Xã hội

Nhà báo lão thành Hà Đăng: Những bài viết còn nguyên giá trị thời cuộc

Hoàng Nhưỡng 20/06/2023 06:41

Năm nay đã 95 tuổi, nhưng ký ức của nhà báo lão thành Hà Đăng vẫn còn vẹn nguyên khi nhắc lại những bài viết tạo nên phong trào như Gió Đại Phong, những hồi ức nghe lại vẫn nóng hổi hơi thở của thời cuộc. Hơn 70 năm cầm bút xuất sắc trên nhiều chủ đề, với ông, viết về Đảng là trách nhiệm và vinh dự của người làm báo.

anh1-1-.jpg
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư.

PV: Thưa nhà báo Hà Đăng, xin ông chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc khi tác nghiệp với bài báo mở đầu cho phong trào “Gió Đại Phong” nổi tiếng.

Nhà báo Hà Đăng: Tháng 11/1960, lần đầu tiên tôi được cử vào Quảng Bình. Ở Đồng Hới đang có một hội nghị tổng kết phong trào hợp tác hóa. Do đến chậm, nên khi tôi vào, hội nghị gần kết thúc. Chiều hôm đó, tôi chỉ nghe được ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Hùng biểu dương Hợp tác xã Đại Phong. Nhận thấy đây là một điển hình hay nên sau khi hội nghị kết thúc, tôi bám ngay chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh và đề nghị đồng chí Chủ tịch tỉnh cho tôi theo anh Ánh về để viết bài, không phải thông qua tỉnh, huyện nữa. Chủ tịch tỉnh Trần Vũ ủng hộ và ngày hôm sau tôi và anh cùng về đó. Anh Ánh sắp xếp cho tôi ở với một bà cụ nông dân không có con, là xã viên hợp tác xã. Hôm sau, anh Ánh dẫn tôi tới nông trường Lệ Ninh - vùng mà sau này trong chiến tranh bị máy bay địch bắn phá ác liệt.

Chính ở Đại Phong, tôi đã thấy được cái hay của một hướng phát triển hợp tác xã mới và viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông”, phản ánh một thực tế là trong xã, số trung nông vào hợp tác xã chưa nhiều, chỉ có những gia đình nghèo, ít ruộng đất, gia đình bần cố nông mới vào, mức sống của họ rất thấp. Hồi ấy, Đảng đề ra khẩu hiệu đuổi kịp mức sống trung nông và phát động phong trào phá “xiềng ba sào”. Nhiều nơi tính bình quân mỗi người không được ba sào ruộng đất nên phải vừa tăng vụ, vừa khai hoang thêm. Lần thứ nhất, hợp tác xã tập hợp các bần cố nông có mức sống thấp, dùng phương thức sản xuất hợp tác nâng mức sống của họ lên đuổi kịp mức sống trung nông. Các bần cố nông khác thấy vậy lại xin vào hợp tác xã. Một hợp tác xã khác, có mức sống cũng xin gia nhập, làm mức sống chung bị tụt xuống.

Cứ như vậy, phải đến lần thứ ba mới có được một hợp tác xã có mức sống trung nông. Bài viết xong, anh Lê Điền có sửa lại phần đầu một chút, rồi in lên báo Nhân Dân (ngày 9/01/1961). Sau này, bài cũng được in lại trong cuốn giáo trình về làm báo.

Tôi viết bài báo “Ba lần đuổi kịp trung nông” được giải thưởng Hội Nhà báo khi đang học ở Trường Đảng cao cấp Liên Xô, tại Moscow. Phần thưởng là một chiếc đồng hồ Poljot. Đồng chí Trưởng ban Nông thôn Báo Nhân Dân lúc đó tạm sử dụng cho đến mùa thu năm 1964, khi tôi ở Liên Xô về, anh mới trao lại. Và tôi đã tặng chiếc đồng hồ ấy cho chú em trai đang chỉ huy một tiểu đoàn pháo ở bờ biển Nghệ An. Chú ấy mang chiếc đồng hồ giải thưởng khá lâu, mãi đến tận khi được điều vào bám trận địa ở Gio Linh, phía Nam giới tuyến.

PV: Từ bài viết “Ba lần đuổi kịp trung nông”, phong trào “Gió Đại Phong” sau đó diễn ra như thế nào thưa ông?

Nhà báo Hà Đăng: Tôi nhớ khi bài báo mới ra, Bác Hồ đã gọi điện cho báo, khen đây là một điển hình tốt. Liền đó, ngày 11/01/1961, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác ký tên T.L, nhan đề là “Một hợp tác xã gương mẫu”. Bác viết: “Trong khoảng ba năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến 455 hộ ngang với mức sống trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó, sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên”. Bác cũng đã chỉ thị cho Ban Nông nghiệp Trung ương do đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Trưởng ban trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng cả một đoàn cán bộ đã vào Đại Phong. Và khi về, anh đích thân viết một bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong, trong đó nêu lên rất nhiều kinh nghiệm. Cũng từ đó, một phong trào học tập Đại Phong nổi lên khắp cả nước.

