Đời sống

Nhiều tranh luận về quy định thu thập thông tin sinh trắc học của công dân

Duy Tuấn - Nguyên Thảo 25/10/2023 - 13:09

Cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận về quy định thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt.

Điều 9 Dự thảo quy định, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, tôn giáo, nơi ở tạm trú và thường trú… Đồng thời, bao gồm cả nhóm máu của người dân (khoản 12, Điều 9).

Điều 15 Dự thảo về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước quy định chúng bao gồm đa phần thông tin trong Điều 9 nói trên cùng: Thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

luubamc.jpeg
ĐBQH Lưu Bá Mạc phát biểu tại phiên họp

Trình bày ý kiến, đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản tán thành với phiên bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo luật này. Song, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 dự thảo Luật.

"Chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt khi người dân tự nguyện cung cấp, hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trưng cầu giám định. Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt tiến hành tương tự đối với thu thập ADN và giọng nói của người dân", đại biểu Lưu Bá Mạc nói.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, cần xem xét lại việc bắt buộc thu thập thông tin về nhóm máu vì "ảnh hưởng đời tư cá nhân" và không thống nhất với Luật Cư trú. Cụ thể, Luật Cư trú không bắt buộc cập nhật nhóm máu lên cơ sở dữ liệu.

nguyenminhduc.jpeg
Đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu tranh luận tại phiên họp

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…

Đại biểu Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

Hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ đang ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ có các chị em phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng đã lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp, hoặc khắc phục những nhược điểm về hình thức của bản thân.

Nhiều người nhờ phẫu thuật thẩm mỹ đã thay đổi gần như hoàn toàn dung mạo ban đầu, khác biệt rất lớn so với hình ảnh, đặc điểm nhận dạng của họ trong các giấy tờ tùy thân, trong đó có thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước đó.

Luật sư Phạm Ba Đô - Công ty Luật TNHH SJKLAW (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết: Điều 23, Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, trong đó có "Thay đổi về thông tin họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng" sẽ phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Cụ thể:

Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

d) Xác định lại giới tính, quê quán;

đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

e) Khi công dân có yêu cầu.

Như vậy, nếu phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng, khiến những người xung quanh không thể dễ dàng nhận ra gương mặt trước và sau phẫu thuật đều là cùng một người thì trong trường hợp này, công dân phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tranh luận về quy định thu thập thông tin sinh trắc học của công dân