Năm học 2017-2018, ngành giáo dục thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chung của toàn ngành thì bậc giáo dục Tiểu học cần tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học tới.
Tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT
Trên cơ sở đánh giá một năm thực hiện, các cấp quản lí và các cơ sở giáo dục tiểu học cần rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế (nếu có). Các địa phương tiếp tục hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên về kĩ thuật đánh giá thường xuyên học sinh theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lí kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.
Ảnh minh họa.
Lựa chọn và triển khai các thành tố tích cực của các mô hình giáo dục tiên tiến, các phương pháp dạy học tích cực của một số nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển
Các địa phương cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các mô hình, các phương pháp dạy học tích cực như: mô hình trường học mới, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học Mĩ thuật mới, dạy học theo Tài liệu Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục, thư viện thân thiện,... một cách linh hoạt, phù hợp và hiệu quả; không áp đặt một cách máy móc, khiên cưỡng.
Kiên quyết không triển khai các phương thức giáo dục, phương pháp dạy học nêu trên ở những cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các điều kiện đảm bảo.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, Tin học, đặc biệt là tiếng Anh
Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai tốt việc dạy và học Ngoại ngữ, Tin học, đặc biệt là tiếng Anh để chuẩn bị tốt cho việc triển khai các môn học này với tư cách là môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, góp phần tích cực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện để hội nhập sâu với khu vực và quốc tế. Thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục an ninh, quốc phòng trong một số môn học.
Hướng dẫn các địa phương tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành một cách hợp lí
Các địa phương cần hướng dẫn và tập huấn tốt cho giáo viên theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc tinh giản, lược bớt những nội dung trùng lặp, không phù hợp đối với học sinh tiểu học; không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả,... nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới công tác quản lí giáo dục
Các địa phương cần tích cực đổi mới hơn nữa công tác quản lí, quản trị trường học, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nhà giáo; mỗi thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo. Kiên quyết “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Các cấp quản lí giáo dục tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu với lãnh đạo địa phương để ban hành các chính sách liên quan đến phát triển giáo dục theo thẩm quyền, phù hợp với hệ thống văn bản chỉ đạo của Chính phủ về giáo dục và của ngành.
Các sở GD-ĐT cần tích cực, chủ động tham mưu với lãnh đạo tỉnh để có Nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục của địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm đến xây dựng kế hoạch đầu tư, tăng cường các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất,... chuẩn bị thực hiện chương trình sách giáo khoa mới; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; củng cố vững chắc kết quả PCGDTH, trường đạt chuẩn quốc gia, học sinh học 2 buổi/ngày; giảm thiểu tối đa tỉ lệ học sinh bỏ học, khắc phục triệt để tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp”.
Các sở GD-ĐT chủ động thực hiện và chỉ đạo các cấp quản lí và cơ sở giáo dục tiểu học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí, chỉ đạo điều hành và triển khai Chính phủ điện tử theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông; hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lí Nhà nước về giáo dục tiểu học.
Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp
Các cấp quản lí giáo dục tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục một cách phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân, tránh tình trạng sau quy hoạch không đảm bảo các yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Các Sở GD-Đ, Phòng GD-ĐT cần chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng và quản lí tốt môi trường giáo dục dân chủ, an toàn và thân thiện. Ảnh HN.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông
Các sở GD-ĐT quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông giáo dục để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới về giáo dục tiểu học; xây dựng kế hoạch truyền thông, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài địa phương, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội.
Tăng cường viết và đưa tin, bài về các hoạt động của Ngành, nhất là các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến của cấp học để lan tỏa, khích lệ các thầy cô giáo, các em học sinh phấn đấu, vươn lên.
Tiếp tục xây dựng và quản lí môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng
Các Sở GD-Đ, Phòng GD-ĐT cần chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng và quản lí tốt môi trường giáo dục dân chủ, an toàn và thân thiện.
Các địa phương cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống, kĩ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại, bạo lực; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe và y tế trường học,...
Mỗi địa phương cần chỉ đạo điểm, xây dựng một số trường tiểu học thật sự tiêu biểu, điển hình từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng theo từng năm. Khuyến khích các địa phương có điều kiện mạnh dạn áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến và có thể liên kết, nhập khẩu chương trình, nội dung giáo dục của các nước có nền giáo dục phát triển. Bộ GD-ĐT sẵn sàng hỗ trợ các địa phương kết nối và hướng dẫn triển khai thực hiện những hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục.
Từ năm học 2017-2018, mỗi trường tiểu học trên cả nước, từng bước phải tạo ra được diện mạo mới, một bước tiến mới, một dấu ấn mới, một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng, tạo ra một “Thương hiệu riêng” của nhà trường để các em học sinh thấy hạnh phúc, tự hào về ngôi trường của mình và luôn cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.