Không tham gia bầu cử, hoặc thiếu trách nhiệm với lá phiếu của mình là đồng nghĩa với việc mỗi người chúng ta đã “tiếp tay” cho các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị đang ra sức chống đối Nhà nước ta.
Ngày 23/5 tới đây, toàn dân ta đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong bối cảnh dịch bệnh đang có thêm những ca lây nhiễm trong nước, nhưng với quyết tâm cao độ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo và vào cuộc rốt ráo của Chính phủ, Quốc hội, toàn bộ hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc tích cực, vừa tiến hành các quy trình bầu cử theo kế hoạch một cách kịp thời đúng pháp luật, vừa triển khai các biện pháp phòng chống dịch một cách nghiêm ngặt để cử tri, nhân dân cả nước có một ngày hội thực sự, thực hiện quyền công dân một cách an toàn và dân chủ, thì các đối tượng cơ hội lại ra sức chống phá cuộc bầu cử bằng nhiều hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Lợi dụng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là không gian mạng, lực lượng phản động đã xuyên tạc kích động phá hoại cuộc bầu cử. Chúng bịa đặt, suy diễn “việc bầu cử Quốc hội không phải là quyền lợi, nghĩa vụ, không có dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý; sắp xếp ghế ngồi”, nhân dân không có quyền thật sự. Từ đó, chúng kêu gọi phải sửa đổi nguyên tắc, quy định bầu cử tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do, còn “với tư cách tổ chức bầu cử này, xã hội sẽ không có dân chủ”.
Giống như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác nhân sự của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 bị các thế lực thù địch, phản động tập trung “mổ xẻ”, chống phá bằng cách tung tin bịa đặt, sai sự thật. Trong đó, chiêu trò mượn áo “tự ứng cử”, hoặc xuyên tạc như “tất cả những người mà được gọi là đại biểu quốc hội đều được lựa chọn quyết định từ trước, bầu cử chỉ là hình thức”... đã được các đối tượng lợi dụng triệt để nhằm gieo rắc trong dư luận những quan điểm lệch lạc, hoài nghi về công tác bầu cử.
Các trang mạng phản động như: SBTN, VOA, BBC, RFI, Viettan, Dân làm báo, Báo Tiếng dân, RFA đã phát tán nhiều thông tin, bài viết xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử cho rằng, việc có một số đại biểu không phải là đảng viên chỉ là hình thức, tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, do Mặt trận Tổ quốc và chính quyền cơ cấu trước. Chúng còn bịa đặt trong nội bộ Đảng xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên phai nhạt niềm tin và có quan điểm chính trị khác với lãnh đạo Đảng nhưng không dám công khai vì sợ mất quyền lợi và trả giá bằng tự do, sinh mạng.
Không những thế, lực lượng phản động còn tung tin bịa đặt bôi nhọ đời tư của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được đề cử, ứng cử đại biểu quốc hội. Chúng bịa đặt về nguồn gốc xuất thân, gia đình tới bản thân cán bộ lãnh đạo. Những thông tin bịa đặt được viết theo kiểu quy chụp đen tối, bao nhiêu tiêu cực xấu xa đều quy cho cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quy chụp cho chế độ.
Bên cạnh việc xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với bầu cử; xuyên tạc công tác nhân sự trong chuẩn bị bầu cử; cho rằng, việc bầu cử ở nước ta chỉ là hình thức, không minh bạch, không dân chủ..., các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị còn ra sức rêu rao luận điệu kêu gọi cử tri “tẩy chay bầu cử”, “không đi bỏ phiếu”, “bỏ phiếu trắng”...
Kêu gọi cử tri “tẩy chay bầu cử” chính là nhằm phá hoại bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ngay ở khâu quan trọng nhất. Mưu đồ của các thế lực thù địch, phản động đó là lôi kéo, dụ dỗ cử tri không đi bỏ phiếu, “tẩy chay bầu cử” để tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp. Khi đó, chúng sẽ tiếp tục rêu rao là Cuộc bầu cử ở nước ta “thiếu dân chủ”; “Quốc hội khóa XV không đại diện cho nhân dân”... Từ đó, chúng tiếp tục thực hiện các hành động gây mất ổn định tình hình đất nước, thậm chí là tạo cớ cho sự can thiệp của nước ngoài.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc cuộc bầu cử là ngày hội lớn để bầu ra cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội và cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thể hiện bản chất chế độ, tính dân chủ, nhân dân sâu sắc của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Quyền bầu cử bao gồm việc ứng cử, đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Như vậy, quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện được thực hiện việc lựa chọn đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước.
Chúng ta cần nhận diện thủ đoạn, ý đồ hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động để nhân dân, cử tri đề cao cảnh giác, không a dua, cổ xúy, mắc mưu kẻ xấu, nâng cao ý thức công dân trong sự kiện chính trị quan trọng của nước nhà.
Trước tính chất sai trái, nguy hiểm của luận điệu “tẩy chay bầu cử” mà các thế lực thù địch, phản động đang ra sức tuyên truyền, chúng ta cần hiểu rõ, không tham gia bầu cử hoặc thiếu trách nhiệm với lá phiếu của mình là đồng nghĩa với việc chúng ta đã “tiếp tay” cho các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị.
Bầu cử đại biểu Quốc hội lần thứ XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, là dịp để cử tri thực hiện quyền làm chủ và trách nhiệm công dân đối với tương lai của đất nước. Với ý nghĩa đó, cử tri và nhân dân cần tham gia bầu cử một cách đầy đủ, đúng thời gian, địa điểm và đúng quy định để sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người xứng đáng là đại biểu của nhân dân, góp phần xây dựng Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực sự vững mạnh, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc như mục tiêu đã được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.