Hồ sơ vụ án

Nguyên Phó Chủ tịch Quảng Nam mấy lần nhận hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu"?

Việt An 05/04/2023 09:57

Khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Trần Văn Tân được bổ nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, bị can đã 9 lần nhận hối lội của doanh nghiệp với tổng số tiền 5 tỷ đồng.

Như Báo Công lý đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 54 bị can về các tội danh: Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối hộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến "chuyến bay giải cứu".

9 lần nhận hối lộ diễn ra thế nào?

Đối với hành vi nhận hối lộ xảy ra tại một số tỉnh, thành, kết luận điều tra xác định: Thực hiện chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid 19, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đề xuất, ra văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế tại địa phương để các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo đưa công dân về cách ly y tế tại địa phương; thẩm định, lựa chọn cơ sở đủ điều kiện, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh được tham gia cách ly y tế tại địa phương.

tran_van_tan_qn.jpeg
Bị can Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Tại các địa phương, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ hoặc Văn phòng UBND tỉnh được giao làm Trưởng ban hoặc Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch, xem xét ra quyết định chấp thuận chủ trương cách ly cho công dân về nước trên các chuyến bay combo do doanh nghiệp tổ chức.

Để được xét duyệt tổ chức các chuyến bay combo đưa công dân về nước, hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp phải có công văn chấp thuận chủ trương cho cách ly y tế tại địa phương.

Vì vậy, các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay đã chủ động tiếp cận cán bộ, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ xin cách ly y tế tại địa phương để tác động, thỏa thuận, đưa hối lộ cho các cán bộ này.

Theo kết luận điều tra, bị can Trần Văn Tân khi còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; y tế, giáo dục.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, bị can Trần Văn Tân được bổ nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh.

Ngày 16/4/2021, bị can Tân thay mặt UBND tỉnh Quảng Nam ký văn bản phân công trách nhiệm các sở, ngành về việc đón công dân về nước cách ly tại khách sạn.

Trong quá trình duyệt, ký chấp thuận cho một số Công ty đưa công dân về cách ly tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, bị can Tân đã nhận tiền của bị can Lê Hồng Sơn và bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Kết luận điều tra xác định, bị can Trần Văn Tân đã 9 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 5 tỷ đồng để tạo điều kiện cho Công ty TravelSky của các bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn được tổ chức cách ly công dân liên quan "chuyến bay giải cứu".

Cụ thể, lần đầu vào tháng 5/2021, Hằng thông qua một nữ nhân viên kinh doanh một khu nghỉ dưỡng, gặp bị can Tân tại UBND tỉnh rồi đặt vấn đề và được đồng ý cho tổ chức đón công dân từ Nhật Bản về cách ly tại một khu nghỉ dưỡng. Trong buổi gặp, Hằng "biếu" vị Phó Chủ tịch tỉnh 600 triệu đồng.

Cùng tháng, Hằng và nữ nhân viên khu nghỉ dưỡng đến phòng làm việc của bị can Tân, "biếu" 450 triệu đồng để xin thực hiện chuyến bay giải cứu do Văn phòng Chính phủ cấp. Bị can Tân sau đó ký 2 văn bản thống nhất cho Công ty TravelSky đón công dân về cách ly tại Quảng Nam.

Lần thứ 3 vào ngày 8/6/2021, Hằng và nữ nhân viên khu nghỉ dưỡng lại đến gặp bị can Tân, xin tiếp tục được đưa công dân về cách ly nhằm tạo cơ sở xin tổ công tác 5 Bộ cấp giấy phép thực hiện chuyến bay giải cứu. Tại phòng làm việc, Hằng và nữ nhân viên đã đưa 300 triệu đồng cho ông Tân.

Một tuần sau, Hằng và cấp dưới là Lê Hồng Sơn tiếp tục đến gặp ông Tân, đưa 400 triệu đồng. Đổi lại, họ nhận được 3 văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty TravelSky tổ chức đón công dân từ nước ngoài về cách ly tại Quảng Nam.

Trong 5 lần sau đó từ 29/6 đến 31/12/2021, bị can Tân được Hằng "biếu" từ 440 -900 triệu đồng, cũng với động cơ thực hiện "giải cứu công dân", cách ly tại Quảng Nam. Cơ quan An ninh cáo buộc bị can Tân có tổng cộng 9 lần nhận hối lộ với số tiền 5 tỉ đồng từ Hằng và Sơn.

Liên quan đến vụ án, còn một số cá nhân khác tại tỉnh Quảng Nam nhận tiền của bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ điều tra, làm rõ để xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.

Nhờ “chạy án” để không bị xử lý hình sự

Trong vụ án trục lợi từ “chuyến bay giải cứu”, cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thị Thanh Hằng (nguyên Phó TGĐ Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bluesky) đã bàn bạc, thống nhất cùng bị can Sơn móc nối, đưa hối lộ cho các bị can có thẩm quyền hơn 38 tỷ đồng để xin phép thực hiện 109 chuyến bay combo.

Đáng chú ý, khi vụ án bị phanh phui, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, đã gặp ông Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhờ giúp đỡ. Sau đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đã liên hệ và được bị can Hoàng Văn Hưng, thời điểm đó là Trưởng phòng Điều tra Cục An ninh điều tra - Bộ Công an nhận lời làm trung gian giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Từ tháng 1/2022- 12/2022, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Hằng làm đại diện liên hệ gặp, để “chạy án” cho Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Bị can Hằng đã chuyển cho Nguyễn Anh Tuấn hơn 2,6 triệu USD và ông Tuấn khai đã chuyển hơn 2,2 triệu USD cho Hoàng Văn Hưng, tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ xác định được số tiền ông Tuấn chuyển cho ông Hưng là 800.000 USD.

Khi vụ việc bị phát giác, ông Hoàng Văn Hưng bị đề nghị truy tố về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” còn ông Tuấn bị đề nghị truy tố tội “Môi giới hối lộ”.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong, ngoài nước.

Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Phó Chủ tịch Quảng Nam mấy lần nhận hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu"?