"Nhân hòa" là yếu tố quyết định nhất sự thành công của các địa phương

Xuân Lan| 15/01/2020 09:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh các nút thắt về thể chế kinh tế như nhau có địa phương vượt lên là nhờ tận dụng được các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa, trong đó nhân hòa là yếu tố quyết định nhất cho sự thành công của các địa phương, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Tối ngày 14/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh.

Cùng dự có  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo không ngừng chuyển biến

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng đã ôn lại lịch sử hình thành tỉnh Trà Vinh cũng như truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Trà Vinh trong 2 công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng phát triển đất nước.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ và phân chia lại địa giới hành chính toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn. Sau khi toàn quyền Đông Dương Doumer ký Nghị định đổi tên gọi tiểu khu thành tỉnh, tiểu khu Trà Vinh chính thức  trở thành tỉnh Trà Vinh từ ngày 1/1/1900 cho đến nay.

Trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và công cuộc xây dựng phát triển, đảng bộ quân dân Trà Vinh luôn sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do Tổ quốc và không ngừng vượt khó để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng no ấm, giàu đẹp hơn.

Đặc biệt, trong 28 năm kể từ khi tỉnh Trà Vinh chia tách từ tỉnh Cửu Long để tái lập tỉnh (năm 1992), Trà Vinh đã tập trung dồn sức để xây dựng và phát triển.

Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, thiếu và yếu kém về hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Trà Vinh không ngừng nỗ lực huy động mọi nguồn lực đầu tư, thực thi các giải pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Tỉnh Trà Vinh đã xác định đúng và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, mạnh dạn đầu tư hệ thống các công trình về giao thông, điện, thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất đồng bộ các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo không ngừng chuyển biến theo hướng tích cực.

Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của tỉnh tăng bình quân hàng năm trên 11%. GRDP bình quân đầu người trong tỉnh năm 1992, đạt khoảng 0,73 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2019 đạt 59 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 64,7% tổng số xã).

Huyện Tiểu Cần, Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ đói, nghèo  khi tái lập tỉnh ( năm 1992) là gần 20% hộ đói, 40% hộ nghèo, nhưng đến cuối năm 2019, Trà Vinh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,33%, trong đồng bào Khmer còn 6,27%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng các động lực tăng trưởng vẫn chưa vững chắc. Sức lan tỏa công nghiệp chưa cao. Tái cơ cấu nông nghiệp đạt nhiều kết quả nhưng thiếu tính liên kết nên việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn. Phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, mới khoảng 5%, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh.

Nhân hòa" là yếu tố quyết định sự thành công

Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng cho rằng, tầm nhìn phát triển nhanh và bền vững của Trà Vinh phải được xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, vừa có sự kết tinh, cộng hưởng từ cội nguồn văn hóa, lịch sử, từ tâm hồn, cốt cách của người dân với ý chí, khát vọng vươn lên và sự đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy chính quyền và nhân dân.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Trà Vinh tập trung khai thác có hiệu quả lợi thế tỉnh đồng bằng giáp biển; thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó nuôi thủy sản là mũi nhọn, khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội làm kim chỉ nam cho hành động thực tiễn.

Tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao và sử dụng hiệu quả tài nguyên ngày càng khan hiếm. Chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh. Chủ động tích cực hội nhập, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhằm từng bước phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính liên kết vùng để khơi thông tốt hơn nữa khả năng kết nối đa lĩnh vực với các tỉnh trong khu vực.

Chú trọng đến vấn đề giáo dục. Đây là chìa khóa vàng của phát triển bền vững. Giáo dục tốt không chỉ giúp tạo ra những công dân tốt mà còn những người lao động giỏi, có khả năng làm chủ kinh tế bản thân và gia đình, sau đó là đóng góp cho xã hội. Hệ thống giáo dục của Trà Vinh cần hướng đến 3 trọng tâm: giáo dục, giáo dục và giáo dục.

