Ngày 14/3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Hội thảo là diễn đàn trao đổi để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị thuộc và trực thuộc cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, cung cấp luận cứ khoa học góp phần hoàn thiện Dự thảo nêu trên.
Hội thảo kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.
Chủ trì và điều hành Hội thảo: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu; Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh; Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật Phạm Thị Thúy Nga.
Hội thảo tập trung vào các nội dung mà đông đảo những người làm công cụ thực tiễn đặc biệt quan tâm như: Phạm vi điều chỉnh; Giải thích từ ngữ; Đánh giá mức độ mức độ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Yêu cầu bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi, của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu cho biết, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.
Theo ông Phan Chí Hiếu, các vấn đề trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được tiếp cận liên ngành, đa ngành và được xem xét đánh giá, kiến nghị từ nhiều góc độ, từ lý luận đến thực tiễn và cả kỹ thuật lập pháp.
Nhằm đảm bảo Dự thảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ thống nhất, tính khả thi phù hợp với yêu cầu thực tiễn với chi phí tuân thủ thấp. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tập hợp các ý kiến này và phản ánh tới các diễn đàn Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, cơ quan Chính phủ, nhằm góp ý đưa ra phương án sửa đổi tối ưu, thiết thực, xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi nhất.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Dự thảo thiếu tính logic và thân thiện
Đánh giá về tính logic và thân thiện của Dự thảo, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, Dự thảo thiếu tính logic cần có cho một văn bản Luật. Có khá nhiều điều có sự sắp xếp tùy hứng của những người soạn thảo.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh lấy dẫn chứng, khoản 3 Điều 116. Vì sao lại quy định quyền của người sử dụng đất trong Điều 116 được định danh là “căn cứ giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất”? Quyền của người sử dụng đất được quy định trong nhiều chương, mục, điều của Dự thảo mặc dù đã có những quy định chung về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Sự thiếu logic thể hiện ở chỗ người sử dụng bất cứ loại đất nào cũng phải được hưởng các quyền chung, tuân thủ các nghĩa vụ chung với tư cách người sử dụng đất. Tuy nhiên, dù có những quy định chung về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất như vậy song ở các quy định "Chế độ sử dụng đất” (Mục 2, Chương 13, Điều 170-183), các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất được lặp lại và gắn với loại đất cụ thể như đất làm muối, đất trồng trọt.
Khoản 2 Điều 52 nói về nhu cầu sử dụng đất. Quy định trong khoản 2 này là thiếu tính logic và không đảm bảo được tính minh bạch cần có đối với một quy phạm pháp luật. Nhu cầu không phải là căn cứ giao đất, cho thuê đất vì không thể định lượng được nhu cầu. Phải xác định đâu là căn cứ cần và đủ cho việc giao đất, cho thuê đất chứ không phải là nhu cầu. Có nhu cầu chưa chắc đã có căn cứ.
GS.TS. Lê Hồng Hạnh lấy ví dụ, một nhà đầu tư lập dự án và cho rằng họ có nhu cầu được giao, được cho thuê 100ha để thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp. Nhu cầu này có phải là căn cứ để giao đất, cho thuê đất?
GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN đánh giá Dự thảo thiếu tính logic và thân thiện
Đóng góp ý kiến cụ thể đối với các quy định tại Chương V của Dự thảo, TS. Trần Thị Thu Hương và TS. Triệu Thanh Quang, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng đồng quan điểm cho rằng, Dự thảo nhìn chung vẫn chỉ dừng lại ở một số quy định mang tính chung chung, trong đó có các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cụ thể, Dự thảo có đề cập giao cho “Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (Điều 68); giao cho "Chính phủ quy định trình tự, thủ tục lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (Điều 71); giao cho “Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (Điều 72); và giao cho "Chính phủ quy định chi tiết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp” (Điều 72).
Như vậy, hiện nay Dự thảo đang rất thiếu các nội dung quy định chi tiết, cụ thể về cơ chế thực thi việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, Dự thảo Luật chưa đưa ra quy định về quy trình, thủ tục, thời gian lập và hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho từng loại hay chưa quy định cụ thể về thời gian hoàn thành việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất.
