Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt COVID-19

Trang Nhi - Kim Truyền| 13/09/2021 15:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài tại Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao nhiều quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ đã hỗ trợ DN kịp thời trong thời gian gần đây.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình mới

Những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

1(1).png

Nhiều chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ DN vượt đại dịch và thích ứng an toàn trong điều kiện “bình thường mới”.

Đặc biệt, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đối tượng áp dụng là các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực cụ thể cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; cũng như các DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; và cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hay như Nghị định 52/2021/NĐ-CP có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2020 và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 5/9/2020 về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp DN có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.

2(1).png

Duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh là mục tiêu của các DN.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang áp dụng việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành hàng không (số tiền ước tính giảm khoảng 900 tỷ đồng); cho phép tính vào chi phí được trừ của DN, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN áp dụng cho năm 2020 và 2021 (ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng/năm); giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin DN, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động; giảm phí liên quan thành lập, công bố thông tin DN, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… Tất cả đã có tác động khá tích cực đến hoạt động của DN và phù hợp với các cam kết, xu hướng chung quốc tế.

Đáng chú ý, Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra…

Ngoài ra, còn nhiều chính sách hiệu quả khác được thực hiện như: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp của bộ, ngành, chuyên gia

Với tinh thần chủ động, triển khai tích cực, đồng bộ của hệ thống chính trị nên công tác hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ đã được triển khai kịp thời, cơ bản đúng đối tượng và thời gian; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng còn hạn chế, do khoảng trống giữa chính sách và thực thi. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất, các chính sách trợ giúp doanh nghiệp cần phải tách bạch rõ ràng giữa chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ người lao động khó khăn, mất việc) với chính sách tăng cường năng lực dựa trên khả năng hấp thụ vốn, gói hỗ trợ của doanh nghiệp.

3(1).png
Bên cạnh việc phòng chống dịch, các doanh nghiệp cần thiết lập “vùng xanh doanh nghiệp” trong sản xuất.

Ngoài ra, các chính sách về tài khóa như thuế, tín dụng, hỗ trợ hạ lãi suất, giãn nợ cho khu vực sản xuất kinh doanh cần được cam kết mạnh mẽ hơn và sớm đến tay doanh nghiệp. Có như vậy, mới giúp doanh nghiệp cầm cự, vượt qua khó khăn hiện tại và phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp trọng tâm hiện nay là đảm bảo đủ nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng máy móc cho sản xuất cùng với hỗ trợ tiền điện, xăng dầu, giảm chi phí logistics, lưu kho bãi cho doanh nghiệp và đẩy mạnh kết nối giao thương để doanh nghiệp khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do, đồng thời nhanh chóng tiếp cận những thị trường xuất khẩu mới.

Trong tình hình dịch bệnh, song song với việc chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho nhân dân, các doanh nghiệp cần thiết lập các “vùng xanh doanh nghiệp” trong sản xuất, cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn phòng dịch được mở rộng phát triển, phát huy tối đa năng lực, công suất sản xuất để kịp đơn hàng giao theo hợp đồng và bù đắp lại sự ngưng trệ sản xuất trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt COVID-19