Sau khi thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa, nhiều tuyến đường đã xuống cấp, ổ voi ổ gà chằng chịt, nhà dân nứt toác vì xe quá khổ, quá tải chạy suốt ngày đêm.
Theo thống kê, cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài khoảng 100 km, bắt đầu từ hầm chui Tam Điệp (Ninh Bình) tới hầm Trường Vinh (xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn). Có 8 huyện, thị xã gồm: Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn và thị xã Nghi Sơn bị ảnh hưởng khi cao tốc đi qua, với tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng khoảng 695,7 ha.
Để có đường vận chuyển vật liệu phục vụ quá trình thi công cao tốc, nhiều đơn vị thi công đã mượn hàng chục tuyến đường tỉnh lộ, đường dân sinh. Tuy nhiên do đường nhỏ, kết cấu yếu nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tuyến đường không chịu được xe tải trọng lớn đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Trước khi mượn các tuyến đường trên, đơn vị thi công cũng như chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản mượn đường, cam kết sẽ sửa chữa trong quá trình sử dụng và hoàn trả lại sau khi thi công xong cao tốc.
Tuy nhiên khi đoạn cuối cùng của cao tốc thông xe là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (ngày 2/9/2023), việc sửa chữa, hoàn trả đường đã được địa phương, nhà thầu thực hiện nhưng nhiều nơi vẫn còn chậm khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Riêng tại huyện Nông Cống, địa phương có nhiều đường tỉnh lộ được nhà thầu mượn để chở vật liệu, đến nay nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc sửa chữa chưa kịp thời, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân.
Bà Lê Thị Nhung (xã Minh Nghĩa) cho biết: "Nhà tôi phải dùng tới 2 lớp cửa, căng cả bạt chống bụi nhưng vẫn không lại được. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì đường sình lầy. Cao tốc hiện đã làm xong, chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm sửa chữa lại đường để người dân yên tâm đi lại, ổn định cuộc sống".
Theo văn bản của UBND huyện Nông Cống gửi Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, trong quá trình thi công cao tốc, Ban QLDA2 và các đơn vị thi công sử dụng 6 tuyến đường tỉnh với chiều hơn 36km (DDT505, ĐT 512, ĐT 525).
Hiện nay, đã có kế hoạch và thực hiện hoàn trả 3 đoạn đường; huyện Nông Cống tiếp tục đề nghị được sớm hoàn trả các tuyến còn lại.
Ngoài việc nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tuyến kênh mương, tường rào, nhà dân cũng bị hư hỏng, rạn nứt.
Qua rà soát, thống kê, hiện có khoảng 210 hộ dân có công trình bị ảnh hưởng, trong đó ảnh hưởng đối với tuyến chính là 40 hộ; tuyến đường vận chuyển vật liệu là 170 hộ.
Ông Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa, cho biết, tuyến tỉnh lộ hư hỏng có chiều dài khoảng 4,2 km. Sau khi thi công xong cao tốc, nhà thầu đã hoàn trả lại mặt đường nhưng chỉ đổ đá base, lu lèn chứ không thảm nhựa, vì thế chỉ được ít hôm mặt đường lại bị xới tung.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Tâm (xã Vạn Thiện) bức xúc: "Trước khi thi công cao tốc, nhà tôi rất bình thường, không vấn đề gì cả. Thế nhưng, trong quá trình thi công, xe cộ chạy ầm ầm suốt ngày đêm dẫn đến nhà bị nứt hết. Hiện nhà tôi đã bị kéo nứt phần tường, nhiều vết nứt khác cũng đang to dần. Chúng tôi đã có làm đơn xuống xã nhưng chưa được giải quyết”.