Đây là một trong những đổi mới đáng chú ý vì lần đầu tiên Hiến pháp đã ghi nhận nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử được coi là một trong những khâu đột phá của hoạt động tư pháp.
Quy định của Hiến pháp sửa đổi năm 2013 về nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”
Tranh tụng là hoạt động của các bên tham gia xét xử đưa ra các quan điểm của mình và tranh luận lại để bác bỏ một phần hoặc toàn bộ quan điểm của phía bên kia. Tranh tụng là cơ sở để Tòa án đánh giá toàn bộ nội dung vụ án và đưa ra phán quyết cuối cùng đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xác định tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, Điều 103 khoản 5 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Đây là một trong những đổi mới đáng chú ý vì lần đầu tiên Hiến pháp đã ghi nhận nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử.
Việc hiến định nguyên tắc tranh tụng mang nhiều ý nghĩa, cụ thể: Thứ nhất, quy định nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp đã thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp.
Từ trước tới nay vấn đề tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng được quan tâm và đề cập tới nhiều. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương về vấn đề này, cụ thể: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã quy định: “… Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác... Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng của phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời gian quy định”. Tiếp đó, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khẳng định: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Nghị quyết 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 yêu cầu: “… Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”.
Nguyên tắc bảo đảm bảo tranh tụng góp phần quan trọng để Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật
Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành cũng có nhiều quy định chứa đựng nội dung của nguyên tắc tranh tụng như quy định nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc xác định sự thật vụ án, nguyên tắc pháp chế XHCN; các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, các quy định về tranh luận tại phiên tòa. Đặc biệt, Điều 222 BLTTHS năm 2013 quy định: “Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sat viên, bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”.
Mặc dù vậy, các quy định trên còn thiếu tính cụ thể, nhất là chưa có văn bản pháp lý nào chính thức ghi nhận nguyên tắc bảo đảm và cơ chế bảo đảm tranh tụng nên thực tiễn hoạt động chưa phát huy hiệu quả. Do vậy, việc Hiến pháp quy định cụ thể, rõ ràng nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử là một bước tiến lớn và rất phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Nhà nước ta.
Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong Hiến pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn trong việc xét xử.
Những quy định pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đã và đang phát huy hiệu lực trên thực tiễn của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử ngày càng hiệu quả, việc tranh luận tại phiên tòa bảo đảm tính dân chủ, khách quan. Tuy nhiên so với tình hình đặt ra thì hoạt động tranh tụng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân từ những quy định của pháp luật về tranh tụng và bảo đảm tranh tụng chưa rõ ràng, cụ thể nên hiệu lực chưa cao.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định chính thức về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng như vậy sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ tư pháp, của công dân trong quá trình thực hiện các quyền năng khi tham gia tranh tụng. Đồng thời thực tiễn xét xử sẽ thay đổi, với bước tiến mới trọng tâm là hoạt động tranh tụng được bảo đảm, phát huy tối đa tính công bằng, dân chủ.
Thứ ba, việc quy định nguyên tắc tranh tụng trong Hiến pháp là tiền đề để xây dựng và hoàn thiện các quy định về bảo đảm tranh tụng trong các văn bản pháp luật tố tụng.
Hiến pháp là đạo luật gốc, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất. Do vậy, khi Hiến pháp quy định về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng như vậy thì những quy định trong bộ luật, luật, các văn bản dưới luật chưa rõ ràng, không thống nhất phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo sự thống nhất trong việc vận dụng pháp luật, đặc biệt đòi hỏi cần xây dựng quy định cụ thể về phương thức bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Tranh tụng trong xét xử có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp
Việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa được TAND coi là khâu đột phá để nâng cao công tác xét xử, đảm bảo những phán quyết của Tòa án đúng luật, mang lại công lý, niềm tin cho nhân dân và xã hội. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận không chỉ ở các phiên tòa xét xử hình sự mà được áp dụng đối với cả các phiên tòa xét xử dân sự, hành chính.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, để đáp ứng tinh thần, nội dung của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc đảm bảo tranh tụng khi xét xử, nên chuyển đổi từ mô hình hỏi đáp trong xét xử hiện nay sang vừa xét hỏi vừa tranh tụng. Hiện nay, nguyên tắc tố tụng của Nhà nước ta chỉ là xét hỏi. Khi chủ tọa phiên tòa chủ động hỏi và bị cáo trả lời tạo ra một sự bất bình đẳng giữa một bên là Nhà nước, là tòa án và các cơ quan có thẩm quyền còn bên kia là bị cáo đương sự hoặc là những người có liên quan, không tạo ra được bầu không khí thật sự dân chủ. Để khắc phục tình trạng trên, Hiến pháp đã quy định “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Việc xét xử sơ thẩm của TAND có hội thẩm nhân dân tham gia, trừ trường hợp theo thủ tục rút gọn. Đây là cơ sở phù hợp để tạo điều kiện cho cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, là cách thức để tìm ra chân lý, làm sáng tỏ sự thật khách quan. Đặc biệt, tranh tụng sẽ là cách nâng cao nhận thức, tạo ra môi trường dân chủ bình đẳng trong quan hệ tố tụng, buộc các chủ thể có thẩm quyền từ điều tra, truy tố, xét xử phải nâng cao năng lực trình độ, hạn chế được chủ quan, duy ý chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Nguyên tắc này góp phần rất quan trọng để Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng oan sai, bảo đảm cho nền tư pháp nước ta là một nền tư pháp dân chủ, công bằng và công lý.
Luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa
GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng: Muốn tranh tụng hình thành, trước tiên phải thay đổi nhận thức của các chức danh tư pháp. Trong quá trình xét xử, Viện kiểm sát là cơ quan buộc tội phải chủ động trình bày quan điểm, chứng cứ buộc tội của mình. Trên cơ sở đó, luật sư, hoặc người bào chữa là những người đại diện cho thân chủ của mình chứng minh quan điểm gỡ tội của mình. Thông qua tranh luận đó, chủ tọa xem xét bên nào đúng bên nào sai. Muốn nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, cần chuyển đổi mô hình xét hỏi hiện nay sang mô hình vừa xét hỏi vừa tranh tụng hoặc chuyển hẳn sang mô hình tranh tụng. Việc này sẽ phải quy định rõ trong Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức Viện KSND cũng như Bộ luật tố tụng Hình sự.
Hiện theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thi hành Hiến pháp năm 2013 thì một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong đó, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND sẽ phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là tại kỳ họp diễn ra vào tháng 10/2015.