Sau phần công bố cáo trạng truy tố của đại diện VKS đối với 11 bị cáo trong vụ án thâu tóm đất đấu giá, liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Loan, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedime, phiên tòa đã bước vào phần xét hỏi.
Theo đó, trước HĐXX bị cáo Nguyễn Quang Hưng (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vimedimex) thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, bị cáo không có ý kiến gì thêm.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Hưng cho biết trước khi bị đưa ra xét xử, bị cáo là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vimedimex, phụ trách khối đầu tư của tập đoàn, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và tham mưu. Bị cáo chỉ có chức năng tham mưu, không có chức năng tìm kiếm các dự án mới.
Liên quan đến hành vi sai phạm trong vụ án này, theo lời khai của bị cáo Hưng, bà Nguyễn Thị Loan có chỉ đạo về việc được ủy quyền để tham gia đấu giá.
Thông qua hồ sơ, bị cáo có báo cáo lại về giá sàn, phương thức làm sao phù hợp với quy định; sau đó Loan chỉ đạo cách thức bỏ giá; và 3 công ty cùng bỏ một mức giá.
Theo bị cáo Hưng, ông không đủ thẩm quyền bàn bạc mà chỉ nhận thông tin về các bước bỏ giá rồi truyền đạt lại cho những người được ủy quyền. “Tôi không được hưởng bất cứ khoản lợi nào từ việc này, không bàn bạc với bất kì ai”, bị cáo Hưng khẳng định.
Tại tòa, bị cáo Tạ Thị Vân (Tổng giám đốc Công ty bất động sản Bắc Từ Liêm) thừa nhận hành vi phạm tội như VKS đã truy tố và khẳng định bản thân không được hưởng lợi gì.
Theo lời khai của bà Vân, trước khi đấu giá, bị cáo gặp Hưng và Nguyễn Xuân Đức tại tập đoàn; được Hưng nói lại về việc bà Loan đưa 3 người đi đấu giá dự án ở Đông Anh, khi đi thì mang giấy tờ tùy thân, phương thức đấu giá sẽ được truyền đạt.
Tương tự hai bị cáo trên, Nguyễn Xuân Đức (Tổng giám đốc Tập đoàn Vimedimex 2, Phó tổng giám đốc Công ty bất động sản Mỹ Đình) thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người đúng tội; bị cáo nhận thấy hành vi sai phạm của bản thân kéo dài từ trước hôm đấu giá cho tới phiên đấu giá.
Cụ thể, theo lời khai của Đức, trước hôm đấu giá có gặp Hưng tại hành lang công ty, Hưng nói rằng bà Loan chỉ đạo ngày mai tham gia đấu giá. Khi đi đấu giá, bị cáo được đưa cho giấy ủy quyền của bên Công ty bất động sản Mỹ Đình.
“Lúc đó, bị cáo không có đủ nhận thức là vi phạm pháp luật mà chỉ nghĩ đó là hoạt động đấu giá công khai, minh bạch mà không biết mức giá đó đã được thống nhất từ trước”, Đức khai rõ trước HĐXX, đồng thời khẳng định bản thân không được hưởng lợi gì từ việc tham gia đấu giá.
Cáo trạng xác định quá trình định giá đất xác định giá khởi điểm làm cơ sở để tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội), các bị cáo là thẩm định viên có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình định giá đất đối với khu đất nói trên, các bị cáo đã không định giá đất khách quan mà theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy (cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội), thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế.
Việc này đã gây hậu quả làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 135 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Trần Công Tuyên (Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng, thuộc Ban quản lý dự án Đông Anh) cho rằng việc truy tố là chưa phù hợp bởi bị cáo không thỏa thuận, không thông đồng trong việc trình giá.
Là bị cáo cuối cùng bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Loan cho rằng việc truy tố là không đúng. Lời khai của các bị cáo khác tại tòa là không đúng, gian dối.
Theo bị cáo Loan, cáo trạng kết luận bà chỉ đạo người đi nộp tiền đặt cọc là sai sự thật. Đối với việc tham gia của 3 công ty, Loan khai rõ bản thân không chỉ đạo vấn đề bỏ giá mà chỉ đồng ý cho nộp hồ sơ tham gia đấu giá.
Với nguồn tiền đặt cọc, bà Loan cũng nhấn mạnh bản thân không cung cấp nguồn tiền. Bị cáo Loan nói: “Trong cáo trạng có kết luận tôi sử dụng 3 công ty là không đúng”.