Có những dự án đội vốn hàng ngàn tỷ đồng, nếu không được triển khai tiếp sẽ có nguy cơ 32.000 tỷ đồng đã đầu tư mất trắng…là thực trạng mà lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nêu ra tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 23/7 vừa qua.
“Đại bản doanh” của những dự án chậm tiến độ
Bộ Công thương được biết đến như một “đại bản doanh” của những dự án chậm tiến độ, đội vốn lến hàng ngàn tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết: Dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32.000 tỉ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%... Nhưng hiện tại dự án này đang gặp khó khăn, chậm tiến độ do dòng tiền rót vào chậm có thể ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Hơn nữa do dự án đang gặp khó khăn nên nhiều lao động đã xin nghỉ, từ 800 người còn lại khoảng 400 người.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN cũng cho hay, nếu không có tiền, nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ phải đóng cửa trong một vài tháng tới. Nguyên nhân do trong quá trình làm, tổng thầu là Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) có nhiều sai phạm hình sự, nhiều người bị khởi tố, bắt giam. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều hành của tập đoàn như thiếu nhân sự làm việc, không ai dám quyết cái gì vì sợ trách nhiệm. Về nguyên tắc, khi dự án liên quan đến các vấn đề khởi tố, ngay lập tức các ngân hàng sẽ đóng tín dụng, dự án không thể vay được nữa.
Theo ông Thanh, hiện nay PVC đang khó khăn vì dính rất nhiều dự án khác. Tuy nhiên, nếu PVN thay tổng thầu của Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ còn nguy hiểm hơn bởi ai sẽ làm dự án, trong khi đang rất khó khăn, không có tiền trả lương cán bộ. Vì vậy, đề nghị các bộ, ngành cần nhanh chóng đưa ra hướng xử lý cho dự án, nhất là cơ chế tài chính. Bởi nếu không có quyết sách sớm thì 32.000 tỷ đồng nằm đấy, mỗi ngày dự án chịu lãi suất 6 tỷ đồng, đau xót và lo lắng vô cùng.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn là dự án rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện. Nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo tại công trường nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 ngày 23/7
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Nhiệt điện Thái Bình 2 còn nhiều việc phải làm, bao gồm việc rà soát, khẳng định lại các phương án kỹ thuật tương ứng với cơ cấu vốn đầu tư thay đổi; kế hoạch, giải pháp nhằm đảm bảo năng lực của PVN. PVN cũng cần chịu trách nhiệm về các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác... khi đề xuất được thông qua. PVN phải có phương án ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu khi nhà máy chạy thử và đi vào vận hành. Đồng thời, cơ cấu kiện toàn lại PVC, tránh những hệ luỵ từ các dự án khác, ràng buộc trách nhiệm của PVC với nguồn vốn tăng thêm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các bộ nên gửi ý kiến về vấn đề nêu trên để Bộ Công thương tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ dựa trên các đề xuất của PVN. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài cũng như Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho dự án.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN lưu ý PVN cần đánh giá lại nghiêm túc khoản tiền 32.000 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án; đồng thời tính toán phương án xử lý nguồn vốn tăng thêm để phù hợp thực tế và có hiệu quả. Tuy nhiên, ông cho biết, Ủy ban ủng hộ phương án rót thêm vốn cho dự án theo đề nghị của PVN để tiếp tục triển khai dự án.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án đã có nhiều sai phạm trong thanh quyết toán của tổng thầu, gây thất thoát của Nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng. Đồng thời khiến nhiều cán bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị khởi tố và bắt giam.
Sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước
Liên quan đến các dự án điện, cách đây không lâu (ngày 17/7), tại cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cũng đã đề cập đến 47 dự án chậm tiến độ của Bộ này.
Theo đó, hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: Các dự án do các tập đoàn nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án phát điện độc lập (IPP). Tuy nhiên, trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW nằm trong Quy hoạch điện VII thì chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ làm rõ những vướng mắc và xác định nguyên nhân chậm tiến độ và xem xét trách nhiệm từng người, từng đơn vị. Những dự án án chậm tiến độ, dự án trọng điểm, Bộ sẽ thành lập tổ công tác trực tiếp theo dõi, giám sát chỉ đạo, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung giải quyết vướng mắc và cần có cơ chế giải quyết.
Những dự án chậm tiến độ của Bộ Công Thương nói riêng và các dự án chậm tiến độ nói chung có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra, trong đó đội vốn là điều khó tránh. Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, nợ công tăng cao và áp lực trả nợ lớn, việc tháo gỡ những khó khăn về vốn rất cần sự tính toán và cân đối kỹ càng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, nợ công tính đến 31/12/2018 của Việt Nam ở mức 58,4% GDP. Dự kiến nợ công năm 2018 là 58,4% GDP; nợ Chính phủ là 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách là 15,9%. Nợ nước ngoài quốc gia là 46% GDP...
Tình hình nợ công của Việt Nam được đánh giá là vẫn trong giới hạn và có diễn biến khả quan, do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. Việt Nam điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.
Với mức nợ sắp đụng trần như hiện nay, để rút ngắn khoảng cách, không còn cách nào khác là quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công để tránh đội vốn, mất vốn, chậm tiến độ…bởi đây là những lĩnh vực phải đầu tư nguồn tiền ngân sách rất lớn.