Nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt “bão” Covid - 19

Đỗ Việt| 26/05/2021 07:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Nhà nước đã có nhiều chính sách hữu ích nhằm hỗ trợ các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19

Giảm 10% giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh: Đối với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh: Giảm 10% giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định 648/QĐ-BTC ngày 20/3/2019 ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm.

Đối với giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại - dịch vụ - sinh hoạt, giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 đến bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác tại Quyết định 648/QĐ-BCT.

wcms_741474-1-.jpg
Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid - 19

Đối với giá bán buôn điện cho các khu công nghiệp, giá bán buôn điện cho chợ, giảm 10% giá bán buôn điện so với biểu giá bán buôn điện tại Quyết định 648/QĐ-BCT.

Hỗ trợ về vốn: Ngay từ giai đoạn dịch bệnh chưa ảnh hưởng nặng nề như hiện nay, Thủ tướng đã có Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hỗ trợ về thuế: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn; Tổng cục Thuế đã có Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Công văn 897/TCT-QLN hướng dẫn trường hợp được gia hạn nộp thuế sau: "Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ". Hồ sơ, thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế được thực hiện theo khoản 3 Điều 31 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng: Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT- NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, TCTD, chi nhánh NH nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với khách hàng mà:

Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kề từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất: BHXH Việt Nam đã ban hành công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6/2020 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp.

Theo đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 và Điều 28 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015.

Bên cạnh đó, BHXH không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020.

Được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động: Chính phủ ban hành Ngị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Về chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, hộ kinh doanh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ được áp dụng cho nhiều đối tượng người lao động, hộ kinh doanh cá thể, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo…

luat-su-truong-quoc-hoe.jpg
Luật sư Trương Quốc Hòe

Đánh giá tổng thể về hiệu quả của các chính sách ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ năm 2020, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hiệu quả của các chính sách hỗ trợ là khác nhau, trong đó, có một số chính sách đã phát huy tác dụng tốt, có tính thực tiễn và hữu ích đối đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

“Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới. Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ đứng trước nguy cơ phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động. Do đó, chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu. Nghị định 52/2021/NĐ-CP sẽ giúp nhiều đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 có nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh”, luật sư Hòe nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua đại dịch?

Từ đầu năm 2020 tới nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung gặp nhiều trở ngại do đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những khó khăn đang tiếp diễn trong năm 2021 buộc doanh nghiệp phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng. Trong bối cảnh đó vẫn có nhiều doanh nhân thành công nhờ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thời cơ để đưa doanh nghiệp của mình vượt "bão" Covid-19, ổn định lao động - việc làm, giữ vững vị thế thương hiệu, đạt được tăng trưởng và lợi nhuận đáng khích lệ.

Theo thông tin từ một số hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị kinh doanh mặt hàng ăn uống và nước giải khát tại TP.HCM cho thấy, từ tháng 5/2021 đến nay, khi dịch COVID-19 có tín hiệu bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước thì đơn hàng online, mua sắm qua ứng dụng gọi xe công nghệ tăng gấp từ 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đơn hàng của người dân tại TP.HCM tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng giải nhiệt mùa hè như: rau củ, quả, thực phẩm tươi sống, nước giải khát pha sẵn các loại, thức ăn nhanh, đồ ăn vặt...

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp muốn vượt “lũ” thì cần phải có sự ứng phó linh động và điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thật sự gắn kết, chia sẻ lẫn nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần giữ được đội ngũ nhân viên, nhất là nguồn lực nhân sự cao cấp để chuẩn bị cho tương lai khi nền kinh tế trong đà phục hồi trở lại. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để tạo đột phá trong phát triển, đồng thời có những chuỗi cung ứng riêng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt “bão” Covid - 19