khiếu nại và được Tòa Dân sự, TANDTC ra Quyết định giám đốc thẩm số 467/2010/DS-GĐT ngày 13/8/2010. Quyết định giám đốc thẩm nhận định: Việc Tòa cấp sơ thẩm và Tòa cấp phúc thẩm không tiến hành xác minh việc cấp sổ đỏ của ông Liệt đối với phần đất tranh chấp, chỉ căn cứ vào bản photocopy “Đơn xin hợp thức hóa nhà đất” và sổ đỏ đứng tên ông Liệt để bác yêu cầu đòi đất là chưa đủ căn cứ.

Quyết định giám đốc thẩm cũng làm rõ việc ông Liệt kê khai cả phần mộ của gia đình cụ Bảy (có diện tích 8,5x34m) nên ông Liệt được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu mộ của gia đình cụ Bảy. Tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cần phải xác minh, nếu cụ Bảy không có lối đi vào khu mộ gia đình thì cần buộc ông Liệt phải dành lối đi thích hợp. TANDTC quyết định hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật.

Ngày 23/1/2015, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên xử công nhận sự tự nguyện của ông Liệt, buộc ông Liệt phải trả lại cho cụ Bảy phần đất mộ diện tích 279,70m2; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Bảy đòi ông Liệt trả lại 282,80m2. Bản án sơ thẩm cũng xác định không có cơ sở để buộc ông Liệt phải dành cho cụ Bảy một phần đất thích hợp để làm lối vào khu mộ.

Cụ Bảy kháng cáo, bức xúc: “Việc khai khống nhằm chiếm đất của ông Liệt thể hiện rõ, ngay cả đất mồ mả gia tộc tôi, ông Liệt còn cố tình chiếm, cơ quan có thẩm quyền không đo đạc cụ thể dẫn đến việc cấp sai. Phần đất tranh chấp 289,90m2 ông Liệt cho rằng tôi đã chuyển nhượng nhưng ông không có giấy tờ chứng minh. Ông Liệt phải trả lại đất mồ mả và tại Quyết định giám đốc thẩm của TANDTC cũng đã nêu rõ phải dành cho tôi một phần đất thích hợp để làm lối vào khu mộ. Tôi mong vụ án sẽ được giải quyết hợp lý, hợp tình vì tôi đã phải hai lần chịu án oan, sai suốt 25 năm qua”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Hành trình 25 năm đi tìm công lý của cụ ông 85 tuổi