Cụ thể, giáo dục thứ nhất là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em cần phải được giáo dục, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính. Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, bảo đảm mọi người có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản. Giáo dục thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở chuyển đổi lên nấc thang cao hơn về năng suất và thu nhập của nền kinh tế.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thực tế hiện hữu và xu hướng tất yếu chứ không phải là ngôn từ. Trà Vinh cần suy nghĩ cách tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 đang mang lại để thúc đẩy ứng dụng vào mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, môi trường, giải quyết các thách thức đang tồn tại.

Thực hiện tốt các chính sách tái phân phối, an sinh xã hội, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển. Chủ động phòng ngừa đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm, đặc biệt là tín dụng đen, tội phạm mạng. Chủ động nắm chắc dư luận xã hội, làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, không để có điểm nóng xảy ra trên địa bàn.

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương như đã chứng minh là nhân tố quyết định sự thành công thời gian qua.

“Từ bài học của Trà Vinh cũng như nhiều địa phương khác cho thấy trong bối cảnh các nút thắt về thể chế kinh tế như nhau nhưng có địa phương bị bỏ lại và cũng có địa phương vượt lên là nhờ tận dụng được các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa, trong đó nhân hòa là yếu tố quyết định nhất cho sự thành công của các địa phương”, Thủ tướng nói.

“Chúng ta mãi mãi nhớ ơn tổ tiên, các thế hệ của cha ông chúng ta, những người tiên phong mở cõi đến vùng đất mới hoang vu, đầy nguy hiểm này, những người đã ngã xuống để giữ từng tấc đất cho con cháu, những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Để xứng đáng với vinh dự đó, chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng, tô đắp để Trà Vinh thêm đẹp hơn, phát triển hòa cùng với khát vọng về một Việt Nam phát triển hùng cường vào năm 2045. Trà Vinh cùng với cả nước góp sức để sớm hiện thực hóa tầm nhìn đó”.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho tỉnh Trà Vinh.

Chiều ngày 14/1, trong chuyến công tác tại Trà Vinh, Thủ tướng đã đến chúc Tết, tặng quà hơn 200 gia đình chính sách, công nhân lao động và hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Gửi lời thăm hỏi, chúc Tết, tặng quà cho bà con, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, đây là những món quà tình nghĩa của Đảng, Nhà nước. Nêu rõ, lo Tết cho người dân, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, là trách nhiệm của các cấp chính quyền, Thủ tướng hoàn nghênh MTTQ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các bộ, ngành đã phối hợp với tỉnh Trà Vinh trao quà cho gia đình chính sách, công nhân lao động và người nghèo, nạn nhân chất độc da cam.

Thủ tướng mong muốn công nhân lao động tiếp thu khoa học công nghệ, rèn luyện kỹ năng, để có năng suất tốt hơn, thu nhập cao hơn. Chủ doanh nghiệp cần quan tâm, chia sẻ với người lao động.

Với các gia đình chính sách, cần tiếp tục nêu gương ở khối phố, khu dân cư, “tiếng nói của các bác có ảnh hưởng đến cộng đồng”; quan tâm giáo dục thế hệ trẻ. Các hộ nghèo cần tiếp tục vươn lên, nâng cao dân trí, chỉ khi có giáo dục, tri thức thì mới thoát nghèo bền vững.

Tỉnh, huyện, xã cần kiểm tra lại toàn bộ tình hình đón Tết của người dân bởi “có thể còn một bộ phận người dân còn chưa được biết đến do bệnh quan liêu, xa dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đã đến thăm hỏi, chúc Tết Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh tại chùa Lưỡng Xuyên. Thủ tướng cho rằng, Phật giáo Việt Nam luôn gắn đạo với đời, là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc. Thủ tướng mong muốn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới mà Giáo hội đã đề ra, đồng thời hướng dẫn tăng ni, tín đồ Phật tử tiếp tục thực hiện phương châm hành đạo Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nhân hòa" là yếu tố quyết định nhất sự thành công của các địa phương