Nhìn lại 5 vấn đề "nóng" của ngành Y trong năm 2017

Thảo Nguyên| 30/12/2017 13:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2017 sắp khép lại, câu chuyện ngành y vẫn còn “nóng” hổi trong dư luận sau những sự cố y khoa nghiêm trọng, kiểm soát dịch bệnh, bất cập trong quản lý dược phẩm, trang thiết bị y tế; dấu hiệu lợi ích nhóm trong mua sắm thuốc, đấu thầu thiết bị y tế...

Liên tiếp xảy ra tai biến y khoa

Sự cố y khoa trong quá trình 18 người chạy thận tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong xảy ra hồi cuối tháng 5/2017 là một thảm họa chưa từng có trong y văn thế giới. Điểm đáng lưu ý nhất trong vụ tai biến là hệ thống nước RO đã sử dụng hoá chất cực độc, cấm trong y tế đã gây ra hậu quả đau lòng.

Sau sự cố, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã vào cuộc rất sát, yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo và khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Nhìn lại 5 vấn đề

Sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 8 người tử vong

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tại một số Bệnh viện tuyến tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân chết bất thường, ngoài lý do bệnh nặng không ít trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ; chẩn đoán sai đưa tới phác đồ điều trị lệch hướng để lại di chứng nặng nề.

Mới đây, liên tiếp 4 trẻ sơ sinh tử vong chỉ trong một buổi sáng tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, Hội đồng chuyên môn qua rà soát quy trình đã kết luận nguyên nhân nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện. Cả 4 trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau 3-5 ngày điều trị, bệnh tiến triển thành nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Trước quá nhiều vụ sai sót y khoa xảy ra, người bệnh cảm thấy lo lắng, bất an khi không may phải nằm viện.

Dịch sốt xuất huyết hoành hành

Năm 2017, dịch sốt xuất huyết đã đạt một “kỷ lục” ở Việt Nam khi có tới 181.054 trường hợp mắc, trong đó 152.659 trường hợp phải nhập viện và khiến 30 người tử vong.

Tại Hà Nội, có 12 quận/huyện báo động đỏ về dịch bệnh sốt xuất huyết. Các bệnh viện tại Thủ đô liên tục quá tải, bệnh nhân tăng gấp 4 lần năm trước. Hà Nội phải nhờ các tỉnh lân cận chi viện máy phun diệt muỗi công suất lớn; lực lượng quân đội, y tế, cơ quan chức năng đã tổng huy động đến từng ngõ ngách để tiêu diệt muỗi, bọ gậy.

Nhìn lại 5 vấn đề

Sốt xuất huyết hoành hành, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải

Vụ án VN Pharma

Vụ án 9.300 hộp thuốc H-Capita dùng trong điều trị ung thư không rõ nguồn gốc, kém chất lượng bị Công ty CP VN Pharma nhập về vừa được đưa ra xét xử đã làm bùng lên sự bất bình từ dư luận, đặc biệt đối với những người đang mang bệnh ung thư đang từng giờ, từng phút chống lại tử thần.

Lô thuốc được Cục Quản lý Dược cấp phép nhập khẩu cuối tháng 12/2013, trúng thầu trong đợt đấu thầu tập trung năm 2014 tại Sở Y tế TP.HCM.

Vụ án được xét xử vào giữa tháng 8, cựu Chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tòa tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu. Trong phiên xử phúc thẩm ngày 30/10, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp điều tra lại.

Những lỗ hổng trong quản lý nhập khẩu thuốc, những “mảng tối” trong thị trường dược và thiết bị y tế, đặc biệt là các gói thuốc chữa bệnh trong các bệnh viện, là chuyện nhức nhối bấy lâu nay, nhưng phải đến khi vụ án VN Pharma được đưa ra trước vành móng ngựa thì những câu chuyện thuốc giả - thuốc kém chất lượng; kê khống giá nhập thuốc; Công  ty dược chi “hoa hồng” cho bác sĩ… mới bị lật tẩy.

Nhìn lại 5 vấn đề

Tiêu hủy 20.000 viên thuốc ung thư và "lỗi thủ tục"

Gần 20.000 viên thuốc tài trợ đặc trị chữa bệnh ung thư có giá trị gần 14 tỷ đồng tồn kho vì hết hạn sử dụng trong khi người bệnh không có thuốc để chữa khiến dư luận rất bất bình.

Thủ tục nhập số thuốc này về bắt đầu khởi động từ ngày 15/7/2013, ngày 28/11/2013, bệnh viện có văn bản gửi Cục quản lý Dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên; ngày 27/12/2013, Cục trưởng Cục quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành sản phẩm cho lô hàng thuốc trên, hạn dùng 24 tháng.

Qua nhiều khâu thủ tục, đến khi bệnh viện hoàn thành được tất cả các thủ tục này thì Cục Hải quan không tiếp nhận cho nhập vì lô thuốc có hạn sử dụng dưới 12 tháng. Sau khi Sở Y tế gửi tờ trình sang Hải quan để đề nghị hỗ trợ xem xét giải quyết, thuốc được nhập về kho của viện thì hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng, đó là ngày 13/8/2014.

Theo các chuyên gia pháp lý, trong vụ việc này vấn đề giải quyết thủ tục hành chính một cách máy móc, chậm chạp của các cơ quan nhà nước là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lãng phí, ảnh hưởng đến cơ hội được chữa trị của người bệnh.

Nhìn lại 5 vấn đề

Tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc điều trị ung thư khi bệnh nhân đang "đói"

Thiết bị y tế "đắp chiếu"

Kết quả kiểm toán công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở y tế cho thấy những số liệu giật mình về tình trạng thiết bị tồn kho gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng.

Theo đó, Kiểm toán chỉ thực hiện 15 bệnh viện, chiếm gần 30% bệnh viện mà Bộ Y tế quản lý. Về tình trạng của việc sử dụng chưa hiệu quả, có 98 thiết bị chưa sử dụng có tổng giá trị là 46 tỉ đồng; 157 thiết bị hỏng chưa kịp thời sửa chữa với tổng giá trị 74 tỉ đồng. 228 thiết bị hỏng không sửa chữa được có giá trị 45 tỉ đồng,

Tình trạng trang thiết bị y tế đắt tiền mua về nhưng "đắp chiếu" để đấy không phải là hiếm tại các cơ sở y tế hiện nay, nhất là ở các tuyến các sở. Không chỉ thế, việc chênh lệch về giá giữa cùng một loại vật tư tiêu hao y tế cũng là thực trạng khá phổ biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại 5 vấn đề "nóng" của ngành Y trong năm 2017