Ngày Nước thế giới năm 2014 có chủ đề “Nước và năng lượng” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguồn nước....
Đồng thời kêu gọi tìm kiếm biện pháp quản lý bền vững tài nguyên nước, để có thể đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu cho hơn 7 tỷ người trên trái đất…
Nước đang dần cạn kiệt
Nước là một yếu tố sinh thái không thể thiếu đối với sự sống và là nguồn tài nguyên có thể tái tạo vô cùng quý giá đối với con người. Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, các cuộc xung đột sắc tộc, chiến tranh giữa các dân tộc, các quốc gia với nhau trên thế giới nhiều khi gắn liền với việc tranh giành nguồn nước. Vì nguồn nước nhiều hay ít sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Trong phát triển nông nghiệp, nước đóng vai trò quan trọng nhất, nó quyết định đến năng suất sinh vật. Đặc biệt đối với các quốc gia nghèo nằm trong khu vực nhiệt đới của châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, nơi sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân thì nước lại càng có ý nghĩa sống còn đối với các quốc gia này. Trong phát triển công nghiệp và đô thị, nước có vai trò to lớn. Công nghiệp hóa và đô thị hóa có thể được coi là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Được tổ chức hàng năm vào ngày 22/3, Ngày Nước thế giới là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm tạo điều kiện để người dân trên khắp thế giới thấy được tầm quan trọng của nguồn nước sạch và sự cần thiết phải tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Nước là tài nguyên quý giá cần bảo vệ
Sự gia tăng dân số, phát triển đô thị hóa, thay đổi thói quen ăn uống đã và đang gây ra những áp lực ngày càng lớn tới tài nguyên nước, gây tình trạng thiếu nước và cạn kiệt nguồn nước, khiến an ninh lương thực bị đe dọa.
Trong tổng số khối lượng nước được khai thác sử dụng trên toàn thế giới hiện nay là 3.800 tỷ m3, thì sử dụng vào việc tưới tiêu trong nông nghiệp lên tới 70% (2.700 tỷ m3). Gần 95% lượng nước tại các nước đang phát triển được sử dụng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay, nguồn nước ngầm đã giảm mạnh và cạn kiệt ở 20 nước với dân số chiếm tới 50% dân số thế giới. Nạn khan hiếm nước cho nông nghiệp ở 3 nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đang rất đáng lo ngại.
Ở nước ta, nếu mức tăng dân số tiếp tục được kiểm soát ở mức bình quân 1,2% trong giai đoạn 2010-2020 thì dân số Việt Nam năm 2020 sẽ vào khoảng 98,6 triệu người và để đảm bảo an ninh lương thực cần phải duy trì diện tích đất chuyên trồng lúa hai vụ khoảng 3,8 triệu hécta với điều kiện được đáp ứng nguồn nước một cách đầy đủ cả về số lượng, chất lượng. Trong khi đó, nguồn nước, yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp của nước ta lại không dồi dào, ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững.
Ở Việt Nam hiện nay, các nguồn nước mặt, nước ngầm và các nguồn nước ven biển đã và đang bị ô nhiễm và nhiều khu vực đang bị ô nhiễm đến mức báo động. Ví dụ, hệ thống các lưu vực sông như lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai, nhiều khu vực đã bị ô nhiễm mức độ khởi đầu, đặc biệt nhiều đoạn bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là đoạn chảy qua đô thị, khu công nghiệp. Ô nhiễm phổ biến là ô nhiễm hữu cơ, ngoài ra còn ô nhiễm bởi một số chất vô cơ, hóa chất, thường vượt quy chuẩn về kỹ thuật quốc gia môi trường cho phép. Trữ lượng nước ngầm cũng có báo động về sự ô nhiễm bởi ở vùng nông thôn nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, việc khoan giếng để lấy nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu mà không có quy hoạch và tràn lan là nguyên nhân quan trọng gây cạn kiệt nguồn nước.
Giải pháp nào?
Việt Nam cũng được xác định là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất, kéo đến việc ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp. Với kịch bản nước biển dâng 1m, đồng bằng sông Hồng sẽ mất 5.000km2, đồng bằng sông Cửu Long bị ngập 15.000-20.000km2. Tổng sản lượng lương thực nước ta theo đó có thể giảm khoảng 5 triệu tấn.
Tại hội thảo “Sáng kiến hợp tác về nước vì đô thị bền vững tại Việt Nam” tổ chức ngày cuối năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hiện Việt Nam đang có gần 800 đô thị, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Về dân số, hiện nước ta cũng đang đứng thứ 13 toàn cầu, trong đó có đến 33% sống ở khu vực đô thị và nhiều khả năng sẽ đạt 50% vào năm 2030. "Việc phát triển đô thị và gia tăng dân số đã dẫn tới nhu cầu sử dụng nước ở các đô thị ngày càng lớn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng đô thị chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cấp nước sạch cũng như các thiết bị cũ kỹ là nguyên nhân khiến nguồn nước tại nhiều thành phố bị cạn kiệt", Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.
Nhiều nguồn nước hiện bị ô nhiễm đến mức báo động
Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu nước trong đời sống cư dân cũng như sản xuất công - nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tài nguyên nước của quốc gia hiện nay cũng như trong tương lai, cần có những giải pháp chiến lược mang tính tổng thể, không chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành nước và nông nghiệp mà phải mang tính liên ngành. Muốn vậy, theo các chuyên gia cần thực hiện tổng thể các giải pháp. Thứ nhất, về mặt thể chế chính sách cần ban hành, bổ sung cho hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, liên quan đến vấn đề đánh giá, điều tra nguồn nước và vấn đề về sử dụng nguồn nước. Những thể chế chính sách này phải đảm bảo tính bền vững của việc khai thác, sử dụng. Khi khai thác và sử dụng phải tiết kiệm và phải hợp lý. Thứ hai, cần phải truyền thông, giáo dục văn hóa, nhận thức của cộng đồng, xã hội, của các tổ chức cá nhân để trong việc khai thác, sử dụng nước hợp lý, không gây ô nhiễm. Thứ ba, bằng các biện pháp khác nhau để giảm thiểu, khống chế việc xả nước thải từ công nghiệp, làng nghề, đô thị không đáp ứng quy chuẩn quốc gia. Đối với cả khúc sông ô nhiễm cần phải tiến hành nạo vét, xử lý ô nhiễm.
Tình trạng khó khăn về nguồn nước sẽ được cải thiện nếu thực tiễn sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hay thói quen sinh hoạt và nhu cầu sử dụng nước hàng ngày của mỗi người dân thay đổi. Việc bảo vệ tài nguyên nước có giá trị vô cùng quan trọng cho hiện tại và tương lai của con người. Bảo vệ nguồn nước và an ninh lương thực là bảo vệ sự sống cho tất cả chúng ta.
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước xếp vào loại trung bình khá trên thế giới nhưng có nhiều yếu tố không bền vững. Nước ta có khoảng 830 tỷ m3 nước mặt, trong đó chỉ có 310 tỷ m3 được tạo ra do mưa rơi trong lãnh thổ, chiếm 37%; còn 63% do lượng mưa ngoài lãnh thổ chảy vào.
Tổng trữ lượng tiềm tàng nước dưới đất có khả năng khai thác, chưa kể phần hải đảo tính 60 tỷ m3/năm. Nếu kể cả nước mặt và nước dưới đất trên phạm vi lãnh thổ thì bình quân đầu người đạt 4.400 m3/người/năm, so với thế giới là 7.400 m3/người/năm.
- Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, chủ dự án phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin cấp phép.
- Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất…
(Trích Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước)