Bộ Tài chính vừa có văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến của một số bộ ngành về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31/12/2030.
Trước đó, Bộ Tài chính đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với Dự thảo về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội.
Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được quy định tại các Nghị quyết nêu trên đến hết ngày 31/12/2030; đề xuất Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Đồng thời Chính phủ sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Được biết, ngày 18/12/2024, Bộ Tài chính đã có công văn gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị quyết này, đồng thời đăng tải dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Sau đó Bộ này đã nhận được ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự án Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Bộ Tài chính, hầu hết các ý kiến tham gia đều nhất trí đối với hồ sơ dự án Nghị quyết. Tuy nhiên, có 04 ý kiến tham gia góp ý thêm.
Cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung và làm rõ trong Tờ trình Chính phủ nội dung về nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành Nghị quyết sau khi được ban hành bảo đảm không làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế (người hưởng lương từ ngân sách nhà nước ) theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết có quy định: “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ”. Về vấn đề này Bộ Công an đề nghị làm rõ nội dung cần hướng dẫn, quy định chi tiết.
Bộ công an cũng đề nghị đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật (tích cực, tiêu cực) theo quy định Luật Ban hành VBQPPL. Đồng thời tiếp tục rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án Nghị quyết và đánh giá sự phù hợp, đề xuất xử lý.
Về ý kiến góp ý của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cho biết: Tại dự thảo Tờ trình dự kiến nguồn lực thi hành Nghị quyết là nguồn lực về tài chính, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua (gồm các hoạt động: ban hành văn bản quy định chi tiết; chỉ đạo, đôn đốc thi hành; tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết) không có nội dung làm tăng thêm đầu mối tổ chức và biên chế theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Về ý kiến của Bộ Công an, theo Bộ Tài chính, chính sách miễn thuế SDĐNN hiện hành đang được thực hiện tại các Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 của Quốc hội. Để hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết trên, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 20/2011/NĐ-CP, Nghị định số 21/2017/ND- CP và Nghị định số 146/2020/NĐ-CP.
Cũng theo Bộ này, để triển khai thực hiện Nghị quyết, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thu thuế trong việc tra cứu và áp dụng văn bản, cần thiết bổ sung quy định giao "Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ”. Bộ Tài chính cũng khẳng định đã đã rà soát, đánh giá các VBQPPL có liên quan tại Báo cáo rà soát chính sách miễn thuế SDĐNN.