Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam

Nguyễn Thị Thu Nga| 27/04/2019 06:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính sách an sinh xã hội là chính sách vô cùng cần thiết đối với mỗi quốc gia nhằm đảm bảo, trợ giúp đời sống cho người lao động, những đối tượng yếu thế, góp phần ổn định và phát triển bền vững xã hội.

Bảo hiểm thất nghiệp có khi nào?

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một bộ phận của chính sách an sinh xã hội, có vai trò quan trọng trong việc hạn chế tiêu cực của hiện tượng thất nghiệp, đảm bảo đời sống cho người thất nghiệp, đưa họ trở lại thị trường thông qua việc trợ cấp, đào tạo, đào tạo lại, môi giới việc làm, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhận người thất nghiệp, hỗ trợ người thất nghiệp lập nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp xuất hiện vào thế kỷ XIX, khởi đầu là từ nguồn tài chính của quỹ công đoàn. Về sau, một số thành phố, chính quyền cũng đã đứng ra thành lập quỹ BHTN dưới phương thức tự nguyện (xuất hiện đầu tiên ở Berne - Thụy Sĩ), hoặc hỗ trợ cho các quỹ bảo hiểm tư nhân, công đoàn (xuất hiện ở một số thành phố của Pháp, Bỉ), khi ấy BHTN chỉ được thực hiện trong phạm vi thành phố.

Bước vào thời kì phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường từ năm 1986, thất nghiệp là hiện tượng khá phổ biến và gây nên các vấn đề bức xúc cho xã hội Việt Nam. Dù chưa có BHTN trên phạm vi quốc gia nhưng từ sau năm 1986 đã có nhiều chính sách trợ cấp như: trợ cấp thôi việc, tạm ngừng việc theo các quyết định của hội đồng bộ trưởng, chế độ trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc theo quy định tại bộ luật lao động, chế độ trợ cấp cho lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo nghị định 110/2007/NĐ-CP. Mãi đến năm 2006 khi Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành mới có quy định về BHTN. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, nhưng riêng đối với BHTN thì từ ngày 1/1/2009. Trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam là nước thứ hai sau Thái Lan thực hiện chính sách BHTN.

Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam

Ảnh minh họa

Trải qua 10 năm triển khai thực hiện (2009-2019), chính sách này ngày càng được hoàn thiện và thu được những kết quả tích cực, đối tượng tham gia BHTN dần dần được mở rộng. Hiện nay công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc, khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc HĐLV xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng đều có thể tham gia BHTN, trong khi trước đây chỉ NLĐ có hợp đồng từ 12 tháng trở lên và làm việc trong những doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động có ký hợp đồng 12 tháng trở lên mới được tham gia. NLĐ chỉ cần đóng bằng 1% tiền lương tháng, NSDLĐ phải đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN, ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN.

Công tác triển khai thực hiện thì đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành Lao động thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tài chính, Nội vụ và các tổ chức đại diện cho NLĐ, NSDLĐ... trong việc tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc phát sinh. Các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”, tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú, tích cực cải tiến về quy trình và chất lượng thực hiện. Việc thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định được tiến hành khá thường xuyên. Trên cơ sở đó, sau 10 năm thực hiện, chính sách BHTN đã thu được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đây là chính sách khá mới, đang trong quá trình hoàn thiện nên không tránh khỏi những hạn chế, thách thức nhất định như tỷ lệ người tham gia BHTN so với lực lượng lao động chiếm tỷ lệ thấp hay do nhận thức của một số NLĐ, NSDLĐ trong việc thực hiện chính sách BHTN chưa cao hay có hiện tượng trục lợi quỹ BHTN, gây thất thoát nguồn quỹ và mất công bằng trong thụ hưởng BHTN.

Cần nhiều biện pháp thiết thực

Đáng chú ý, hiện nay, công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của NLĐ, các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định. Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm chưa có nhân lực và cơ sở vật chất đầy đủ nên quá tải. Các trung tâm dịch vụ việc làm không có công cụ nào để nhận biết NLĐ đã có việc làm mới ở đâu hay không nên phụ thuộc vào sự trung thực của NLĐ. Đây là kẽ hở dẫn tới gian dối trong lập thủ tục, hồ sơ chi trả BHTN.

Chính vì vậy, để chính sách BHTN ngày càng toàn diện, hiệu quả và thực hiện thành công Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhiều biện pháp cần phải được tiến hành trong thời gian tới:

Một là, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của NLĐ về chính sách BHTN giúp họ ý thức được lợi ích của BHTN để tự đòi hỏi, bảo vệ quyền lợi của mình trước NSDLĐ, loại bỏ tâm lý chủ quan, ỷ lại. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phối hợp với các phương tiện truyền thông làm rõ các phương thức trục lợi, thông tin về các trường hợp bị xử lý vi phạm để người lao động biết, qua đó nâng cao sự trung thực của NLĐ trong thực hiện các quy định về BHTN.

Hai là, hoàn thiện tổng thể nội dung chính sách BHTN, sửa đổi, bổ sung thêm các giải pháp mang tính phòng ngừa của chính sách để chủ động giảm thiểu tình trạng thất nghiệp bằng cách sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng bớt khắt khe hơn, bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho NLĐ, bổ sung các giải pháp khác hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ trên cơ sở phù hợp với dự báo về nguồn Quỹ BHTN, nâng mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng để NLĐ có thể học những nghề đòi hỏi kỹ năng cao hơn, chi phí cao hơn. Bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với trường hợp NLĐ không trung thực trong khai báo tình trạng việc làm nhằm trục lợi BHTN để tạo ra tính răn đe cao hơn.

Ba là, nâng cao năng lực của các cán bộ thực hiện chính sách BHTN đặc biệt là kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, các kỹ năng mềm. Đổi mới về trang thiết bị, cách thức quản lý, giám sát quản lý của của ngành bảo hiểm xã hội, cần có sự kết nối giữa bảo hiểm xã hội với các Trung tâm dịch vụ việc làm để việc trao đổi thông tin được nhanh chóng, chính xác. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHTN như thực hiện giao dịch điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, cơ sở dữ liệu về BHTN; chia sẻ dữ liệu thu - chi và giải quyết các chế độ BHTN, tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua mạng internet…

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất tại bảo hiểm xã hội tỉnh, các đơn vị tuyển dụng lao động về tình hình thực hiện chính sách BHTN nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, đóng BHTN đúng thời gian, tránh tình trạng nợ BHTN kéo dài. Thêm vào đó, các ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xác định đúng đối tượng hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp, hạn chế kẽ hở để tránh tình trạng lạm dụng chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam