Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong nửa đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH); thế nhưng, tại nhiều địa phương công tác phòng, chống bệnh này còn rất lơ là...
Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình, các hoạt động phòng chống dịch bệnh SXH vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc SXH (trong đó có hơn 50.000 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số ca nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng 3 trường hợp.
Số ca mắc SXH nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hiện có 61 tỉnh, thành ghi nhận có trường hợp mắc SXH; 26 tỉnh, thành có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng báo cáo tình hình dịch SXH. Ảnh: Thảo Nguyên
Về nguyên nhân khiến dịch SXH tăng mạnh, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ nhà ở và dân cư đông đúc, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh. Cùng với đó, thời tiết có thay đổi (biến đổi khía hậu): mùa hè đến sớm ở miền Bắc, mùa mưa đến sớm ở miền Nam, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.
Theo ông Phu, qua kiểm tra tại thực địa một số địa phương cho thấy công tác phòng chống SXH tại địa phương đã được triển khai kịp thời nhưng chưa được triệt để. Khi kiểm tra trong các hộ gia đình vẫn còn dụng cụ có lăng quăng muỗi truyền bệnh SXH và có nhiều dụng cụ chứa nước đọng như bình bông, chai, lọ, cây cảnh, đồ nhựa phế thải, bể chứa… còn một tỷ lệ lớn các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch, đặc biệt khu nhà trọ của công nhân đi làm theo ca nên không thực hiện việc diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi.
"Năm nay, các địa phương đã có cố gắng, quyết liệt hơn trong việc chủ động phòng chống dịch SXH, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM sau những bài học thấm thía về SXH (ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội; bệnh viện quá tải bệnh nhân khi dịch xảy ra...). Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng "trên nóng dưới lạnh"; xử lý dịch chưa triệt để, chưa đến được tận người dân; cũng như có nơi chính quyền địa phương cũng chưa có sự quan tâm đúng mức", ông Phu cho hay.
Cũng theo ông Phu, về phía Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn kiểm tra 14 tỉnh trọng điểm; sử dụng hệ thống định vị toàn cầu trong giám sát trường hợp mắc bệnh SXH tại TP.HCM; ngoài ra còn có đoàn tự hình thành như đoàn của Bộ trưởng, Thứ trưởng. Đã có khoảng 4000 đoàn đi kiểm tra trên cả nước, chính vì vậy mới nắm sát được tình hình dịch diễn ra như thế nào.
Để có thể hạn chế tình hình bệnh lây lan và bùng phát mạnh, ngành y tế tiếp tục chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để; phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn, triển khai các hoạt động chỉ đạo tuyến đối với công tác dự phòng và điều trị; đẩy mạnh việc xử phạt đối với cá nhân, hộ dân không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng tỷ lệ tiêm chủng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin viêm não...