Tôi biết Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND, Phó Tổng Biên tập kênh truyền hình ANTV qua một dấu ấn quan trọng trong cuộc đời mình.
Hồi đó, vừa chân ướt chân ráo về công tác tại Điện ảnh Bộ đội Biên phòng, tôi được lãnh đạo đơn vị khuyến khích làm phim dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2009. Thật may mắn, tác phẩm đầu tay của tôi với tên gọi “Vẫn còn có ngày mai” đã đạt Huy chương Bạc thể loại phóng sự, tài liệu.
Thành công đó là động lực rất lớn để tôi tự tin theo đuổi nghề báo, dù trước đó tôi không được đào tạo về lĩnh vực này. Đại tá Nguyễn Tuấn Chung, Giám đốc Điện ảnh Bộ đội Biên phòng còn "bật mí" rằng, chính Đại tá Nguyễn Quang Vinh là người đã “bênh vực” tác phẩm của tôi trước Hội đồng Giám khảo.
Làm truyền hình qua... con mắt của khán giả
Vậy mà mãi một năm sau, tôi mới chính thức được gặp và trò chuyện cùng anh khi theo lãnh đạo đơn vị sang chúc mừng Truyền hình CAND nhân ngày 19/8. Khi tôi rụt rè nói lời cảm ơn anh, anh sôi nổi bảo: “Cảm ơn gì chứ. Nhiệm vụ của Hội đồng Giám khảo là phải chọn ra những tác phẩm nổi trội và nhân văn để trao giải. Tác phẩm của em tuy còn nhiều hạn chế song đã tìm được câu chuyện hay, nhân vật tốt để chuyển tải thông điệp cuộc sống nên anh muốn có sự động viên khuyến khích để các em tiếp tục phấn đấu. Điều quan trọng là phải yêu nghề em ạ!”.
Vâng, điều quan trọng là phải yêu nghề. Đó cũng chính là kim chỉ nam cho 33 năm mang trên vai sắc phục của ngành Công an và cầm bút theo nghiệp báo chí của Nguyễn Quang Vinh. Năm 1981, tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân), anh về nhận công tác tại Cục công tác Chính trị, Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an. Tại đây, anh đã có những truyện ngắn đầu tiên đăng trên báo Công an nhân dân và được các nhà văn công an thời kỳ đó như nhà văn Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Lương Sĩ Cầm, Nguyễn Thu Trang đặt nhiều kỳ vọng.
Song, đường văn vừa mở lối thì cũng là lúc niềm đam mê với môn nghệ thuật thứ 7 thôi thúc Nguyễn Quang Vinh theo học tiếp tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh, rồi Học viện báo chí và tuyên truyền. Những tháng ngày sau đó, vừa nỗ lực rèn luyện năng lực chuyên môn thể hiện qua những tác phẩm truyền hình đầy ấn tượng trong chương trình “Vì an ninh Tổ quốc”, anh tiếp tục theo học các khóa đào tạo Thạc sỹ rồi Tiến sỹ chuyên ngành Xây dựng Đảng tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nhà báo Nguyễn Quang Vinh phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
33 năm trong nghề, dẫu đã đi được gần nửa chặng đường của tuổi “tri thiên mệnh”, nhưng dường như thời gian chỉ tạc thêm nét duyên cho anh biên tập viên Nguyễn Quang Vinh của chương trình truyền hình “Vì an ninh Tổ quốc”. Lịch lãm như một chính khách, ấm áp như một văn nhân trải thấu lẽ đời, có thể nói, suốt bao năm, anh lưu dấu trong lòng khán giả truyền hình cả nước mỗi khi cất giọng: “Kính thưa quý vị, các đồng chí và các bạn…”. Và trên hết, anh định danh trong làng truyền hình cả nước với hàng loạt tác phẩm đã đoạt giải thưởng Quốc gia về Điện ảnh, truyền hình cũng như báo chí như các phim truyện: Đêm mưa giông, Truyện tình thời Siđa, 10 tập kịch bản đầu tiên của loạt phim nổi tiếng Cảnh sát hình sự, phim tài liệu Trở lại cuộc đời, Ảo vọng sụp đổ, Những giọt lệ đắng… Qua tác phẩm của anh, những sự kiện, những nhân vật gắn bó với sự nghiệp cách mạng của đất nước, sự trưởng thành của ngành công an, các vấn đề xã hội nhức nhối… đã được “sống” lại trong từng khuôn hình, từng lời bình cô đọng, giàu tính biểu đạt có giá trị bền vững qua nhiều thế hệ.
Năm 2009, Nguyễn Quang Vinh được bổ nhiệm làm Phó cục trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND, Phó Tổng Biên tập Truyền hình CAND (ANTV). Thời điểm chuẩn bị lên sóng, anh như một con thoi không nghỉ. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Xây dựng lực lượng và trực tiếp là Trung tướng Hữu Ước, Đại tá Nguyễn Quang Vinh đã cùng với những người đồng cấp và đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt tình của mình trăn trở rất nhiều để xây dựng ANTV trở thành một kênh truyền hình độc đáo, đầy sức sáng tạo với hàng chục chuyên mục, phản ánh sâu rộng mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Hơn mười chương trình chuyên biệt về an ninh trật tự được phát sóng trên ANTV vào nhiều khung giờ như Hành trình phá án, Phía sau bản án, Một phiên tòa, hai bản án, An ninh với cuộc sống, Góc bình yên, Hình tượng người chiến sĩ công an… do chính Nguyễn Quang Vinh trực tiếp đưa ra ý tưởng, hướng dẫn, gợi ý cho các biên tập viên xây dựng format sau khi lến sóng đã mang đến cho khán giả cả nước những câu chuyện hấp dẫn, nêu bật được hình tượng người chiến sĩ Công an và hàm chứa tính nhân văn sâu sắc. Có lẽ chính từ suy nghĩ làm nghề bằng con mắt của khán giả, suy xét, tìm hiểu xem khán giả cần gì, muốn biết điều gì… nên các chương trình chuyên biệt của ANTV sau ba năm phát sóng vẫn giữ nguyên vẹn được sức “nóng” của ngày đầu, vẫn chạm đến được trái tim của khán giả.
