Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hậu COVID-19

Trang Nhi| 24/11/2021 14:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc gỡ vướng mắc trong chính sách được coi như “máy trợ thở” giúp các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vượt “bão” COVID-19...

Trợ lực quan trọng từ hàng loạt chính sách thông thoáng

Thị trường địa ốc đang đứng trước cơ hội vàng để phục hồi, khi dịch bệnh được kiểm soát, quá trình tiêm vaccine trên diện rộng đang xúc tiến nhanh chóng, các hoạt động sản xuất kinh doanh mở cửa trở lại, nhiều giải pháp kích thích nền kinh tế được Chính phủ chuẩn bị triển khai, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và dòng tiền dồi dào vẫn đang chuẩn bị đổ vào thị trường. Đáng chú ý, một trong những trợ lực lớn cho sức bật của thị trường bất động sản là nhiều thủ tục pháp lý được tháo gỡ mạnh mẽ.

anh-1.-doanh-nghiep-bds.jpg
Tháo gỡ vướng mắc trong chính sách sẽ giúp doanh nghiệp BĐS vượt “bão”.

Nhiều chính sách đang được cơ quan chức năng đẩy mạnh để tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý. Cuối năm nay sẽ có 2 văn bản pháp lý có thể được ban hành là nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh hoạt động BĐS và nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS. Bên cạnh đó, một số điều khoản quy định của của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ được Bộ Xây dựng sửa đổi trong cuối năm tới. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói.

Mới đây, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng sử dụng đất; hỗ trợ, miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Đồng thời UBND TP.HCM kiến nghị cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại (không phải làm nhà ở)…

anh-2.-doanh-nghiep-bds.jpg
Nhiều địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN BĐS.

Bên cạnh đó, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

Đồng thời, cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo kinh doanh bất động sản minh bạch và lành mạnh. Đây là tín hiệu tốt cho cả người bán lẫn người mua khi hàng loạt nút thắt được gỡ bỏ, hàng trăm dự án ách tắc được cởi trói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sẽ có nhiều chính sách mở thông thoáng hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thực tế cho thấy trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ bùng nổ.

Tạo đòn bẩy để thị trường bất động sản hồi phục

Ở góc độ nhà quản lý, ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý nhà - Thị trường BĐS, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), nhận định, các DN, nhà đầu tư BĐS luôn có sự thích ứng nhanh để duy trì đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận bên cạnh sự thích ứng linh hoạt của DN cũng cần sự đồng hành, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành để giúp thị trường sớm hồi phục.

Nhiều địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ DN BĐS triển khai dự án thuận lợi.

Chẳng hạn, TP. Cần Thơ đã tạo hành lang pháp lý, bình đẳng trong thu hút đầu tư, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở. Sở Xây dựng cũng tăng cường quản lý sàn giao dịch BĐS trên địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công bố thông tin dự án đầu tư nhà ở, khu đô thị đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đẩy nhanh vốn đầu tư công.

Hay như TP. Đà Nẵng đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để giải quyết nhanh cho công dân và DN. Ngoài các giải pháp công khai hệ thống thông tin về đất đai, kế hoạch, tiến độ… thì Đà Nẵng cũng thường xuyên đối thoại với nhà đầu tư, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, điều chỉnh cơ cấu nhà ở cho phù hợp thị trường, công bố quá trình xem xét thủ tục hành chính. Khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích.

Bên cạnh đó, để giúp doanh nghiệp khôi phục và ổn định lại thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề xuất, trước mắt Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ xấu hơn cho các khách hàng. Quan trọng nhất là xem xét cho doanh nghiệp bất động sản, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, tạo điều kiện cho họ phục hồi sản xuất kinh doanh và người mua nhà vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng trong chương trình phục hồi kinh tế trung hạn, thị trường bất động sản phục hồi sẽ là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cần các nhóm chính sách khơi thông môi trường đầu tư, kinh doanh, pháp lý... để các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hậu COVID-19