Sau 3 ngày sử dụng nước lá du mại chữa táo bón, người đàn ông 73 tuổi bị ngộ độc, tổn thương gan thận, nguy kịch.
Ngày 10/3, thông tin từ TS.BS Hoàng Công Tình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đang điều trị cho một bệnh nhân 73 tuổi bị ngộ độc lá cây du mại (cây lộc mại).
Cụ thể, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân sử dụng lá du mại phơi khô để đun với nước uống chữa táo bón. Sau đó bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, vàng da, vàng mắt tăng dần, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
Lá du mại hình bầu dục dài 10-14 cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, da, niêm mạc, củng mạc mắt vàng, thiểu niệu.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu nặng do tan máu, suy gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn đông máu, rối loạn nước, điện giải.
Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị, chăm sóc tích cực bằng truyền máu và các biện pháp hồi sức chuyên sâu để hỗ trợ các tạng suy.
Sau gần 1 tuần điều trị, hiện tại sức khoẻ bệnh nhân tạm ổn định, vẫn đang được điều trị, chăm sóc và theo dõi tích cực.
Theo BS Tình, mặc dù đã có khá nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của lá du mại khi sử dụng làm thức ăn, nước uống nhưng hằng năm vẫn có những ca ngộ độc lá du mại nhập viện cấp cứu.
Lá du mại thường được bà con sử dụng làm rau ăn, chế biến với thức ăn hoặc đun nước uống để chữa một số bệnh trong đó có bệnh táo bón. Độc tố của lá du mại có thể gây vỡ hồng cầu (tan máu) dẫn đến thiếu máu nặng, đặc biệt là ở những người thiếu hụt men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase).
Bác sĩ khuyến cáo bà con không nên sử dụng lá du mại để làm thức ăn hoặc đun nước uống vì sự nguy hiểm của nó đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người bị thiếu hụt men G6PD.
Khi không may bị ngộ độc độc lá du mại, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến trên kịp thời.