Chiều nay (8/5), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm về tội Cố ý làm trái … và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC, tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Trong phiên xét hỏi chiều nay (8/5), bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN đã bị tòa cấp sơ thẩm xử phạt 9 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ và buộc bị cáo này phải bồi thường 7,5 tỷ đồng.
Trình bày trước tòa về lý do kháng cáo kêu oan của mình, bị cáo Phùng Đình Thực cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đặc thù của PVN là một tập đoàn lớn, kinh doanh đa ngành, trên 200 công ty lớn nhỏ, hoạt động trên 10 quốc gia khác nhau.
Trong tập đoàn có hàng trăm dự án lớn nhỏ, hàng chục dự án trọng điểm, thời điểm đó có 5 dự án lớn khai thác trên biển đông, Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất được khởi động lại, Nghi Sơn thì chuẩn bị hạ tầng,…. Trước bối cảnh đó, Tổng Giám đốc không thể phụ trách hết các dự án.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, 2 Phó TGĐ là Nguyễn Quốc Khánh phụ trách về điện, Nguyễn Xuân Sơn phụ trách tài chính. Và phân công chuyên cho Phó TGĐ Khánh chủ trì, các Phó TGĐ được quyền sử dụng quyền của TGĐ để giải quyết công việc và chịu trách nhiệm đến cùng, chỉ phải báo cáo Tổng Giám đốc khi có sự việc phức tạp vướng mắc.
Bị cáo Phùng Đình Thực tại phiên tòa xét xử
Nguyên Tổng Giám đốc PVN cho biết thêm, bị cáo không biết đến việc Hợp đồng EPC số 33 vi phạm, không có vai trò gì trong việc PVN tạm ứng cho PVC. Người chịu trách nhiệm chính đối với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tại Ban Tổng Giám đốc là lãnh đạo tập đoàn trực tiếp phụ trách dự án (Khánh).
Ngoài ra, bị cáo Thực cũng cho biết: Tất cả các cuộc họp về dự án này, nếu là HĐQT thì anh Thăng chủ trì, nếu là Ban Tổng Giám đốc thì anh Khánh chủ trì, bị cáo chỉ dự duy nhất 1 cuộc họp về dự án này do anh Thăng chủ trì, các công văn gửi về tập đoàn, nếu có chữ điện thì gửi thẳng cho anh Khánh, nếu liên quan đến tài chính thì gửi thẳng cho anh Sơn.
Ngay sau đó, HĐXX hỏi bị cáo Thực có đến dự lễ khởi công dự án NMNĐ TB2 hay không, bị cáo trả lời không nhớ và bị cáo cũng không nghe ai nói đến việc HĐ 33 không đủ căn cứ.
Bên cạnh đó, bị cáo cho biết thêm, bị cáo không chỉ đạo việc ký hợp đồng 33; Trước ngày 6/6/2011, bị cáo không biết hợp đồng này không có căn cứ nhưng vẫn tiến hành; bị cáo không có vai trò trong việc việc tạm ứng tiền cho PVC.
Bị cáo Thực cho biết có gửi kèm 24 chứng cứ, trong đó 8 chứng cứ có trong hồ sơ nhưng chưa được đánh giá đầy đủ, 11 chứng cứ mới, còn lại 5 chứng cứ chưa được cấp sơ thẩm đánh giá.
Theo lời khai của ông Thực, có nhiều cuộc họp liên quan đến NMNĐ Thái Bình 2, nhưng chỉ có 1 cuộc họp bị cáo tham gia, còn lại các cuộc họp khác do bị cáo Nguyễn Quốc Khánh chủ trì. Các văn bản liên quan đến NMNĐ Thái Bình 2 cũng được chuyển về thẳng cho bị cáo Khánh.
Trình bày trước HĐXX, bị cáo Phùng Đình Thực cho hay, nếu bị buộc phải bồi thường, bị cáo sẽ bán nhà để khắc phục hậu quả. Bị cáo đang nghiên cứu dở dang một công trình khoa học được đánh giá là cấp thiết, có thể áp dụng nhằm phát triển kinh tế. Bị cáo mong được miễn tội để tiếp tục hoàn thành công trình khoa học của mình.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đến tòa với tư cách người làm chứng
Trước đó, đối chất ngay tại tòa, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó TGĐ PVN ra tòa với tư cách người làm chứng cho biết HĐ 33 đã khẳng định rõ chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu đủ 6% ngay sau khi HĐ được ký kết. Các điều khoản còn thiếu có thể bổ sung sau.
Cũng ra tòa với tư cách nhân chứng, ông Vũ Huy Quang, nguyên TGĐ PVPower cho biết không nắm rõ lý do chuyển đổi thiết kế dự án, nhưng có lẽ là do năng lực tài chính của PVPower khi PVPower là công ty con của PVN nên mọi vấn đề về tài chính đều do PVN quyết định và PVN hiểu rõ về tình hình tài chính của Tổng công ty.
Về việc PVN quyết định thay đổi công nghệ lò hơi của nhà máy, theo ông Quang, nếu không chuyển đổi công nghệ thì cũng chưa đủ căn cứ để ký HĐ EPC 33. Thời điểm đó do sức ép tiến độ rất lớn, tập đoàn liên tục họp về tiến độ và yêu cầu không lùi thời gian khởi công. Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh với tư cách Phó TGĐ PVN phụ trách lĩnh vực điện đã đôn đốc PVPower phải ký với mục đích ký trước, hoàn thiện sau.
Theo cáo trạng, ngày 10/1/2011, Nguyễn Quốc Khánh - Phó TGĐ PVN đã ký công văn số 439 gửi PVPower chấp thuận phương án thay đổi công nghệ lò hơi Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và chỉ đạo PVPower đề nghị PECC1 lập hồ sơ hiệu chỉnh dự án.
Ngày 24/2/2011, Đinh La Thăng ký quyết định phê duyệt thiết kế cơ sở hiệu chỉnh dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ngày 28.2.2011, Vũ Huy Quang – TGĐ PVPower và Vũ Đức Thuận – TGĐ PVC ký hơp đồng EPC 33 về việc “Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hóa, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gói thầu: EPC xây dựng nhà máy chính - thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhiệt điện Thái Bình 2”.
Ngày 13/5/2011, PVN, PVPower và PVC đã ký hợp đồng số 4194 chuyển đổi chủ thể hợp đồng số 33, theo đó chuyển dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ PVPower là chủ đầu tư thành PVN là chủ đầu tư, đồng thời PVN nhận và kế thừa mọi trách nhiệm, nghĩa vụ của hợp đồng 33 từ ngày 1/4/2011.
Phiên tòa sẽ được tiếp tục làm việc trở lại vào 8h sáng mai (9/5).