Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhiều khó khăn "bủa vây" ngành thép trong quý III

Trang Nhi 21/08/2023 - 08:20

Trong những tháng trong quý III, ngành thép còn "lao đao" khi quý này thị trường xây dựng bước vào tháng ngâu và mùa mưa.

Hoạt động sản xuất và bán hàng thép trong tháng 7 bắt đầu có cải thiện, tuy nhiên, mức độ phục hồi không quá nhiều.

nganh-thep-quy-3.jpg
Quý III có tháng "cô hồn" và bước vào mùa mưa khiến thị trường xây dựng gặp nhiều khó khăn, đẩy ngành thép vào thế "khó".

Tưởng chừng ngành thép sẽ giữ đà phục hồi nhẹ đó ở các tháng tiếp theo, tuy nhiên, ngành thép sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn trong những tháng trong quý III khi thị trường xây dựng bước vào mùa mưa và “tháng cô hồn”. Đây được xem là “cơn ác mộng” của ngành thép mỗi năm vào quý III bởi theo quan niệm của nhiều người Việt Nam, họ kiêng xây nhà, mua xe... trong tháng 7 âm lịch. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều khiến hoạt động xây dựng bị cản trở. Do đó, cuối quý III, đầu quý IV ngành thép mới phục hồi.

“Xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới”, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định.

Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định quý III sẽ là quý đầy thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất thép khi giá bán trung bình thấp hơn và lực cầu dự kiến sẽ yếu do mùa mưa. Giá đầu vào dự kiến tăng và biên lợi nhuận cũng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhẹ. Tổng lượng tiêu thụ thép có thể giảm 9% so với quý II xuống 5,8 triệu tấn. Kênh xuất khẩu có thể là điểm tựa cho các nhà sản xuất thép Việt Nam trong quý III/2023 khi nhu cầu trong nước được dự báo sẽ chững lại.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng giá xuất khẩu bình quân trong quý III có thể thấp hơn so với quý II do giá HRC ở hầu hết thị trường đều điều chỉnh khoảng 20% so với đỉnh hồi đầu năm. Giá thép giữa Mỹ/Châu Âu so với châu Á ngày càng thu hẹp từ khoảng 350 - 700 USD/tấn vào cuối tháng 4 xuống còn 140 - 340 USD/tấn ở thời điểm hiện tại. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận kênh xuất khẩu trong thời gian tới.

Ngoài ra, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc, với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 51,2 triệu tấn, nhờ lượng thép tồn kho của Trung Quốc tăng và đồng Nhân Dân Tệ suy yếu.

Sự phục hồi kém so với kỳ vọng của cầu thép Trung Quốc là rất rõ ràng khi các doanh nghiệp thép của nước này đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu và hạ giá để cạnh tranh gây áp lực cho giá bán thép thế giới. Cùng với nhu cầu yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới, giá thép xây dựng đã hạ liên tiếp trong quý II sau khi tăng vào quý I.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khó khăn "bủa vây" ngành thép trong quý III