Nhạc sĩ Việt thiếu đột phá và rập khuôn trong các tác phẩm

Minh Anh| 03/10/2022 08:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo các nhà chuyên gia, sản xuất âm nhạc đánh giá cách đây 10 năm, nhạc Việt đã thay đổi khá lớn. Tuy nhiên, khoảng 2, 3 năm trở lại đây nhiều nhạc sĩ Việt đang quanh quẩn với pop, ballad và lối làm MV drama. Điều này khiến nền âm nhạc của chúng ta đang có sự rập khuôn và thiếu tính đột phá.

Nhạc sĩ Huy Tuấn thừa nhận, so với cách đây 10 năm, nhạc Việt thay đổi chóng mặt. Thời gian gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam có những bước phát triển choáng ngợp với những hiện tượng, trào lưu mới khuấy đảo cấp độ khu vực.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những tiện ích công nghệ mới mẻ cho âm nhạc khiến cách thức sáng tác, cách quản lý, khai thác sản phẩm âm nhạc, cách tiếp cận khán giả khác hẳn trước kia.

Theo nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Hải Phong, sự phát triển của các nền tảng streaming, các nhà phân phối, các nền tảng mạng xã hội... giúp khâu phát hành diễn ra nhanh chóng và chặt chẽ hơn trước đây.

05c8d935-830f-4d2d-aa7d-b3080ae12c57.jpg
Cách đây 10 năm, nhạc Việt thay đổi chóng mặt.

Tất cả hướng đến một nền âm nhạc có bản quyền và trả phí, qua đó giúp nghệ sĩ kiếm được tiền, sống được bằng nghề. Đáng mừng nhất là sự thay đổi này đã và đang giúp giới nghệ sĩ indie và underground (độc lập và ngầm) có tài năng dần bước ra ánh sáng và thu lợi nhuận.

Tuy bứt tốc mạnh mẽ nhưng âm nhạc Việt Nam vẫn chưa được gọi là một nền móng phát triển ổn định. Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chỉ rõ: “Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng “chân trong, chân ngoài”: nửa xem ca khúc sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không màng lợi nhuận; nửa xem nó như một sản phẩm thương mại để quảng bá, phân phối và thu lợi.

Bên cạnh đó, hoạt động của nghệ sĩ vẫn chủ yếu tự phát, độc lập, do đó rất khó quản lý. Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Vũ Cát Tường nhận xét, thị trường âm nhạc Việt Nam hiện đang phát triển rất sôi động, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Với những tác phẩm đã có sự thành công và ghi nhận của công chúng thì nghệ sĩ chưa dám đổi mới hoàn toàn bản thân. Và điều này cũng khó tránh khỏi tình trạng "một màu" trong âm nhạc.

nhac10.jpg
Tuy nhiên khi quanh quẩn với pop, ballad và lối làm MV drama trong thời gian dài đã khiến khán giả thất vọng.

Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ Việt đang quanh quẩn với pop, ballad và lối làm MV drama. Sự lặp lại này kéo thời gian dài khiến khán giả thất vọng.

Gần đây ca khúc Đáp án cuối cùng của Quân A.P vướng nghi án đạo nhạc. Bài hát được nhận xét giống ca khúc tiếng Trung How You Have Been. Bỏ qua vấn đề đạo nhạc, lời chia sẻ của Nguyễn Phúc Thiện chỉ ra vấn đề đang tồn tại ở Vpop, đó là sự rập khuôn trong âm nhạc.

Giai điệu buồn bã, nhẹ nhàng, lối phối khí với âm thanh piano chủ đạo, thêm thắt chút đàn dây và dòng ca từ gợi hình được nhạc sĩ cùng ê-kíp áp dụng qua nhiều ca khúc, bao gồm Đáp án cuối cùng, Quá khứ đôi, hiện tại đơn hay Sau lưng anh có ai kìa (Thiều Bảo Trâm).

Sự lặp lại không chỉ ở âm nhạc mà cả phần hình ảnh. Cách đây ít ngày Hương Giang trở lại với MV Em buông. Sản phẩm tạo nên những tranh luận vì nội dung MV không khác nhiều so với Anh đang ở đâu đấy anh, Tặng anh cho cô ấy… được Hương Giang phát hành cách đây vài năm.

Ở MV dài tới 9 phút, Hương Giang tiếp tục sử dụng câu chuyện tình yêu đổ vỡ vì sự xuất hiện của người thứ 3. Theo dõi Em buông, khán giả đặt câu hỏi Hương Giang nói riêng và ca sĩ Việt nói chung đã cạn kiệt ý tưởng nên quanh quẩn với lối làm MV drama, thêm thắt những tình tiết giật gân.

Chính vì những sự rập khuôn như vậy trong thời gian dài đã khiến khán giả cảm thấy thất vọng. Họ cần có những tác phẩm được đầu tư bài bản hơn cả về âm thanh lẫn hình ảnh.

nhac9.jpg
Sự lặp lại không chỉ ở âm nhạc mà cả phần hình ảnh.

Đó không chỉ dừng lại ở yêu cầu khán giả mà sự đột phá, luôn tìm tòi, sáng tạo sẽ giúp các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam mở rộng hơn những cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài.

Thành công của Sơn Tùng M-TP trên thị trường ca nhạc thế giới qua "Hãy trao cho anh" chỉ là thắng lợi về chiến thuật chứ chưa phải bằng nội lực tự thân là một ví dụ điển hình.

Chọn phong cách âm nhạc Latin để trở lại thị trường nhạc Việt và tấn công thị trường Mỹ, người trong giới nhận định Sơn Tùng M-TP "tính toán rất khôn ngoan và hợp lý với dự án âm nhạc mới này".

Thành viên ban nhạc The Hotel Lobby (từng nhận giải thưởng MTV VMAs 2017), Johnny Lee, cho hay: "Thông tin bàn tán về Sơn Tùng M-TP và sản phẩm âm nhạc của anh ấy ở thị trường âm nhạc Mỹ là có thật, dù không phải quá ồn ào. Tôi là người Mỹ gốc Việt nên có cảm xúc tự hào về cậu ấy - một ca sĩ Việt chính thức được nhắc đến ở thị trường âm nhạc Mỹ rộng lớn và khó nhằn này".

Ca sĩ Thanh Bùi cũng từng hợp tác với Apl de Ap (thành viên của nhóm Black Eyed Peas) để thực hiện album. Anh cũng bắt tay với nhạc sĩ RedOne sáng tác ca khúc cho album của mình.

13-tung-15625920549711179639983.jpg
Tương lai nào sẽ đủ sức đưa nhạc Việt vươn tầm thế giới?

Hồ Ngọc Hà đã từng khoe trên truyền thông trong nước về cuộc gặp gỡ của cô với một trong những nhà sản xuất âm nhạc quyền lực nhất tại Hollywood, Fernando Garibay, người được biết đến là nhà sản xuất âm nhạc của các ca sĩ nổi tiếng: Lady Gaga, Britney Spears, Whitney Houston, Shakira, U2, Enrique Iglesias, Kylie Minogue…

Nhưng kết quả thì các sự hợp tác như vậy vẫn chưa mang lại hiệu quả gì đột phá cho nền âm nhạc Việt Nam. Vậy vấn đề có phải chúng ta đang thiếu những cơ hội thật sự? Hay chính bản thân các nghệ sĩ chưa đủ bản lĩnh để vượt ra khỏi vị trí an toàn của mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Việt thiếu đột phá và rập khuôn trong các tác phẩm