Vấn đề quan tâm

Nhanh chóng, thận trọng khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự

Việt An 15/01/2025 - 10:38

Đây là một trong những nguyên tắc khám nghiệm hiện trường được Bộ Công an quy định tại Thông tư 98/2024/TT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2025.

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân dân.

Thông tư 98 quy định rõ nguyên tắc khám nghiệm hiện trường. Theo đó, khám nghiệm hiện trường phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường.

kham-nghiem-hien-truong.jpg
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường. Hình minh họa

Nhanh chóng, kịp thời, thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, toàn diện, khoa học và chính xác. Người chủ trì khám nghiệm hiện trường phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng khám nghiệm hiện trường và các thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường khác, đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và phải chịu trách nhiệm chung về kết quả khám nghiệm hiện trường.

Đồng thời, quá trình khám nghiệm hiện trường phải đảm bảo an toàn cho lực lượng khám nghiệm hiện trường và các thành phần tham gia khám nghiệm. Việc cung cấp thông tin, chuyển giao tài liệu, kết quả công tác khám nghiệm hiện trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật và ngành Công an.

Thông tư 88 quy định chi tiết những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường. Cụ thể, trước khi khám nghiệm, người chủ trì khám nghiệm hiện trường cần yêu cầu người chỉ huy công tác bảo vệ hiện trường báo cáo tình hình và kết quả bảo vệ hiện trường.

Trao đổi với cơ quan chủ quản, với nạn nhận, thân nhân nạn nhân (nếu có), với chính quyền địa phương, với những người phát hiện vụ việc đầu tiên để nắm diễn biến tình hình vụ việc, về tình hình an ninh trật tự ở khu vực hiện trường.

Trực tiếp quan sát, xác định phạm vi hiện trường; sơ bộ xác định cấu trúc, kết cấu hiện trường; xác định các vị trí có camera tại hiện trường. Kiểm tra công tác bảo vệ hiện trường để quyết định bổ sung thêm lực lượng bảo vệ hiện trường hoặc điều chỉnh phạm vi hiện trường cần bảo vệ (nếu cần thiết).

Lựa chọn và mời người chứng kiến khám nghiệm. Người chứng kiến có thể là người đại diện chính quyền địa phương, đại diện cơ quan, tổ chức, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị nơi xảy ra vụ việc phối hợp và hỗ trợ trong quá trình khám nghiệm (nếu thấy cần thiết).

Xem xét, quyết định biện pháp xử lý đối với các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử có nguy cơ bị thay đổi, phá hủy; xem xét thiết lập lối đi riêng phục vụ việc đi lại, quan sát ở hiện trường.

Tiến hành hội ý lực lượng khám nghiệm hiện trường để lựa chọn phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng khám nghiệm: Người chụp ảnh; người ghi hình; (nếu cần thiết); người vẽ sơ đồ; người phát hiện, thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; người ghi chép, thống kê phục vụ lập biên bản khám nghiệm hiện trường.

Đối với công tác khám nghiệm chi tiết hiện trường, Điều 6 Thông tư quy định: Người chủ trì khám nghiệm hiện trường phân công lực lượng khám nghiệm hiện trường sử dụng các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng, áp dụng phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp để thực hiện các nội dung như phát hiện, làm rõ dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có); ghi nhận, mô tả dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có); thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có); thu mẫu so sánh (nếu có); mô tả hiện trường vào biên bản khám nghiệm hiện trường; vẽ sơ đồ hiện trường; chụp ảnh; ghi hình hiện trường (nếu cần thiết).

Khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, tiến hành đánh giá dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) đã phát hiện, thu thập được để khai thác các thông tin phục vụ công tác điều tra: Đánh giá từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) và mối liên hệ giữa các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và với tử thi (nếu có), với các đồ vật khác tại hiện trường. Đưa ra nhận định về nguyên nhân, cơ chế hình thành, thời gian xuất hiện và tồn tại của dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; đặc điểm của vật gây vết.

Đánh giá giá trị chứng minh của từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; xác định những dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử cần trưng cầu giám định. Đánh giá số lượng, đặc điểm về đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội; nạn nhân hoặc những người liên quan khác (nếu có) đã có mặt tại hiện trường. Đánh giá hậu quả tác hại do vụ việc gây ra…

Trong công tác dựng lại hiện trường, Thông tư nêu rõ, trường hợp hiện trường bị xáo trộn, sau khi khám nghiệm chi tiết, nếu thấy cần thiết có thể dựng lại hiện trường theo sự trình bày của người làm chứng, người bị hại, người phạm tội hoặc người khác có liên quan đến vụ việc, vụ án nhằm kết hợp kết quả phát hiện, thu lượm, đánh giá các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) đã phát hiện với tình trạng hiện trường được dựng lại để nhận định về diễn biến của vụ việc, hành động của đối tượng ở hiện trường. Việc dựng lại hiện trường phải được ghi nhận, mô tả đầy đủ trong biên bản khám nghiệm hiện trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhanh chóng, thận trọng khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự