Trước đây, nếu như suy buồng trứng thường chỉ gặp ở phụ nữ nhiều tuổi thì nay chị em tầm 25-30, thậm chí dưới 25 tuổi đã bị suy buồng trứng, y học gọi đó là suy buồng trứng sớm.
M.L.H. (27 tuổi, ở Hà Nội) kết hôn vài năm nhưng không có con. Sau khi thăm khám, bác sĩ bất ngờ nhận thấy 2 buồng trứng của chị H. đã teo hết. Các chỉ số xét nghiệm đều cho thấy tình trạng suy buồng trứng sớm rõ rệt. Cả gia đình đều sốc và bất ngờ vì tuổi của bệnh nhân còn quá trẻ, không nghĩ rằng tuổi mãn kinh của bệnh nhân lại sớm như vậy.
Bệnh nhân đã bật khóc rồi ngất lịm khi biết tin bị suy buồng trứng. Khi tỉnh lại, chị không tin vào điều đó. Chị vô cùng ân hận, day dứt, nghĩ rằng giá như mình đi khám sản phụ khoa sớm hơn thì đã được tư vấn và điều trị sớm hơn.
Tư vấn tiền hôn nhân cho những nam nữ thanh niên. Ảnh minh họa
Cũng chỉ mới 27 tuổi, P.T.T. (ở Hà Nội) cùng bạn trai đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, điều khiến cô bất ngờ đó là kết quả siêu âm, xét nghiệm cho thấy cô bị vô sinh vì cạn kiệt trứng.
Thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Phan Chí Thành - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, T. bắt đầu có kinh nguyệt từ năm lớp 7. Thời gian đầu 3-4 tháng mới có kinh một lần. Cách đây 5 năm, khoảng 6 tháng mới kinh một lần và 3 năm gần đây hoàn toàn không có kinh nguyệt. Vì bận rộn công việc cũng như nghĩ đơn giản là tình trạng này không quá nghiêm trọng nên cô không đi khám.
"Hình ảnh siêu âm không còn nang trứng, hormone dự trữ buồng trứng cũng không có, tương đương người phụ nữ mãn kinh. Bệnh nhân gần như không còn khả năng làm mẹ. Phương án duy nhất để mang thai là phải xin trứng của người khác, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người chồng", bác sĩ Thành nói.
Theo bác sĩ Thành, kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu sức khỏe của phụ nữ nhưng có một thực trạng là nhiều chị em lại đang rất chủ quan với bất thường ở kinh nguyệt. Có 2 khả năng xảy ra khi kinh nguyệt không đều. Thứ nhất là suy buồng trứng, như trường hợp của bệnh nhân trên và khả năng thứ hai, phổ biến hơn, dẫn đến kinh nguyệt không đều là do rối loạn rụng trứng.
Tình trạng này rất hay gặp ở những bạn có quá nhiều trứng, thường được gọi là buồng trứng đa nang. "Chúng ta cứ hình dung một cái cây có quá nhiều quả thì quả không to, không chín được vì không đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp này, cơ thể không thể cung cấp đủ chất để quả trứng lớn lên và chín", bác sĩ Thành phân tích.
Bác sĩ cũng lưu ý suy buồng trứng sớm không phải là bệnh lý có thể diễn ra ngay trong thời gian ngắn, những biểu hiện của bệnh kéo dài trong một khoảng thời gian. Thế nhưng, nhiều phụ nữ đến bệnh viện khi tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn, thậm chí đã chuẩn bị bước vào thời kỳ mãn kinh.
Trên thế giới, khoảng 9-24% phụ nữ bị suy giảm buồng trứng trong số trường hợp cần hỗ trợ sinh sản. Việt Nam chưa thống kê người bị suy giảm buồng trứng, nhưng gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn so với thời gian trước.
Nguyên nhân suy giảm buồng trứng có thể do gene, tốc độ thoái hóa, bệnh phụ khoa, độ tuổi. Hiện chưa có phác đồ điều trị để phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng. Để có con, người phụ nữ phải kích trứng, đông lạnh trứng, thụ tinh ống nghiệm.
Bác sĩ khuyến cáo nên sống lành mạnh, tránh căng thẳng, ăn uống đủ dinh dưỡng, hạn chế tiếp xúc hóa chất, khám phụ khoa định kỳ. Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để bác sĩ đánh giá chức năng buồng trứng người vợ và tinh trùng người chồng, từ đó cân nhắc biện pháp hỗ trợ sinh sản.