Trong cùng một ngày, người yêu âm nhạc cả nước bàng hoàng đón nhận tin hai nhạc sĩ nổi tiếng, một ở phía Nam, một ở phía Bắc ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, người thân và công chúng.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mất ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại Việt Nam, có đóng góp cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX. Còn nhạc sĩ Phan Nhân, một người con miền Nam rất yêu Hà Nội. Ông ra đi nhưng những câu hát "Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời. Càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô. Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…” trong bài hát "Hà Nội niềm tin và hy vọng" gắn liền với tên tuổi của Phan Nhân gần nửa thế kỷ qua sẽ tiếp tục truyền niềm tin, hy vọng tới biết bao người Việt Nam về một Hà Nội đẹp, kiêu hãnh, anh hùng.
Nhạc sĩ Phan Nhân.
Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh năm 1930 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Từ nhỏ, cậu bé Phan Nhân đã có năng khiếu về nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Lớn lên theo tiếng gọi của quê hương, Phan Nhân gia nhập quân ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong những năm tháng gian khổ đó, ông đã bắt đầu "tập tành" sáng tác.
Vốn là một thanh niên miền Nam nhưng Phan Nhân rất yêu miền Bắc, yêu Hà Nội và tự sâu thẳm trong tâm hồn, ông luôn coi đây như là quê hương thứ hai của mình. Để rồi không biết từ bao giờ trong ông ấp ủ một ước mơ sẽ viết một bài hát, thể hiện được tình cảm của mình về Hà Nội.
Khi còn sống, ông đã nhiều lần chia sẻ với báo chí và người yêu âm nhạc về ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Ông khẳng định rằng: Bài hát ra đời chính là xuất phát từ tình yêu của ông với Hà Nội, với quê hương đất nước được hun đúc trong một gian dài. Ông đến Hà Nội từ năm 1954, nhưng mãi 18 năm sau khi trực tiếp chứng kiến cảnh B52 điên cuồng tàn phá Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, ông mới có thể diễn đạt hết suy nghĩ, tình cảm của mình qua ca khúc.
Ngay từ khi ra đời, bài hát "Hà Nội niềm tin và hy vọng" ngay lập tức đón nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Cho đến tận ngày nay, ca khúc này vẫn đứng đầu trong danh sách những sáng tác hay nhất về Hà Nội. Nghe bài hát này, ta sẽ bắt gặp một Hà Nội sống động, quá chân thực đang anh dũng, kiên cường quyết liệt chống trả mưa bom bão đạn của giặc Mỹ với một niềm tin tất thắng. Để rồi từ niềm tin mãnh liệt đó, quân và dân Hà Nội đã thực sự "Dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền".
Sinh thời nhạc sĩ Phan Nhân luôn khẳng định ông luôn cố gắng hết mình trong công việc, đó là điều chứng tỏ ông vẫn còn có ích cho cuộc đời. Vì vậy, mỗi tác phẩm của ông đều là một quá trình tìm tòi, chọn lựa, chắt lọc kỹ càng. Ông không muốn phụ lòng khán giả, và muốn cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị.
Nhạc sĩ Phan Nhân tham gia quân đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève, ông chuyển từ quân đội sang văn công, công tác tại một số đơn vị nghệ thuật: Đoàn Văn công Nam Bộ, Đoàn Văn công quân đội Nam Bộ, Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Ban Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam . Ông đã được cử đi tu nghiệp âm nhạc tại Hungari.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển về Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc đến khi nghỉ hưu.
Không sáng tác nhiều nhưng những bài hát của Phan Nhân hầu như là những ca khúc vượt thời gian, để lại trong lòng thính giả nhiều tình cảm sâu sắc. Trong sự nghiệp của mình, bên cạnh “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, người yêu nhạc cũng biết đến nhạc sĩ Phan Nhân qua các các tác phẩm nổi tiếng khác như: "Em ở nơi đâu"; "Thành phố của tôi"; "Trên quê hương Minh Hải"; "Tình bạn già";…
Ngoài ra, ông còn có một số ca khúc dành cho thiếu nhi được nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam yêu thích: "Em là bông lúa Ðiện Biên"; "Em là con gái má Út Tịch"; "Chú ếch con"; "Hàng cây ơn Bác"; "Vườn cây của Ba" ...
Được coi là một trong số nhạc sĩ có sáng tác hay về Hà Nội, Phan Nhân đã xuất bản “Tuyển chọn ca khúc Phan Nhân” (Nxb. Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1995). Cũng trong năm này ông có album “Niềm tin và hy vọng”. Dù sáng tác không nhiều nhưng có thể khẳng định chỉ riêng bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, nhạc sĩ Phan Nhân xứng đáng được ghi danh vào lịch sử âm nhạc Việt Nam . Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác
Nhưng có lẽ hạnh phúc lớn nhất đối với nhạc sĩ Phan Nhân là có được một người bạn đời – Nghệ sĩ ưu tú Phi Ðiểu, một giọng đọc đã từng làm say mê biết bao người hâm mộ trong mục "Ðọc truyện đêm khuya" của Ðài tiếng nói Việt Nam cũng như Ðài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bà là người phụ nữ biết hy sinh, hiểu biết và cảm thông đối với sự nghiệp sáng tác của ông. Đối với nhạc sĩ Phan Nhân, bà còn là một người đồng chí, một đồng tác giả không cần đứng tên trong những tác phẩm của mình.
Nhạc sĩ Phan Nhân nay đã bước vào cõi vĩnh hằng song ông vẫn gửi lại tình yêu, niềm tin và hy vọng cho các thế hệ mai sau vào một Hà Nội vững vàng vượt qua mọi gian khó, rạng rỡ tiến bước tới tương lai.