Nhập viện vì hóc thịt ngan, người đàn ông phát hiện ung thư thực quản

Chí Tâm| 29/05/2020 22:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người đàn ông 68 tuổi ở Thái Bình đến Bệnh viện E (Hà Nội) khám do bị nghẹn khi ăn thịt ngan. Khi tiến hành nội soi thực quản gắp dị vật bị nghẹn, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ung thư thực quản.

Ngày 29/5, thông tin từ Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ khoa nội soi thăm dò chức năng vừa tiến hành ca nội soi xử lý dị vật là miếng thịt ngan mắc ở thực quản của một bệnh nhân nam (68 tuổi, ở Thái Thụy, Thái Bình). Trong quá trình thực hiện, các bác sĩ dùng kỹ thuật chẩn đoán ung thư sớm và đã phát hiện bệnh nhân bị ung thư thực quản.

Trước đó, bệnh nhân này đến khám tại Bệnh viện E với lý do tối hôm trước ăn thịt ngan bị nghẹn, đã cố nuốt xuống và gây nôn nhưng không thành công. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tức ngực, khó chịu.

Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân nội soi thực quản. Kết quả cho thấy cách cung răng trên 20 cm có dị vật là miếng thịt ngan chưa tiêu, kích thước tương đối lớn là 3cm.

Nhập viện vì hóc thịt ngan, người đàn ông phát hiện ung thư thực quản

Hình ảnh miếng thịt ngan tắc nghẹn ở thực quản bệnh nhân (trái) và hình ảnh nhuộm màu phát hiện các tế bào ung thư ở vị trí chít hẹp

ThS.BS Vũ Hồng Anh - Trưởng khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện E - người trực tiếp tiến hành ca nội soi này cho biết, ở phía dưới dị vật, thực quản của bệnh nhân có dấu hiệu chít hẹp nhiễm cứng. Vì thế, các bác sĩ phải dùng dụng cụ đẩy kéo dị vật xuống dạ dày bệnh nhân nhằm tránh cho bệnh nhân có nguy cơ rơi dị vật vào đường thở khi lấy ra. Đây là điểm khó và mấu chốt của ca xử lý dị vật là thực phẩm bị hóc tại thực quản, nhất là bệnh nhân lớn tuổi, có nghi ngờ bị ung thư như bệnh nhân này.

Sau khi xử trí bằng cách cắt nhỏ dị vật (là miếng thịt ngan) trong dạ dày bệnh nhân để thức ăn có thể tự tiêu hóa qua đường tự nhiên, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra chỗ chít hẹp thực quản của bệnh nhân, nơi gây nên việc nuốt nghẹn thức ăn.

"Chúng tôi phát hiện một tổn thương sùi, đoạn thực quản nhiễm cứng chiếm 1/2 chu vi, dài khoản 2-3 cm… Khi tiến hành nhuộm màu NBI (chẩn đoán ung thư sớm) và nghĩ đến việc bệnh nhân bị ung thư thực quản, chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm để sinh thiết tìm tế bào ung thư cho bệnh nhân", BS Hồng Anh thông tin.

Ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biến ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản như: nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng, chảy nước bọt kèm theo hơi thở có mùi hôi, sặc khi ăn uống, giảm cân…

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với những người trên 50 tuổi, đặc biệt với nam giới có uống rượu nhiều, hút thuốc lá, cần nội soi tầm soát ung thư thực quản sớm, ít nhất 6 tháng/lần để được phát hiện và điều trị sớm.

Tại Việt Nam, phần lớn bệnh nhân ung thư thực quản được phát hiện ở giai đoạn muộn với các triệu chứng rõ ràng như nuốt vướng, nghẹn tăng dần, ho khàn tiếng do khối u xâm lấn vào tổ chức lân cận.

Giai đoạn này thường không thể phẫu thuật được, bệnh nhân phải điều trị hoá xạ, trị, tiên lượng sống sau 5 năm chỉ đạt 20%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập viện vì hóc thịt ngan, người đàn ông phát hiện ung thư thực quản