Viết bằng cái tâm trong sáng
Trưởng thành trong lực lượng, gắn bó và hiểu biết sâu sắc về lực lượng, với Đại tá – NSƯT Nguyễn Quang Vinh, đề tài về lực lượng, về những chiến sĩ công an đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc mãi là nguồn cảm hứng bất tận trong cuộc đời sáng tác của anh. Anh cũng đặc biệt có thế mạnh với thể loại phim tài liệu chính luận với các bộ phim tài liệu sử thi hoành tráng của lực lượng công an như: Công an nhân dân trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, 65 năm công an nhân dân làm theo lời Bác, Sắc vàng lặng lẽ…
Từ trước tới nay, phim tài liệu vẫn được giới phê bình coi là thể loại phim đồng hành cùng cuộc sống, tác động tới cuộc sống và định hướng lại dư luận xã hội bằng lòng nhân ái, bằng lương tri và lẽ phải. Ở thể loại, đề tài này, Nguyễn Quang Vinh đã cho khán giả thấy được những hiện thực sinh động của đời sống xã hội cùng biết bao áp lực, trách nhiệm bảo vệ trị an đè nặng trên vai người lính trong quá khứ cũng như hiện tại. Bằng tâm huyết và tài năng của mình, theo một cách rất riêng, anh đã làm sáng lên phẩm chất người Công an nhân dân để những giá trị tốt đẹp đó được trường tồn và lan tỏa.
Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh
Nguyễn Quang Vinh cũng được đánh giá là một trong những nhà báo xuất sắc trong mảng đề tài phóng sự điều tra. Nhiều vụ việc khó, song anh vẫn lần ra từng đầu mối, từng chi tiết tưởng như vô can để tìm đến các cơ quan chức năng, yêu cầu họ đối thoại, trả lời người dân thỏa đáng. Anh bảo làm phóng sự điều tra không nhất thiết phải đao to búa lớn, mà quan trọng là tác phẩm sẽ góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề tồn tại trong xã hội. Chính vì thế, người làm phóng sự điều tra quan trọng là phải phát hiện bản chất vấn đề bằng cái tâm trong sáng, thực hiện điều tra với tính chất xây dựng, góp ý chứ không phải soi mói, moi móc.
Hơn 30 năm trong nghề, Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh là đạo diễn của nhiều tác phẩm điện ảnh, đồng thời là tác giả kịch bản, đạo diễn, biên tập và viết lời bình khoảng 800 phim tài liệu và phóng sự truyền hình đã được công chiếu rộng rãi trên hệ thống phát hành phim quốc gia, Truyền hình Việt Nam, Truyền hình CAND. Anh cũng là tác giả của gần 100 công trình, bài nghiên cứu lý luận, bài phóng sự phản ánh được tuyển chọn trong các tài liệu khoa giáo, chính trị của nhà xuất bản Công an nhân dân hoặc được in trên các ấn phẩm báo chí trong và ngoài lực lượng.
Để có được những con số ấn tượng ấy, quả thực không phải là điều đơn giản nếu như bản thân người nghệ sĩ không có sự tận tụy, hết lòng vì công việc và sức sáng tạo nội tại như ngọn lửa luôn sẵn sàng bùng cháy mỗi khi cảm hứng gọi tên trước mỗi đề tài hay, mỗi vấn đề “nóng” đòi hỏi người cầm bút phải dấn thân. Đại tá Hà Đoàn, nguyên Trưởng phòng Chuyên đề, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh Công an nhân dân cũng phải thừa nhận rằng hiếm có nhà báo nào trong lực lương có sức sáng tạo dồi dào và đa dạng như Nguyễn Quang Vinh. Và, hẳn nhiên cũng chính bởi lẽ đó, đại tá Nguyễn Quang Vinh xứng đáng là chủ nhân của 8 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc trong các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 3 giải B Giải Báo chí Quốc gia cùng hàng chục giải thưởng quan trọng khác.
Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh thường nói với cấp dưới rằng: “Cơ quan này rất cần những nghệ sỹ, phóng viên yêu nghề, còn nếu có yếu chuyên môn một chút, anh sẽ đứng đằng sau giúp đỡ để trở thành một nghệ sỹ giỏi, một nhà báo giỏi, không có gì đáng ngại cả”. Điều đó là sự thật! Quan điểm của anh là cởi mở, chia sẻ, tôn trọng anh em và xây dựng một đội ngũ giỏi nghề. Anh luôn tự hào mình là một người “thợ giỏi” chứ không phải người thầy và đặc biệt anh luôn nhìn thấy sự nỗ lực của đồng nghiệp. Ấy là anh khiêm tốn mà nói vậy, song với cá nhân tôi và tôi tin rằng còn với rất nhiều người khác nữa, anh thực sự là một thủ trưởng có tâm, có tầm và là một người thầy, người anh đáng kính.