Theo quy định của BLTTHS, thời kỳ buộc tội và thời kỳ kết tội là hai giai đoạn tố tụng khác nhau. Buộc tội thuộc giai đoạn “Truy tố”, quy định tại Chương XVIII, còn kết tội là giai đoạn “Xét xử vụ án hình sự” quy định tại Chương XX của BLTTHS.
BLTTHS năm 2015 có 27 nguyên tắc cơ bản, trong đó Điều 13 quy định: “Nguyên tắc suy đoán vô tội” với nội dung: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Nghiên cứu quy định tại Điều 13 nêu trên, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần quan tâm. Trước hết, điều luật có cụm từ “buộc tội” và cụm từ “kết tội” với ý nghĩa khác nhau. “Buộc tội” nói chung là hoạt động của cơ quan Nhà nước, của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kết luận người đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm. Trong hoạt động tố tụng hình sự thì VKSND, VKSQS là cơ quan buộc tội bằng cách ghi trong bản cáo trạng để truy tố người bị buộc tội (bị can) ra trước Tòa án và Viện kiểm sát tham gia phiên tòa xét xử người bị buộc tội để bảo vệ cáo trạng. Còn “kết tội” được hiểu theo Từ điển Tiếng Việt là Tòa án ra bản án tuyên bố người bị buộc tội là phạm tội theo quy định của BLHS.
Theo quy định của BLTTHS, thời kỳ buộc tội và thời kỳ kết tội là hai giai đoạn tố tụng khác nhau. Buộc tội thuộc giai đoạn “Truy tố”, quy định tại Chương XVIII, còn kết tội là giai đoạn “Xét xử vụ án hình sự” quy định tại Chương XX của BLTTHS.
Trong thực tế hoạt động tố tụng hình sự có nhiều người bị buộc tội, bị truy tố trước Tòa án nhưng Tòa án không kết tội, bản án của Tòa án đã tuyên bố người bị buộc tội không phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Theo Báo cáo tổng kết công tác Tòa án hàng năm của TANDTC thì năm 2013, Tòa án trong cả nước tuyên án 21 người không phạm tội và năm 2015 đã tuyên án 22 người không phạm tội. Kết quả này cho thấy, không phải người buộc tội nào cũng là người bị kết tội.
Một phiên tòa hình sự
Trong Điều 13 của BLTTHS năm 2015 có quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật… Quy định này được hiểu là trường hợp người bị buộc tội và có bản cáo trạng truy tố trước Tòa án nhưng chưa có bản án có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội được suy đoán là không có tội. Nói cách khác, thời gian suy đoán vô tội của người bị buộc tội là từ thời điểm Viện kiểm sát buộc tội đến thời điểm bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể là bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm.
Tuy nhiên, trong thực tế có người bị buộc tội đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng người bị kết án đó vẫn được quyền suy đoán là mình vô tội, đó là khi họ bị kết án oan.
Ví dụ, ông Nguyễn Thanh Tuy ở Hà Nội bị kết tội trốn thuế theo Bản án hình sự phúc thẩm số 706/2014/HSPT ngày 9/9/2014 của TAND TP. Hà Nội, với hành vi trốn thuế môn bài, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng sự thật là ông Tuy không kinh doanh, không sản xuất buôn bán, không phải là đối tượng nộp ba loại thuế trên. Sự thật ông Tuy là người hưu trí, kinh tế khó khăn nên bớt một phần diện tích nhà ở là 21m2 để cho thuê lấy tiền phụ thêm để bảo đảm cuộc sống. Vì thế, ông Tuy vẫn kêu oan.
Hoặc vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận bị kết án tù chung thân về tội giết người, cướp tài sản từ ngày 31/8/2000, đến ngày 10/10/2015, kẻ giết bà Bông và cướp tài sản là Nguyễn Thọ mới bị phát hiện và bắt giữ. Trong thời gian bị Tòa kết án và bản án có hiệu lực pháp luật, ông Nén và người biết sự việc là ông Nguyễn Thận luôn cho rằng, ông Nén bị kết tội oan và kiên trì kêu oan. Suy đoán vô tội của ông Nén và ông Thận là đúng nên ông Huỳnh Văn Nén đã được minh oan.
Chúng tôi mong rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền khẩn trương giải quyết các đơn kêu oan, theo đúng nguyên tắc “Suy đoán vô tội” để nguyên tắc này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.