Chiều 18/9, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhóm họp khẩn cấp với các bộ trưởng và quan chức cấp cao liên quan để bàn các biện pháp ứng phó với siêu bão Nanmadol. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với cơn bão đặc biệt nguy hiểm này.
Siêu bão Nanmadol là cơn bão thứ 14 trong mùa bão năm nay, nhưng là cơn bão được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho là “nguy hiểm chưa từng thấy trước đó”.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Kishida đã chỉ thị cho ông Koichi Tani, Bộ trưởng phụ trách quản lý thảm họa, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sơ tán, đồng thời nhanh chóng đánh giá các thiệt hại, nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp khẩn cấp ứng phó với cơn bão này.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết có 5 tỉnh thuộc khu vực Kyushu, gồm Fukuoka, Nagasaki, Kumamoto, Miyazaki và Kagoshima, đã quyết định áp dụng Luật cứu trợ thiên tai đối với tất cả các địa phương trên địa bàn mỗi tỉnh do lo ngại siêu bão Nanmadol có thể gây ra các thảm họa ở khu vực này.
Đây là lần đầu tiên Luật cứu trợ thiên tai được áp dụng trước khi thiên tai gây ra các thiệt hại thực tế kể từ khi luật này được sửa đổi vào năm 2021. Theo luật này, chi phí mà các địa phương phải chi ra để lập các trung tâm sơ tán sẽ được chính quyền trung ương và tỉnh chi trả.
JMA trong khi đó cũng liên tục cảnh báo về sự nguy hiểm của siêu bão Nanmadol, đồng thời kêu gọi chính quyền và người dân ở khu vực phía Tây Nam Nhật Bản phải cảnh giác cao nhất với cơn bão này.
Trước đó cùng ngày, ngay trong sáng 18/9, gần 25.700 hộ gia đình tại tỉnh Kagoshima và tỉnh lân cận Miyazaki đã bị mất điện, trong khi nhiều chuyến tàu, chuyến bay và phà phải hoãn, hủy. Hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) đã hủy ít nhất 504 chuyến bay.
Trong khi đó, Hàn Quốc đã kích hoạt chế độ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh cơn bão Nanmadol đã đổ bộ ở gần thành phố Kagoshima của Nhật Bản lúc 19h ngày 18/9 (giờ địa phương, tức 17h theo giờ Hà Nội).
Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp. Hoạt động vận tải chở khách bằng hàng không và đường thủy đã bị tạm đình chỉ ở các vùng phía Nam nước này. Nhà chức trách cũng đã đóng cửa các vườn quốc gia lớn, trong đó có vườn quốc gia Halla trên đảo Jeju, để phòng ngừa rủi ro.
Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã chủ trì một cuộc họp để đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó bão trong bối cảnh cơn bão Nanmadol được dự báo sẽ di chuyển theo hướng Đông Bắc về phía Hàn Quốc.
Tại cuộc họp, ông cảnh báo bán kính của bão Nanmadol rất lớn và dự báo sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở Hàn Quốc, đồng thời chỉ thị chính quyền các tỉnh, đặc biệt là những tỉnh vừa hứng chịu thiệt hại do cơn bão Hinnamnor gây ra trước đó, nâng cao cảnh giác với cơn bão.
Thủ tướng Han nhấn mạnh chính quyền các tỉnh, lực lượng cứu hỏa, cảnh sát... cần đặc biệt chú ý đến sự an toàn của người dân ở các khu vực trũng, thấp ven biển, và trong trường hợp cần thiết phải tiến hành sơ tán trước khi bão đổ bộ để ngăn chặn bất kỳ thiệt hại nào về người.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng đã chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min và các cơ quan quản lý thảm họa duy trì nghiêm trạng thái sẵn sàng ứng phó với bão Nanmadol.
Ông Yoon Suk-yeol cho rằng bão Nanmadol với cường độ mạnh hơn dự báo có thể gây thêm thiệt hại ở các thành phố của Hàn Quốc, trong đó có Pohang và Gyeongju vốn đang chịu thiệt hại nặng nề do bão Hinnamnor xảy ra hồi đầu tháng này.
Tối 17/9, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã ban hành "cảnh báo đặc biệt" tại tỉnh Kagoshima, đảo Kyushu, miền Nam nước này. Đây là lần đầu tiên cơ quan này đưa ra cảnh báo bão đặc biệt tại một khu vực ngoài tỉnh Okinawa.
Theo JMA, sáng 18/9, Nanmadol di chuyển chậm theo hướng Bắc-Tây Bắc về phía đảo Kyushu, với sức gió lên tới 180 km/giờ và mạnh nhất là 252km/giờ. Áp suất khí quyển ở tâm bão lên tới 925 hectopascal.
Siêu bão Nanmadol được dự báo sẽ tiến gần hoặc đổ vào khu vực phía Nam đảo Kyushu trong ngày 18/9 và 19/9. Do ảnh hưởng của cơn bão, trong 24 giờ (tính đến 6h sáng 19/9), phía Nam đảo Kyushu có thể phải hứng chịu lượng mưa lên tới 600 mm, trong khi lượng mưa tại khu vực phía Bắc đảo Kyushu và vùng Shikoku có thể đạt 400 mm.
Theo JMA, siêu bão Nanmadol vẫn đang di chuyển chậm theo hướng Bắc về phía đảo Kyushu và dự báo tiến gần tới khu vực này trong ngày 18/9 hoặc 19/9.