Nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng không như kỳ vọng

Trang Nhi| 07/03/2022 10:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và dịch COVID-19 diễn ra tại một số địa phương trong tháng 02/2022 làm hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng không đạt được như kỳ vọng.

Theo báo cáo tình hình thương mại và công nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022 của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,4%.

ban-le-hang-hoa.jpg
Nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng không như kỳ vọng

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai năm 2022 ước đạt 421,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,7%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,7%; lương thực, thực phẩm tăng 9,0%; phương tiện đi lại tăng 4,3%; may mặc giảm 8,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 9,1%.

Thị trường hàng hóa 2 tháng đầu năm 2022 chủ yếu tập trung cho các hoạt động phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Tổng mức bán lẻ tiếp tục yếu do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân chính là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 làm cho tăng trưởng kinh tế bị chậm lại nhanh. Số doanh nghiệp tham gia thị trường hoặc tạm vào thị trường giảm, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng, số doanh nghiệp đang hoạt động giảm doanh thu. Số lao động đang làm việc bị giảm (năm 2020 giảm 1,9%, năm 2021 giảm 8,6%) do số lao động bị thất nghiệp tăng; số lao động thiếu việc làm cũng tăng so với trước đại dịch. Thu nhập của lao động đang làm việc giảm.

Một nguyên nhân cần nhắc đến là tỷ lệ phần tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường (tức là tổng mức bán lẻ) so với tổng tiêu dùng cuối cùng bị giảm (nếu năm 2019 là 108,6%, thì năm 2020 chỉ còn 106%, ước năm 2021 còn thấp hơn), do phần tiêu dùng thông qua tự cấp tự túc tăng.

Tổng mức bán lẻ yếu tác động đến nhiều mặt. Rõ nhất và trực tiếp nhất là mức sống thực tế của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, bị “bào mòn” sau hơn 2 năm bị đại dịch tác động, cả về quy mô, cả về cơ cấu, chủng loại... Tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 70%) tổng GDP, cao hơn gấp đôi tích lũy tài sản, nên tác động lớn đến tăng trưởng GDP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng không như kỳ vọng