Lúc bấy giờ, cả nước đang phát triển phong trào học tập những gương tốt, những điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, công nghiệp và quân đội. Về nông nghiệp có Đại Phong, về công nghiệp có Duyên Hải. Trong quân đội có phong trào thi đua ba nhất. Tôi rất vui vì mình đã đóng góp phần nào cho phong trào, nhất là khi hợp tác xã Đại Phong được tuyên dương Anh hùng.

Nhớ lại câu chuyện Đại Phong thuở ấy, lòng tôi cảm thấy bồi hồi xúc động. Bác Hồ bận trăm công nghìn việc mà hằng ngày vẫn dành thì giờ đọc báo, qua đó phát hiện những điển hình tiên tiến và “ra tay” gây dựng nên những phong trào thi đua rộng lớn.

PV: Từ cơ duyên với báo Đảng và trải qua nhiều cương vị như Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư, xin ông chia sẻ cảm xúc khi viết về Đảng từ những ngày đầu.

Nhà báo Hà Đăng: Tôi thật sự bối rối khi nhận viết về đề tài này: “Viết về Đảng, trách nhiệm và vinh dự của người làm báo”. Không phải vì đề tài quá khó hay quá dễ trong việc thực hiện. Vấn đề là ở chỗ nhận thức nó như thế nào và phải làm gì để đưa được nhận thức ấy vào cuộc sống. Có nghĩa là làm thế nào để mỗi người làm báo chúng ta đều cảm thấy có vinh dự lớn lao được cầm bút viết về Đảng và vì vinh dự ấy thấy trách nhiệm nặng nề khi cầm bút. Hơn thế nữa, khi trách nhiệm và vinh dự đã hòa quyện với nhau thành bản năng thì ngòi bút sẽ trở nên thanh thoát, phóng khoáng và sinh động; viết về Đảng tức là viết về người lãnh đạo cách mạng, về công việc lãnh đạo mà cứ như là viết về chính bản thân cuộc sống - cuộc sống của cách mạng, của nhân dân và của chính mình.

Đối với cuộc cách mạng của chúng ta, ngày nay là sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, mỗi người làm báo chúng ta đều vừa là chủ nhân vừa là chứng nhân. Là chủ nhân, cùng với nhân dân nói chung, chúng ta làm hết sức mình cho thắng lợi của cách mạng, không ngừng sáng tạo nên những giá trị vật chất và văn hóa. Là chứng nhân, chúng ta có trách nhiệm ghi chép và phản ánh một cách trung thực bức tranh về cuộc cách mạng mà nhân dân ta đang tiến hành, một bức tranh rạng rỡ hào quang, nhưng không phải là không có những mảng tối, đậm đặc chiến công và thành tựu, nhưng không phải không có đan xen thất bại và khuyết điểm. Trong cái bức tranh chung đó, đã nổi bật vị trí trung tâm của nhân dân ta, cũng nổi bật lên người lãnh đạo sáng suốt, tài năng và quả cảm: Đảng Cộng sản Việt Nam.

anh2-1-.jpg
Nhà báo lão thành Hà Đăng chia sẻ với phóng viên Báo Công lý.

PV: Trên nhiều lĩnh vực và chủ đề ông đều là cây bút xuất sắc, vậy viết về Đảng nên viết như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Hà Đăng: Viết về Đảng là viết về cái gì? Và nên viết như thế nào? Chắc chắn những câu hỏi ấy thường xuyên nung nấu trong lòng mỗi người chúng ta. Tôi nghĩ, viết về Đảng không chỉ là viết về những gì mà Đảng quan tâm trong công tác lãnh đạo của mình, mà trước hết là viết về những gì mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đến Đảng, tức là quan tâm đến người lãnh đạo cuộc cách mạng, bởi lẽ như Đảng ta thường nói: “Toàn bộ thành tựu và khuyết điểm của công cuộc đổi mới đều gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo và hoạt động của Đảng ta”. Mối quan tâm của nhân dân đối với Đảng bao quát nhiều lĩnh vực, từ lịch sử ra đời cho đến hệ tư tưởng của Đảng; từ quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đảng trong lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ cho đến những hoạt động thực tiễn hiện nay của Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; từ đường lối chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng cho đến phẩm chất và đạo đức của người cán bộ đảng viên trong thời kỳ mới.

Bản thân tôi, không phải là người chuyên viết về lĩnh vực xây dựng Đảng. Nhưng đối với các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là nghị quyết về xây dựng Đảng, tôi đã nghiên cứu và viết với sự say mê, không chỉ vì trách nhiệm mà cả sự phấn hưng nội tâm.

“Chúng ta phải thừa nhận rằng, để có những tác phẩm báo chí hay viết về Đảng, nhà báo không thể hời hợt, nông cạn, cưỡi ngựa xem hoa, phải có khả năng chọn lọc, đánh giá nghiêm túc, khoa học các vấn đề”. Và xin nói thêm một điều: Viết về các văn kiện Đảng, bao gồm cả các nghị quyết của Đảng, người làm báo tuyệt nhiên không thể dùng ngôn ngữ của văn kiện, tức là lặp lại nguyên xi các văn kiện, mà là dùng ngôn ngữ báo chí để nói về các văn kiện ấy, tức phải nhìn nghị quyết từ cuộc sống, suy ngẫm và sáng tạo nhiều.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo lão thành Hà Đăng: Những bài viết còn nguyên giá trị thời cuộc