Thịt lợn là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình Việt. Đặc biệt, ở các đô thị lớn sức tiêu thụ thịt lợn càng ngày càng nhiều. Đây cũng là thực phẩm dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon, cung cấp nhiều dinh dưỡng.
Thời gian vừa qua tình hình thịt lợn nhiễm chất tạo nạc, dịch tai xanh, hay thông tin nghi ngờ về thịt lợn có nhiễm thuốc an thần đang khiến nhiều người dân lo lắng.
Vậy làm cách nào để nhận biết và lựa chọn thịt lợn an toàn cho bữa ăn gia đình mình hàng ngày. Để làm được điều đó, bạn cần chú ý một số đặc điểm sau.
Thịt lợn sạch thường có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm
Nhìn về mặt cảm quan: thịt lợn khoẻ mạnh thường có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm. Thịt săn chắc, không nhũn nhão, đàn hồi tốt, không rỉ dịch, chảy nhớt. Dùng ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt phải đều.
Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại, lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi gắt dầu.
Còn nếu con lợn được nuôi bằng hóa chất tạo nạc, da sẽ mỏng hẳn. Khi lợn còn sống, da có độ căng bất thường, có cảm giác như bị ứ nước bên trong. Khi chọn thịt cần tránh loại có lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày 1,5 – 2cm).
Thịt lợn sử dụng chất tạo nạc thường có dịch vàng rỉ ra hoặc liên kết giữa phần nạc và phần mỡ tách rời
Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được, có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc. Khi mua thịt cần để ý chỗ liên kết giữa phần nạc và phần mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có dịch vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt nuôi bằng chất tạo nạc.
Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt...
Ngoài ra, các bà nội trợ khi gặp các các loại thịt lợn như dưới đây cũng không nên mua:
Thịt lợn gạo có kén giun xoắn nằm trong thớ thịt, hình quả trám, chiều dài của kén nằm song song thớ thịt. Có khi thấy kén đã vôi hóa, những đốm trắng như đầu ghim nằm trong thịt.
Hay lợn bị thương hàn bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím. Lợn bị tả có nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt. Thịt lợn bị tụ huyết trùng có những mảng bầm, tụ máu. Lợn bị viêm gan thịt có màu vàng..
Bên cạnh đó, đối với thịt lợn đã bị ôi, một số người bán hàng thường tẩm ướp hàn the, muối diêm... để đánh lừa cảm quan người tiêu dùng là thịt vẫn còn tươi. Do đó, khi mua thịt người tiêu dùng cần lưu ý miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, cầm thấy cứng nhưng khô, thớ thịt săn, không dính....
Với những kiến thức trên, hy vọng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn để bảo vệ cho sức khỏe của gia đình mình.