TS.Trần Thị Thu Hương khẳng định, thiếu các quy định nêu trên, Dự thảo Luật sẽ khó đi ngay vào cuộc sống khi Quốc hội thông qua, mà sẽ phải mất thời gian chờ Nghị định, Thông tư của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, vô hình chung sẽ đã tạo ra tư duy và lối hành xử coi vai trò của văn bản hướng dẫn thi hành Luật lại quan trọng hơn Luật, bởi lý do Luật ban hành có nội dung còn rất chung chung nên không thể triển khai ngay được.
Trong khi đó, thực tiễn có không ít trường hợp nội dung của các văn bản thi hành luật ban hành sau một vài năm kể từ khi Luật có hiệu lực và thậm chí nội dung hướng dẫn thi hành mâu thuẫn với quy định của Luật. Do đó, nên chăng các quy định trong Dự thảo Luật nói chung và quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng cần cụ thể hơn và theo hướng ít giao tiếp nhiệm vụ cho Chính phủ hay các Bộ, ngành có liên quan ban hành quy định chi tiết.
Nên chăng nâng cấp Luật thành Bộ luật?
Hội thảo cũng nhận được ý kiến từ GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đặt câu hỏi "nên chăng nâng cấp Luật đất đai thành Bộ luật?"
GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, Luật đất đai giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nó ảnh hưởng đến các chủ thể trong xã hội và đủ vị thế để "nâng cấp", và nếu được "nâng cấp" thì phải được thiết kế lại và đặt ra những vấn đề như: Hiện nay có 26 Luật liên quan thì tất cả những nội dung nào thuộc chuyên ngành nội dung thì đưa vào "Bộ luật"; hiện nay có khoảng 52 Nghị định theo Luật này thì phải luật hóa để gia tăng vấn đề.
Đi theo đó là một loạt nội dung và kỹ thuật, trong đó có phần chung và phần riêng. Luật đất đai hiện nay có 236 Điều, nếu cụ thể hóa thành 300 - 400 Điều sẽ thành một "Bộ luật Đất đai" bề thế. Cùng với đó, GS.TS. Võ Khánh Vinh lấy thêm dẫn chứng nghiên cứu thực tiễn từ các nước phát triển trong lĩnh vực đất đai đều có Bộ luật.
Đồng tình với quan điểm "nâng cấp" này, PGS.TS Dương Đăng Huệ cho rằng các vấn đề liên quan đến đất đai vô cùng phức tạp và Luật Đất đai của nước ta quá nhiều lần được sửa đổi, lần sửa đổi lần này nên gắn với mục tiêu rõ ràng.
Góp ý hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều nội dung rất tiến bộ trong việc ứng dụng chuyển đổi số. Đây là điểm rất tích cực trong việc làm minh bạch và công khai thông tin về đất đai.
Tuy nhiên, cần có quy định và chế tài rõ hơn về sàn giao dịch đất đai để có đầy đủ thông tin về giao dịch đất đai làm cơ sở tham chiếu cho việc xác định giá quyền sử dụng đất; tăng cường các quy định về phối hợp cập nhật thông tin, phối hợp quản lý và chia sẻ, khai thác thông tin của sàn giao dịch và các cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về đất đai.
PGS.TS Dương Đăng Huệ đồng tình với ý kiến nâng cấp Luật Đất đai thành Bộ luật
Tại Hội thảo, có nhiều ý kiến khác nhau, cũng như những định nghĩa mới về "quyền sở hữu" được đóng góp từ các chuyên gia, luật sư, nhà quản lý.
Tinh thần chung của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo đều thống nhất cao rằng, Luật Đất đai liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và có thể coi như một đạo luật gốc trong vấn đề quản lý Nhà nước về đất đai.
Giải quyết đúng chính sách pháp luật đất đai không chỉ tạo môi trường ổn định, minh bạch, giải phóng được tiềm lực đất đai, mà còn góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các quyền lợi chính đáng của người dân, đó chính là tiền đề để chúng ta có thể phát triển kinh tế - xã hội.