Luật Tổ chức TAND được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015. So với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì Luật Tổ chức TAND năm 2014 có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán.
Thẩm phán tại phiên tòa xét xử. Ảnh minh họa
Điều 74 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm”.
Có thể hiểu nhiệm kỳ của Thẩm phán là khoảng thời gian từ khi quyết định bổ nhiệm Thẩm phán có hiệu lực đến khi hết thời hạn bổ nhiệm theo quy định.
Thời hạn bổ nhiệm Thẩm phán theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 có hai loại: 05 năm và 10 năm. Thời hạn bổ nhiệm lần đầu hay còn gọi là nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 05 năm. Thời hạn bổ nhiệm lần tiếp theo hay còn gọi tái bổ nhiệm là 10 năm. Đối với loại thời hạn của nhiệm kỳ 10 năm còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Xung quanh vấn đề này, hiện nay có 02 quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán được hiểu là nhiệm kỳ đầu tiên được bổ nhiệm làm Thẩm phán. Trường hợp hết nhiệm kỳ và được xem xét, bổ nhiệm lại (hay còn gọi là tái bổ nhiệm) vào ngạch Thẩm phán cũ hoặc bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán mới (bất kể ngạch nào trong 04 ngạch Thẩm phán: Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao) thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A được bổ nhiệm lần đầu làm Thẩm phán sơ cấp, nhiệm kỳ 05 năm kể từ ngày quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Hết nhiệm kỳ, ông Nguyễn Văn A được bổ nhiệm lại làm Thẩm phán sơ cấp hoặc được bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp (do ông Nguyễn Văn A trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp), thì nhiệm kỳ Thẩm phán lần này của ông Nguyễn Văn A là 10 năm.
Quan điểm thứ hai: Nhiệm kỳ đầu được hiểu là nhiệm kỳ của Thẩm phán được bổ nhiệm vào một ngạch Thẩm phán nhất định (Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán TANDTC), là lần đầu tiên được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán này. Khi hết nhiệm kỳ và được xem xét, bổ nhiệm lại vào ngạch Thẩm phán cũ thì nhiệm kỳ là 10 năm. Còn nếu được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ là 05 năm. Vì đây là ngạch Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu, coi như đã chuyển sang ngạch Thẩm phán khác, là nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán ở ngạch Thẩm phán mới. Khi hết nhiệm kỳ của ngạch Thẩm phán này và được xem xét bổ nhiệm lại vào chính ngạch Thẩm phán đó thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Ví dụ: Bà Phạm Thị B được bổ nhiệm lần đầu làm Thẩm phán sơ cấp, nhiệm kỳ 05 năm kể từ ngày quyết định bổ nhiệm có hiệu lực. Khi hết nhiệm kỳ, bà Phạm Thị B được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán trung cấp (do bà Phạm Thị B trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp) thì nhiệm kỳ vẫn là 05 năm. Khi hết nhiệm kỳ Thẩm phán trung cấp, bà Phạm Thị B tiếp tục được bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thì nhiệm kỳ tiếp theo của Thẩm phán trung cấp đối với bà Phạm Thị B là 10 năm. Trường hợp bà Phạm Thị B được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán cao cấp (do trúng tuyển thì thi nâng ngạch Thẩm phán cao cấp) thì nhiệm kỳ Thẩm phán cao cấp đối với bà Phạm Thị B là 05 năm.
Tác giả bài viết nghiêng về quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ, nhiệm kỳ của Thẩm phán được biểu là nhiệm kỳ gắn với một người cụ thể nào đó, chứ không phải gắn với ngạch Thẩm phán. Không có văn bản nào quy định hoặc giải thích nhiệm kỳ của Thẩm phán là nhiệm kỳ của ngạch Thẩm phán. Hiểu như vậy là không đúng với tinh thần quy định tại Điều 74 Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Thiết nghĩ, để có cách hiểu thống nhất về nhiệm kỳ của Thẩm phán, cần có văn bản giải thích của cơ quan có thẩm quyền. Việc giải thích có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để thực hiện thống nhất trong cả nước quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán. Nhất là trong điều kiện hiện nay, thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, có rất nhiều Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu, bổ nhiệm lại, bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán mới. Song quyết định bổ nhiệm Thẩm phán chỉ ghi “bổ nhiệm có thời hạn” mà không ghi thời hạn bổ nhiệm đến ngày nào. Vì vậy, để biết khi nào một Thẩm phán hết nhiệm kỳ, có được thực hiện nhiệm vụ xét xử nữa hay không, cần có văn bản giải thích chính thức của cơ quan có thẩm quyền về nhiệm kỳ của Thẩm phán, làm cơ sở pháp lý giúp cho công tác bổ nhiệm Thẩm phán được chặt chẽ, tránh tình trạng một việc có nhiều cách hiểu khác nhau; đồng thời giúp các Thẩm phán nắm bắt chính xác thời hạn bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử. Bởi vì, kết quả hoạt động xét xử của Thẩm phán có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.