Nhiều câu hỏi phía sau vụ làm giả giấy tờ đất tại Phú Quốc

Toàn Vũ| 25/10/2019 10:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ nguồn gốc đất, nhưng Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho rằng hành vi này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo phản ánh, từ 1992, gia đình ông Lê Ngọc Hợp (khu phố 4, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đã khai khẩn được một diện tích đất để trồng điều và sử dụng ổn định đến nay.

Đầu năm 2019, ông Hợp phát hiện ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM) nộp hồ sơ xin chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với thửa đất của ông Hùng. Trong số giấy tờ ông Hùng xuất trình cơ quan chức năng có “Biên bản xác minh nguồn gốc” (gồm 2 trang giấy) đứng tên ông Hùng, có chữ ký xác nhận của một số người, trong đó có chữ ký và con dấu của ông Huỳnh Văn Hạnh (Chủ tịch UBND thị trấn An Thới) ký xác nhận ngày 12/1/2004.

Cho rằng ông Hùng dùng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục cấp sổ đỏ nhằm chiếm đất, ông Hợp tố cáo vụ việc đến cơ quan Công an.

Mới đây, tại văn bản trả lời ông Hợp, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc xác định, ông Hùng đã có hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ nguồn gốc đất để làm thủ tục hợp thức hóa quyền sử dụng đất.

Nhiều câu hỏi phía sau vụ làm giả giấy tờ đất tại Phú Quốc

Phần đánh máy được thêm vào sau khi được xác nhận

Cụ thể, CQĐT đã làm việc với ông Huỳnh Văn Hạnh (Chủ tịch UBND An Thới thời kỳ 2004) và được ông Hạnh thừa nhận là “Biên bản xác minh nguồn gốc” mà ông Hạnh ký xác nhận cho ông Hùng ngày 12/1/2004, trang thứ 2 không có đoạn văn bản đánh bằng máy đánh chữ.

Tại “Biên bản xác minh nguồn gốc” trên, phần nội dung đánh máy qua liên giấy than có nội dung “đường Nguyễn Văn Cừ là 185m”. Tuy nhiên ông Hạnh khẳng định nội dung này đã được đánh thêm vào sau khi ký xác nhận, vì năm 2004 vẫn chưa có đường Nguyễn Văn Cừ, thời điểm này vẫn là đường “Tỉnh lộ 14”. Đến 2007 UBND tỉnh Kiên Giang mới có quyết định đặt tên đường là Nguyễn Văn Cừ.

CQĐT cũng đã làm việc với ông Ngô Văn Minh, cán bộ địa chính UBND thị trấn An Thới, người có chữ ký trong Biên bản trên với tư cách thư ký. Ông Minh cho biết khi ghi Biên bản của ông Hùng, ông chỉ viết tay chứ không đánh máy. 

Ngoài làm việc và lấy lời khai với những người đã từng ký xác nhận trên, CQĐT cũng đã có văn bản đề nghị Văn phòng Công chứng Phú Quốc cung cấp thông tin liên quan đến hồ sơ chứng thực sao y hồ sơ nguồn gốc đất của ông Hùng năm 2017.

Theo thông tin mà chúng tôi có được thì văn bản “sao y bản chính” của tờ “Biên bản xác minh nguồn gốc” mang tên ông Hùng không hề có nội dung xác nhận nguồn gốc đất (đánh bằng máy đánh chữ) như “Biên bản” ông Hùng xuất trình sau này.

Trong khi đó, nhiều tài liệu khác thể hiện một phần diện tích nêu tại “Biên bản” trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Lê Ngọc Hợp khai khẩn từ 1992, như: Xác nhận của ông Nguyễn Trung Nghĩa (Chủ tịch thị trấn An Thới) ngày 23/7/2010 vào “Đơn xin xác nhận thành quả lao động” của ông Hợp; Xác nhận của ông Trần Văn Lợi, ông Lê Hữu Hoàng (hộ giáp ranh) về việc ông Hợp là người khai phá thửa đất từ 1992 đến nay.

Nhiều câu hỏi phía sau vụ làm giả giấy tờ đất tại Phú Quốc

Văn bản trả lời của cơ quan Công an

Tuy xác định ông Hùng đã có hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ nguồn gốc đất để làm thủ tục hợp thức hóa quyền sử dụng đất; nhưng CQĐT Công an huyện Phú Quốc cho rằng hành vi này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Công an cho rằng hành vi vi phạm quy định tại Điều 28, Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai nên sẽ chuyển hồ sơ đến UBND thị trấn An Thới để xử lý theo thẩm quyền.

Trước diễn biến trên, một số luật sư cho rằng, để xác định vụ việc trên có dấu hiệu hình sự hay không thì CQĐT cần xem xét mục đích của việc “sửa chữa”, thêm nội dung xác nhận trên giấy tờ trên là gì? Người sửa chữa dùng giấy tờ này để rao bán đất hay kê khai hợp thức hóa quyền sử dụng đất của người khác? Mục đích này đã đạt được hay chưa? Ai là bị hại trong vụ việc?

Một số ý kiến khác lại cho rằng, có thể CQĐT xác định vụ sửa chữa tài liệu này chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa có bị hại nên cho rằng vụ việc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu hành vi trên bị xử phạt theo Điều 28, Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì cơ quan ra quyết định xử phạt phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc hủy bỏ giấy tờ giả”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều câu hỏi phía sau vụ làm giả giấy tờ đất tại Phú Quốc